Thursday, June 9, 2016

Nhật Bản vừa tiếp thêm ‘máu’ để quan chức VN tham nhũng

Ngay sau chuyến công du “vay tiền giảm nghèo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Nhật Bản vào cuối tháng 5/2016, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam các hiệp định vốn vay ODA với tổng giá trị 166.124 tỷ yen Nhật (khoảng 1.512 tỷ USD) cho ba dự án: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải (IV); Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên và Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thực tế, có ít nhất một dự án là Tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về nạn nhũng nhiễu và tham nhũng. Từ nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân tại khu vực bị giải phóng mặt bằng này đã khiếu nại tập thể và khiếu kiện đông người do giá bồi thường quá thấp và có dấu hiệu cán bộ bồi thường ăn chặn tiền của dân.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng ở Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ tham nhũng ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010, do chính một tờ báo nhà nước nêu.
Có rất nhiều dẫn chứng về lãng phí và tham nhũng ODA. Năm 2015, báo chí phản ánh công trình cầu vượt Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng rồi... bỏ không khoảng ba năm nay do hết vốn làm đường dẫn, gây lãng phí. Hoặc dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng và hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không hiệu quả...
Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở TP.HCM...
Hiển nhiên và không thể khác, đó là nguồn cơn vì sao ngay cả những quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với chính phủ Việt Nam.
Chắc hẳn quá thất vọng trước thành tích quá tồi tàn về “quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA” của Việt Nam, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, lần lượt WB, IMF rồi đến ADB đều thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt các khoản cho vay ODA với lãi suất ưu đãi.
Cho tới nay, chỉ còn lại Nhật Bản là quốc gia hào phóng nhất đối với chính thể Việt Nam. Từ năm 1993 đến nay, Nhật đã cho Việt Nam vay vốn ODA với giá trị cho vay là 24 tỷ USD, trong tổng số khoảng 80 tỷ USD vốn ODA mà Việt Nam vay mượn suốt hai chục năm qua.
Thế nhưng chính thái độ cho vay vốn quá hào phóng của Nhật đang tiếp thêm một nguồn “máu” mới để giới quan chức Việt Nam tiếp tục có cơ hội ăn chặn dự án và bỏ túi riêng.
Hiện thời, nợ công của Việt Nam theo cáo cáo đã lên khoảng 1,500 USD/ đầu người. Nhưng trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Những tỷ USD vốn ODA mà người Nhật dang trút vào Việt Nam sẽ càng tiếp thêm cơ hội để các đời con cháu của dân chúng Việt gánh nợ chống chất.  
09-06-2016
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment