Theo VOA-08.06.2016
Vừa qua chương trình “60 phút mở” của đài truyền hình VTV1 Việt Nam có trình chiếu cuộc tranh luận “Bạn làm từ thiện vì ai?” với nội dung gây tranh cãi sôi nổi trong cộng đồng mạng xã hội. Cá nhân tôi xin khoan bàn chuyện đúng sai, lại càng không muốn bàn sâu về chuyện “làm từ thiện vì ai?’, bởi lẽ chưa bao giờ có chuyện làm từ thiện mà “người làm từ thiện không được gì”. Bởi lẽ ít nhất họ thỏa mãn được mong muốn mang đi niềm vui, hạnh phúc đến với người khác (khiến họ cũng cảm thấy hạnh phúc theo). Trong nhiều trường hợp, làm từ thiện còn được dùng như một hình thức để che giấu các hành vi phạm pháp, chẳng hạn như rửa tiền.
Tôi biết không ít người phản đối “văn hóa từ thiện” vì cho rằng việc cho đi một gói thức ăn không những khiến người nhận chây ì, lười biếng mà còn làm cho người bán thức ăn mất đi một cơ hội (được mua). Ở châu Âu, người ta mở ra không ít trại từ thiện giúp cho người khó khăn, thất nghiệp; đó là chưa kể các chính sách hỗ trợ cho người dân cũng không khác kiểu từ thiện khi họ thất nghiệp hay vô gia cư. Và chính châu Âu đã bị lên án về các mức nợ công cao ngất, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên nhiều nước châu Âu nằm ở mức cao vào tốp đầu của thế giới.
Ngược lại, cũng có những làn sóng chỉ trích những kẻ sống chỉ biết cho riêng mình. Người Việt có một câu tôi thấy rất hay “sông có khúc, người có lúc”, ý nói làm người ai cũng có thể có lúc sa cơ thất thế, hoặc câu “không ai giàu ba họ.” Nói như vậy để thấy rằng, có những lúc ngặt nghèo, người ta cần được giúp một tay, đôi khi là miếng bánh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống. Và rồi có lúc, họ sẽ quay lại giúp những người sa cơ lỡ bước như họ đã từng trải qua. Sống như vậy, mới là sống công bằng và nhân ái.
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc làm từ thiện (đúng cách và đúng mức). Nhưng để phân biệt được cái nào đáng, hay cái nào không đáng; mức độ nào là đúng và mức độ nào là quá, không phải chuyện đơn giản. Ông Tiến Sĩ trong chương trình “60 phút mở” có lấy một ví dụ, cho rằng “việc đưa áo quần lên miền cao, đôi khi sẽ khiến những đứa trẻ về lâu dài không dùng thổ cẩm, lại mất đi bản sắc”. Nhiều người “ném đá” ông ấy vì cho rằng “ông là tiến sĩ phòng lạnh, ông ngu, ông bất nhẫn”. Ngay cả cô gái tham gia phản biện trên truyền hình cũng cắt lời ông bằng một luận điểm tôi không cho là phải: “chuyện giữ bản sắc văn hóa là chuyện của những người làm cao, làm chính trị, làm lãnh đạo đất nước”.
Lập luận của ông tiến sĩ về chuyện từ thiện áo quần và bản sắc vùng cao làm tôi nhớ đến một câu chuyện tôi từng đọc ở đâu đó. Một cậu bé ăn mặc phong phanh, đi xin ăn vào mùa đông rất lạnh, gặp một chàng trai trí thức và ngỏ lời xin vài đồng để có tiền ăn. Chàng trai không có tiền bèn cởi chiếc áo đắt tiền của mình ra khoác cho cậu bé, mong cậu được giữ ấm. Chàng trai tưởng rằng cậu bé sẽ vui, hạnh phúc; còn mình thì vừa làm một việc tốt. Không ngờ cái áo sang trọng ấy khiến cậu bé không xin được một đồng nào từ những người xung quanh, có nghĩa là cậu bé đói vẫn hoàn đói. Chuyện đại khái như thế, còn thông điệp của chuyện là việc làm tốt cho người khác phải được cân nhắc một cách cẩn trọng, nhất là suy xét về bản chất và tổng thể chứ không phải bản năng hay cảm xúc. Nói như vậy để thấy rằng, như ông tiến sĩ cho thấy, việc làm từ thiện ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, cần có sự xét đoán cẩn trọng.
Thế nhưng xã hội phần đông không nhìn ra điều mà ông tiến sĩ ấy nhìn thấy. Tất nhiên, không phải chuyện “áo quần và bản sắc vùng cao”, mà là làm từ thiện cần có những suy tính thiệt hơn một cách tổng thể, chứ không phải cứ cho đi người khác cái ăn, cái mặc là tốt, có chăng cũng chỉ làm thỏa mãn cái bản ngã muốn làm từ thiện, muốn cho đi để đổi lấy sự thanh thản, sự hạnh phúc (vì ngỡ rằng người khác hạnh phúc).
Làn sóng chỉ trích và ném đá đẩy ông tiến sĩ vào thế khó, phải chọn việc phản biện lại quan điểm mà phần đông xã hội không chọn, cho thấy văn hóa phản biện của nhiều người Việt vẫn quá kém. Rõ ràng ông tiến sĩ đã chọn được một luận điểm và đưa ra những luận cứ không phải vô lý, dù nó không được nhiều người để ý hay nhìn thấy. Nó không hề, và trong tranh luận, chưa bao giờ đáng để bị lên án “tiến sĩ ngu, tiến sĩ giấy, tiến sỹ phòng lạnh” như dân cư mạng đã gán ghép cho ông. Ở Mỹ, thầy cô giáo đứng lớp dạy cho học sinh tư duy phản biện sẽ ra đề, ví dụ “Có nên sống thử trước hôn nhân”. Sau đó sẽ chia ra 2 bên tranh luận, việc bảo vệ quan điểm “nên” hay “không nên” sẽ theo bốc thăm. Sau hiệp một, hiệp hai sẽ đổi vị trí của cả hai nhóm lại với nhau. Kết quả không phải để kết luận sống thử trước hôn nhân là có nên hay không, mà là để người xem thấy một cách toàn diện về tính hai mặt của việc này; để người học cảm thấy được cái dễ, cái khó, cái hay, cái dở của mỗi một quan điểm họ chọn, từ đó họ có thể tìm cách để trung hòa về mặt lợi ích của chọn lựa mà họ quyết định.
Quay lại câu chuyện “làm từ thiện vì mình hay vì người nhận từ thiện”; “có nên làm từ thiện hay không” cũng sẽ là những câu hỏi gây tranh cãi không có hồi dứt, vì nó có tính hai mặt, nó tùy vào những tình huống nhất định chứ không thể chỉ dựa vào những phán xét mang tính lý thuyết. Cái chính là người tranh luận phải tôn trọng luận điểm, luận cứ của đối phương dù có thể không đồng tình và phải phản biện một cách khoa học, bài bản chứ không phải phán xét người khác “bất nhẫn” hay “ngu si, dốt nát” khi quan điểm của họ, xét rộng ra, không phải là thiếu cơ sở. Đừng mượn danh nghĩa “tình người” để phủ nhận tất cả mọi lợi ích khác trong bức tranh vốn phức tạp và khó lường trước của cuộc sống xung quanh.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment