Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-06-09
Ảnh minh họa bàn phím với mắt kính có phản chiếu biểu tượng facebook. AFP photo
Bưng bít thông tin là nguyên tắc của chính phủ Việt Nam nhằm che giấu những gì mà nhà nước không muốn người dân biết đến. Việc bưng bít này có lợi hay hại đối với quyền được biết của người dân?
Vào lúc 18 giờ 30 ngày 6 tháng 5 năm 2016 báo Dân Trí Online có bài của phóng viên Thế Kha mang tựa: “Bộ Tài nguyên - Môi trường: Formosa thừa nhận tự ý xây toàn bộ đường ống xả thải”, chỉ hai giờ sau bài báo đã bị gỡ xuống nhưng cư dân mạng đã kịp thời lấy xuống nguyên văn bài báo quan trọng này.
Bài báo tiết lộ lời của ông Lương Duy Hanh Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã trả lời Dân Trí về những kết quả điều tra bước đầu rằng chính ông Phó Tổng giám đốc Formosa thừa nhận: Toàn bộ đường ống của họ là tự ý xây, không có thiết kế cơ sở xây dựng. Thứ hai nữa, Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng phê duyệt quy hoạch này cũng không có đoạn ấy.
Theo tôi thì việc bưng bít thông tin để tuyên truyền theo hướng một chiều theo ý định của lãnh đạo xảy ra ở Việt Nam lâu nay có gì là lạ đâu, đó là những việc mà họ thường xuyên vẫn làm.
- Nhà báo Bùi Văn Bồng
Nội dung bài báo thật bất lợi cho lập luận Formosa luôn tuân theo các quy định về xả thải của Bộ Tài nguyên Môi trường, do đó nếu căn cứ trên sự xác nhận này thì Formosa có nguy cơ bị đóng cửa vì áp lực của dư luận.
Nếu nhà máy này bị đóng cửa thì ngay lập tức biết bao hệ lụy phía sau nó sẽ xảy ra từ việc mất thuế thu nhập của Hà Tĩnh, tới sự dậy sóng của người dân khu vực có nhà máy, rồi việc nhiễm độc của biển đổ lên đầu nhà máy sẽ dẫn tới bất ổn xã hội và từ đó vai trò của Đảng và chính phủ có thể bị người dân đem ra mổ xẻ và thậm chí nguy cơ bạo động có thể bùng lên khi người dân cảm thấy mình bị đầu độc do chính sách không minh bạch của nhà nước.
Nhà báo quân đội Đại tá Bùi Văn Bồng, Nguyên trưởng đại diện báo QDND khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết việc bưng bít thông tin của nhà nước đối với báo chí Việt Nam:
Theo tôi thì việc bưng bít thông tin để tuyên truyền theo hướng một chiều theo ý định của lãnh đạo xảy ra ở Việt Nam lâu nay có gì là lạ đâu, đó là những việc mà họ thường xuyên vẫn làm. Báo Dân Trí là tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng tức là nằm trong luống báo chính thống của nhà nước thì người ta kiểm duyệt, vì vậy người ta rất chặt chẽ bài báo nào không có lợi thì không đăng mà nếu đăng rồi thì gỡ bỏ xuống.
Động thái đó phải nhìn nhận là thiếu minh bạch, không công khai hóa các vấn đề mà cứ bưng bít để giữ lại ý định gì đó để thực thi mà người dân chưa chắc đã tán thành mà có khi lại mất dân chủ. Theo tôi chuyện bưng bít thông tin để đi theo một chiều hướng đã định dưới sự lãnh đạo của đảng thì lâu nay vẫn vậy không có gì lạ cả. Không riêng gì báo Dân Trí mà rất nhiều báo khác có những bài đưa lên rồi lại lấy xuống thì vẫn có. Đối với công tác tuyên truyền và ngành báo chí thì đó vẫn là một công tác thường xuyên. Đối với một việc lớn như thế này vướng tới Formosa thì họ càng phải cẩn trọng hơn.
Nhà báo Mạnh Kim, qua nhiều năm làm cho các báo chính thống nói về nhận xét của ông về hiện tượng đưa bài lên rồi lại rút xuống như sau:
Tôi viết báo cũng lâu năm rồi, quan sát tình hình báo chí và những thông tin liên quan đến biển nhiễm độc và xả thải ở Formosa suốt từ tháng Tư đến giờ thì đã có sự kiểm soát thông tin không bình thường. Đôi khi người ta thả ra một bài viết nào đó để trấn an dư luận rồi sau đó lại xiết lại, cắt bài đó đi. Có nhiều bài trên VietnamNet bị xóa mất đó là sự rất là không bình thường và nó sẽ gây tiêu cực cho xã hội và làm cho người dân không biết chuyện gì đang xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung và hiện đang lan rộng ra một số tỉnh nữa.
Vấn đề minh bạch thông tin là một vấn đề thực sự bức xúc. Đáng ra chính quyền phải có thẩm định về thông tin và xử lý thông tin như thế nào đó chứ còn như thế này thì không ổn. Có một số bài lọt lên trên mạng thì có lẽ đó là cách mà báo chí người ta phá rào, người ta vượt qua rào cản rồi sau đó bị yêu cầu thì sẵn sàng rút xuống. Bây giờ người viết biết cái bài đã được đưa lên rồi, người đọc sẽ chụp màn hình và người viết hiểu được khi người ta đẩy bài lên như vậy thì nó sẽ được mạng lấy xuống và không thể nào mất đi được. Đó là cái cách mà báo chí người ta lách để đưa thông tin những gì thật sự xảy ra ở các tỉnh miền Trung, thực sự đang xảy ra trước vấn đề cá bị nhiễm độc, nguyên nhân vì sao cá bị nhiễm độc, đó là một trong những lý do mà bây giờ người ta đang chú ý về sự xả thải của Formosa.
Lợi bất cập hại
Không phải chỉ trong vấn đề cá chết mới được xem là nhạy cảm, ngay cả các vấn đề liên quan tới Hoa Kỳ cũng được Ban tuyên giáo trung ương xem xét một cách cẩn thận nếu xét thấy bất lợi cho quan hệ với Trung Quốc.
Bài báo mới nhất bị rút xuống gần đây trên tờ Tuổi Trẻ là vào ngày 4 tháng 6 có tựa: “Bí thư Đinh La Thăng: Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” ghi lại nhận định của ông Đinh La Thăng về vai trò Chủ tịch tín thác của ông Bob Kerrey tại đại học Fulbright Việt Nam.
Những ý kiến của ông Đinh La Thăng hầu như ngược lại toàn bộ ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh về cuộc thảm sát tại Thạnh Phong mà ông Kerrey tham dự trong chiến tranh Việt Nam. Mặc dù là một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng được xem như chỉ dưới quyền của Thủ tướng, Tổng Bí Thư, và Chủ tịch nước nhưng ý kiến của ông vẫn bị ra lệnh rút xuống, bất kể điều này gây tác hại cho công tác quản lý của ông Thăng về lâu về dài.
Tuy nhiên trước phản ứng của người dân ủng hộ ông Kerrey quá mạnh mẽ và rộng khắp, báo lề phải đã đăng bài của Đại tướng Phạm Văn Trà ủng hộ ông Kerrey như cách giải tỏa nghi ngờ sự lập lờ của chính phủ Việt Nam trước nhân vật Bob Kerrey và ngôi trường Fulbright.
Những quyết định trái chiều này cho thấy sự bất nhất trong vấn đề kiểm duyệt có thể dẫn tới những suy đoán không nên có từ dư luận quần chúng, nhất là việc tại sao ý kiến một Ủy viên Trung ương Đảng lại có thể bị rút xuống, phải chăng có sự đấu đá trong nội bộ của Đảng cộng sản giữa hai phe thân Mỹ và thân Trung Quốc trước các vấn đề có yếu tố của Hoa Kỳ ảnh hưởng sâu đậm tới Việt Nam?
Còn rất nhiều thông tin bị bưng bít nữa và chỉ khi nào nguồn thông tin ấy được minh bạch ở một nơi khác bên ngoài Việt Nam thì may ra người dân mới có thể tiếp cận. Đó là việc Hà Nội không hề loan tải dù chỉ một dòng chữ về thiện chí của Hoa Kỳ trước việc cá chết hàng loạt vùa qua.
Bây giờ người viết biết cái bài đã được đưa lên rồi, người đọc sẽ chụp màn hình và người viết hiểu được khi người ta đẩy bài lên như vậy thì nó sẽ được mạng lấy xuống và không thể nào mất đi được.
- Nhà báo Mạnh Kim
Tại cuộc họp báo tại Washington DC vào ngày Thứ Tư 8 tháng 6 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Ted Osius có bài tường trình về chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, khi được hỏi về phản ứng của Mỹ trước việc biểu tình vì cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh miền Trung ông đại sứ nói:
Trong câu chuyện biểu tình chống việc cá chết, chúng tôi đã ngay lập tức đưa ra đề nghị giúp đỡ về mặt kỹ thuật từ Hoa Kỳ nếu chính phủ Việt Nam cần đến để tìm hiểu những gì đã xảy ra, nguồn hay lý do nào đã giết chết hàng loạt cá dọc ven biển Việt Nam. Đó là đề nghị trợ giúp ngay tức khắc của chúng tôi nhưng không được chấp nhận. Tuy nhiên đã có một vài sự hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam để tìm hiểu về nguyên nhân cá chết và các hoạt động này không liên quan đến đề nghị của đại sứ Hao Kỳ tại Việt Nam.
Bưng bít thông tin đã và đang gián tiếp gây tê liệt báo chí Việt Nam nhưng lại là cơ hội cho báo chí nước ngoài và trang mạng xã hội nay đã lên hàng chục triệu tài khoản trong nước. Xử lý thông tin kịp thời và đúng đắn là công cụ duy nhất hướng dẫn người dân không lạc vào dòng thông tin thiếu kiểm chứng nhưng lại có uy lực thuyết phục họ vì biết rằng thông tin dòng chính không phải lúc nào cũng có lợi cho yêu cầu được biết của người dân.
No comments:
Post a Comment