Thursday, June 9, 2016

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Nhân quyền vẫn chia rẽ quan hệ Mỹ-Việt

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-06-09  
ted-622.jpg
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius phát biểu tại Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế CSIS ở Washington DC hôm 8/6/2016. CSIS PHOTO
Hai tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam, vào ngày 8 tháng 6 vừa qua, tại Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius đã có một buổi nói chuyện ngắn tóm tắt lại những gì đã đạt được trong chuyến thăm. Ông cho biết hai phía đã thống nhất được với nhau trong hầu hết mọi vấn đề trừ vấn đề nhân quyền.
Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu của mình tại Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế vào chiều ngày 8 tháng 6 vừa qua ở Washington DC, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius đã ca ngợi những gì mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua, làm sâu và rộng thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước kể từ khi hai bên nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2013:
“Về phía Hoa Kỳ đây (tuyên bố chung) là một catalogue tốt cho thấy những gì mà chúng ta đã có thể đạt được trong mối quan hệ hai nước thời gian qua kể từ khi quan hệ đối tác toàn diện giữa hai phía được thiết lập. Nó cho thấy quan hệ đã nhanh chóng mở rộng hơn và sâu thêm.”
Tôi rất vui với kết quả đạt được… Nhưng một vấn đề vẫn chia rẽ hai phía là vấn đề nhân quyền… hai bên thống nhất trên hầu hết mọi vấn đề nhưng không cùng thống nhất về vấn đề nhân quyền.
-Đại sứ Ted Osius
Đại sứ Ted Osius nói đến một loạt các hợp tác của hai phía bao gồm: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hợp đồng thương mại trị giá đến 16 tỷ đô la được ký kết trong chuyến thăm vừa rồi, hoạt động của đội thanh niên tình nguyện hòa bình Mỹ tại Việt Nam thời gian tới, Việt Nam gia hạn visa đối với công dân Mỹ, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, giúp làm sạch chat độc da cam, và cải cách luật pháp.
Đại sứ Hoa Kỳ cho biết phía Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng hai bên sẽ không đạt được một tuyên bố chung hai nước vì những bất đồng còn tồn tại giữa hai phía. Tuy nhiên hai bên cuối cùng đã đạt được tuyên bố chung và Hoa Kỳ đã có được những gì mà mình trông đợi. Ông cho rằng phía Việt Nam đã rất sẵn sàng hợp tác:
“Phía Việt Nam đã sẵn sàng, sẵn sàng hợp tác với chúng ta trên khắp mọi lĩnh vực khác nhau. Họ đã muốn Tổng thống tới thăm và muốn đảm bảo là chuyến thăm thành công và họ đã đưa ra những quyết định khó khăn để đạt được những thỏa thuận trong đó có những thỏa thuận mang tính thách thức đối với phía Việt Nam.”

Khác biệt về nhân quyền

Mặc dù ca ngợi những kết quả đạt được sau chuyến thăm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nhìn nhận hai phía vẫn còn những khác biệt trong vấn đề nhân quyền:
“Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi cần đạt được từ tuyên bố chung giữa hai nước. Tôi rất vui với kết quả đạt được… Nhưng một vấn đề vẫn chia rẽ hai phía là vấn đề nhân quyền… hai bên thống nhất trên hầu hết mọi vấn đề nhưng không cùng thống nhất về vấn đề nhân quyền. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng xu hướng là tốt khi nói đến tự do tôn giáo, đối xử với người tàn tật, người thuộc cộng đồng LGBT. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục theo hướng tích cực.”
Ông cũng nói đến cuộc gặp của Tổng thống Obama với một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam. Ông cho rằng thật đáng tiếc là một số nhà hoạt động xã hội đã bị chính quyền ngăn cản không cho gặp Tổng thống Obama. Tuy nhiên, theo ông, những người đã gặp được Tổng thống cũng đã đưa ra một loạt những kiến nghị để phía Mỹ xem xét. Đại sứ Hoa Kỳ không nói cụ thể những đề nghị này là gì.
Liên quan đến những lo ngại về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ khiến Hoa Kỳ mất đi một đòn bẩy để mặc cả vấn đề nhân quyền với Việt Nam, Đại sứ Ted Osius nhận xét:
“Theo tôi chúng ta vẫn có cùng những đòn bẩy mà chúng ta đã có trước chuyến thăm, thậm chí là còn nhiều hơn khi chúng ta nói chuyện, hợp tác với  Việt Nam hơn là không có quan hệ gì. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể khiến họ đưa quyết định theo ý của chúng ta nhưng điều này có nghĩa là ở những vấn đề hai bên còn bất đồng như nhân quyền thì hai bên có những đối thoại tôn trọng lẫn nhau và đôi khi hai phía có thể đi đến đồng ý với nhau.”

Tranh luận về trường đại học Fulbright ở Việt Nam là tốt

Về vấn đề tranh luận xung quanh vai trò của Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, chủ tịch hội đồng tín thác đại học Fulbright tại Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng đây là một cuộc tranh luận bổ ích. Dựa vào kinh nghiệm của mình ở Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng người Việt Nam rất rộng lượng và có thể tha thứ.
Trường đại học Fulbright Việt Nam là một trường độc lập, hội đồng tín thác không do chính phủ Mỹ hay Việt Nam chỉ định. Đó là điều tốt. quan điểm thứ hai theo tôi là tranh luận đang diễn ra là một tranh luận tốt.
-Đại sứ Ted Osius
Trường đại học Fulbright Việt Nam là một trường độc lập, hội đồng tín thác không do chính phủ Mỹ hay Việt Nam chỉ định. Đó là điều tốt. quan điểm thứ hai theo tôi là tranh luận đang diễn ra là một tranh luận tốt. Lý do chúng tôi muốn có trường đại học Fulbright Việt Nam để chúng ta có những tranh luận lành mạnh như vậy về quá khứ và tương lai mà Việt Nam muốn. Tôi nhìn nhận tranh luận này theo khía cạnh tích cực… Tôi đã làm việc với chính phủ và người dân Việt Nam hơn 20 năm qua và không ở đâu mà người dân luôn hướng tới tương lai và sẵn sàng tha thứ như ở Việt Nam.”
Thời gian qua, dư luận Việt Nam có nhiều tranh cãi xung quanh vai trò của ông Bob Kerrey, người từng tham gia vụ thảm sát Thạnh Phong thời chiến tranh Việt Nam. Ông Bob Kerrey đã lên tiếng xin lỗi người Việt Nam về những gì ông đã làm trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, có những dư luận tại Việt Nam lại cho rằng ông không nên giữ vị trí được bổ nhiệm của trường đại học Fulbright ở Việt Nam. Một số ý kiến khác tỏ ra đồng tình với việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey vì cho rằng ông đã xin lỗi và đã đến lúc người Việt Nam nên tha thứ, cho ông cơ hội giúp đỡ Việt Nam.

Biểu tình ôn hòa về môi trường là tốt

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung Việt Nam thời gian qua, đại sứ Ted Osius cho biết, ngay sau khi có thông tin về ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung, phía đại sứ quán Mỹ đã có đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tìm nguyên nhân với chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên phía Việt Nam đã không nhận lời đề nghị trợ giúp này. Mặc dù vậy, sau đó đã có một số nhà khoa học Mỹ hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Đại sứ Hoa Kỳ cho biết hợp tác này không đến từ lời đề nghị trước đó của phía Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ cũng khẳng định những cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa vì môi trường diễn ra vừa qua tại các thành phố ở Việt Nam là tốt:
“Về những cuộc biểu tình, theo tôi biểu tình ôn hòa là điều tốt. Chúng tôi không tham gia vào vấn đề này vì đây là vấn đề nội bộ của Việt Nam. Chúng tôi có thể khuyến khích chính phủ nên đối xử với các cuộc biểu tình theo một cách nào đó nhưng quyết định cuối cùng là ở chính phủ và người dân Việt Nam.”

Hợp tác an ninh biển và vai trò của Mỹ ở  vịnh Cam Ranh

Một vấn đề quan trọng khác cũng được đề cập trong buổi nói chuyện ngắn của đại sứ Hoa Kỳ là vấn đề hợp tác trong an ninh biển, mua vũ khí và vai trò của Mỹ ở vịnh Cam Ranh. Theo đại sứ Osius, Hoa Kỳ và Việt Nam rất gần nhau trong quan điểm liên quan đến việc giải quyết hòa bình tranh chấp tại biển Đông. Theo ông, những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc ở biển Đông đang khiến Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ.
Nói về khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí từ Mỹ sau khi lệnh cấm bán vũ khí sát thương được dỡ bỏ, đại sứ Osius cho biết:
“Tôi có thể tưởng tượng là những vũ khí mà Việt Nam tìm kiếm từ phía Mỹ là những thứ giúp Việt Nam trong an ninh biển. Chúng tôi đã nhận được một vài thư yêu cầu từ quân đội Việt Nam và có thể sẽ có thêm những thư yêu cầu khác nữa nhưng sẽ không có dồn dập tức khắc. Họ sẽ không mua ồ ạt ngay lập tức mà quá trình này sẽ từ từ và được cân nhắc…”
Đại sứ Hoa Kỳ cũng cho biết Hoa Kỳ tôn trọng chính sách ba không của Việt Nam liên quan đến vấn đề vịnh Cam Ranh. Chính sách ba không đó là không đe dọa, xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào, không liên minh và không cho bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ Việt Nam để đe dọa, chống lại nước thứ ba. Vì vậy, theo đại sứ Osius, thời gian tới Hoa Kỳ sẽ có thể xem xét sử dụng dịch vụ sửa chữa bảo hành của vịnh Cam Ranh như một số nước khác đã làm, nhưng sẽ không có chuyện Hoa Kỳ đóng quân tại Vịnh này.

No comments:

Post a Comment