Nguyễn Huy Canh-02-05-2016
(VNTB) - Trên báo Thanh Niên vừa cho phát bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng về kinh tế tư nhân, và chủ nghĩa xã hội (xem báo Thanh Niên, ngày 28/4/016). Đây là một bài viết ngắn, nhưng tương đối rõ ràng, mạch lạc quan điểm của ông - một nhà lãnh đạo cũng tương đối có chức vụ cao - về nền kinh tế tư nhân, về giai tầng doanh nhân và chủ nghĩa xã hội.
Phó trưởng ban thường trực Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng đang "thay đổi"?
Chúng ta biết, trong nhiều nghị quyết của đảng gần đây, đã lấp ló nhìn thấy sự đánh giá, nhìn nhận ý nghĩa, vai trò của thành phần kinh tế này trong sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên nội dung những nghị quyết ấy vẫn còn vương vấn quá nhiều về vai trò chủ đạo, nền tảng của chế độ công hữu, và kinh tế doanh nghiệp nhà nước.
Điều chúng ta nhìn thấy, trong tư tưởng của ông Vũ Ngọc Hoàng, lần này, ông đã mạnh mẽ, dứt khoát vứt bỏ đi cái vai trò chủ đạo đầy ngạo mạn và đau khổ đó. Ông đã chỉ ra được sự bất bình đẳng của nó; và sự thụt lùi, yếu kém của nền kinh tế cũng có gốc rễ từ đây. Ông đã viết: Không chấp nhận thành phần kinh tế chủ đạo hay không chủ đạo!
Nhưng vì sao, nhiều nghị quyết của đảng trong nhiều kì đại hội trước đây vẫn luôn khẳng khái về vai trò chủ đạo, thống soái của doanh nghiệp nhà nước? Tiếc rằng ông phó ban chưa nhấn mạnh đến cái doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế này rút lại nó là cái gì mà bây giờ phải bỏ đi vị trí chủ đạo đầy vênh vang của nó. Nó chính là cái thùng khổng lồ không đáy để cho các quan tham rúc vào mà thi nhau bòn rút tài sản, nguồn lực của đất nước.
Sau bao nhiêu năm chủ đạo, đặc biệt 10 năm trở lại đây, chúng ta đã nhìn thấy sự phá sản, nợ nần chồng chất, nội lực đất nước bị hao tổn khủng khiếp. Nó đã không đủ khả năng, và không thể làm được cái vai trò mà chế độ này đã ưu tiên, và ở mặt bên kia - kinh tế tư nhân-chúng ta nhìn thấy sự bất công, chèn ép, nhũng nhiễu từ cơ quan nhà nước và những quan chức thực thi công vụ. Một cơ chế như thế, một sự phân chia thứ hạng như thế, thì làm sao có công bằng, dân chủ được!
Trong bài viết này, người ta đã nhìn thấy sự khẳng định của ông đối với vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân. Ông viết: “nền kinh tế thị trường của VN sẽ phải tiến lên chủ yếu bằng kinh tế tư nhân. Đó là chiến lược lâu dài, mãi mãi”. Đặc biệt, ông đã chỉ ra được tính chất xã hội hóa của quan hệ sở hữu, khi kinh tư bản tư nhân tự vượt qua giới hạn của nó để đến với kinh tế cổ phần, như một trong những con đường kinh điển để đất nước tiến lên.
Nhưng tiếc rằng, ông vẫn ngập chìm trong khái niệm chủ nghĩa xã hội (CNXH) với nội dung cũ. Thế thì làm sao, con đường tự vượt qua ấy lại đến được với chủ nghĩa xã hội đầy huyền thoại?
Có thể đó là nghệ thuật trong bước đi của ông, khi ông cần phủ định, bác bỏ kinh tế quốc doanh chăng. Điều này cũng giống như ông Vũ Tiến Lộc, khi nói đến vai trò của doanh nhân, các nhà tư sản, ông phải mượn đến chủ tịch Hồ Chí Minh vậy.
Nhưng tư tưởng, học thuyết không rõ ràng về ngôn từ, khái niệm do tính tình thế của nó, thì đó là điều nguy hiểm. Bởi vì điều đó sẽ dễ dẫn chúng ta vào một không gian rối rắm, mù mờ trong thế giới tư tưởng.
“Chính các doanh nghiệp Việt trưởng thành là nhân tố quyết định sự thành công của nền kinh tế nước nhà”. Ta đã đọc được những khái niệm như động lực, quyết định được ông nói đến. Nhưng tiếc rằng ông đã không làm rõ ở mức độ cần thiết ở nội dung của những thuật ngữ này.
Động lực, quyết định trong lĩnh vực của tồn tại, của đời sống lịch sử, không phải là cái gì khác hơn là nền tảng, làtrục xoay trong những mức độ nhất định, có thể đo được của nó. Tức là mọi cái tồn tại khác, hiện thực trực tiếp đều là hình ảnh của nó, của giai cấp tư sản, của cách thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Rằng, khi ấy, không phải giai cấp nông dân, công nhân, những người làm thuê trong nền sản xuất hiện đại là chủ thể, chủ nhân, nền tảng của quá trình sản xuất vật chất, và sản xuất ra đời sống con người, mà phải là những doanh nhân, giai cấp tư sản Việt. Nói một cách khác, giai tầng doanh nhân phải trở thành lực lượng bước lên vũ đài kinh tế, chính trị và lịch sử VN. Không có điều này, xã hội, lịch sử của chúng không thể thành công được. Cùng lắm cũng chỉ là những tiến bộ đạt được có tính chắp vá.
Điều này phải được thừa nhận như một tiên đề lịch sử. Và khi ấy đương nhiên, bản chất của đảng lãnh đạo, cùng với cấu trúc quyền lực chính trị, nhà nước phải thay đổi mạnh mẽ (dù trong khuôn khổ không bỏ đi vai trò lãnh đạo tối cao của đảng).
Muốn giữ nguyên vai trò lãnh đạo, và vị trí cầm quyền, và yêu cầu về một sự thành công buộc phải có, đảng phải là đại diện, đại biểu trung thành, trước hết, cho lợi ích, ý chí, tư tưởng của giai cấp tư sản, và sau đó là của cả dân tộc, và các giai tầng khác.
Sự biến đổi về bản chất này phải xảy đến cùng với cơ cấu xã hội đã và đang thay đổi. Và đương nhiên, nó sẽ kéo theo sự đổi mới cơ bản về Hiến Pháp, về chủ thể cùng với cách thức tạo ra nó.
Nhưng đây lại trở thành vấn đề quá to lớn của thực tiễn chính trị, và lịch sử nước nhà. Và do đó nó cần một học thuyết mới - học thuyết Mác-xít đã trở nên không còn phù hợp nữa - để thuyết minh cho con đường của nó, cũng như sự đóng góp chân thành của nhiều lực lượng xã hội, thì may ra mới hi vọng công cuộc và con đường mà những doanh nhân đang thầm lặng, lầm lũi, mò mẫm tạo ra, đang được chúng ta cổ vũ, mới trở thành có tư tưởng.
No comments:
Post a Comment