VIỆT NAM (NV) - Chính phủ Việt Nam và chính quyền 13 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục “bàn bạc” về việc ứng phó với tình trạng khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào khu vực này.
Lượng nước trong hồ chứa nước ngọt để cung cấp cho thành phố Rạch Giá chỉ còn đủ dùng đến giữa tuần tới. (Hình: Tiền Phong)
Trong khi hậu quả do khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng vườn ở đồng bằng sông Cửu Long càng ngày càng trầm trọng thì những nội dung được đưa ra bàn bạc chẳng khác gì cách nay hai, ba tháng.
Tin mới nhất liên quan đến hậu quả do khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng vườn ở đồng bằng sông Cửu Long là Rạch Giá chỉ còn đủ nước ngọt để cung cấp cho dân chúng trong vòng năm ngày nữa.
Cho dù công ty cấp nước Kiên Giang đã cắt 35% công suất, tạm ngưng cấp nước cho khu vực ngoại ô thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất nhưng lượng nước ngọt để dành cho Rạch Giá cũng chỉ đủ dùng cho đến giữa tuần tới.
Theo công ty cấp nước Kiên Giang tuy Rạch Giá nằm trong khu vực chằng chịt sông rạch nhưng họ không thể khai thác nước từ hệ thống sông rạch này bởi chúng đã bị nhiễm mặn nặng tới mức không thể lắng, lọc. Suốt nửa tháng qua, công ty cấp nước Kiên Giang không thể thu được giọt nước ngọt nào và cũng vì vậy, lượng nước trong hồ chứa chính để cấp nước cho Rạch Giá chỉ còn chưa tới 100,000 khối, trong khi mỗi ngày, thành phố này cần tối thiểu 15,000 khối nước.
Nếu không tìm được nguồn nước khác, năm ngày nữa, công ty cấp nước Kiên Giang sẽ ngưng cấp nước. Nước cho bệnh viện, trường học sẽ được lấy từ hồ dự trữ, hiện chỉ có khoảng 50,000 khối. Ngoài việc gia tăng tìm kiếm điểm còn nước ngọt trên sông Cái Sắn, chính quyền tỉnh Kiên Giang đang hối hả thăm dò để khai thác nước ngầm.
Hậu quả của khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng vườn ở đồng bằng sông Cửu Long càng lúc càng nặng nề. Ngày 28 tháng 4, một thứ trưởng của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tên là Hoàng Văn Thắng, loan báo đã có khoảng 210,000 héc ta ruộng, 10,000 vườn, 2,000 héc ta ao hồ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng bởi khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập. Tổng số gia đình thiếu nước ngọt để ăn uống khoảng 230,000 và tình trạng này trải rộng ở 10/13 tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu).
Đáng lưu ý là diễn biến của hội nghị về khô hạn nghiêm trọng và nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng vườn ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa diễn ra tại Sóc Trăng cũng y hệt như các hội nghị tương tự từng diễn ra hồi... đầu tháng 3 và giữa tháng 2.
Ngoài khác biệt duy nhất là các con số liên quan đến thiệt hại lớn hơn, đại diện chính quyền các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đề nghị chính quyền trung ương cho tiền để: Nạo vét kênh mương trữ nước ngọt. Đắp đê ngăn nước mặn. Xây dựng hồ chứa nước ngọt. Khoan các giếng ngầm. Thiết lập hệ thống ống dẫn nước ngọt, lập các điểm cấp nước công cộng,...
Giống như ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc - cựu phó thủ tướng, nay là thủ tướng, ông Trịnh Đình Dũng, tân phó thủ tướng, tiếp tục “yêu cầu Ban Chỉ Đạo Phòng-Chống Thiên Tai, Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ban, ngành liên quan và địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cần... nhanh chóng vào cuộc, thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống người dân!”(G.Đ)
No comments:
Post a Comment