Sunday, May 1, 2016

Dân không 'phấn khởi' cũng chẳng biết ơn

ĐỒNG NAI (NV) - Tuy công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã tạm đình chỉ công tác một viên thượng tá và một viên thiếu tá nhưng công chúng Việt Nam vẫn hoang mang chứ không “phấn khởi.”

Ông Nguyễn Văn Bỉ suýt vào tù chỉ vì không chịu bán đất cho Trưởng công an huyện Bình Chánh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Thương Tá Trương Quốc Hiếu, phó công an huyện Nhơn Trạch và Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn, đội phó Đội Cảnh Sát Điều Tra Công An huyện Nhơn Trạch mới bị xác định là những người phải chịu trách nhiệm về việc bắt và sau khi phải thừa nhận đã bắt sai vẫn ráng tặng nạn nhân là bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc một quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bà Ngọc thuê đất nuôi tôm ở Nhơn Trạch. Do hoạt động khai thác ảnh hưởng đến việc nuôi tôm, bà Ngọc tố cáo hoạt động này với báo chí. Đó là lý do chính quyền tỉnh Đồng Nai ra lệnh cho chính quyền huyện Nhơn Trạch phải kiểm tra và xử lý. Đó cũng là lý do bà Ngọc và thân nhân bị dọa giết, bị bảo vệ khu rừng phòng hộ trói, đánh, hủy hoại tài sản.

Báo chí tiếp tục tố cáo nên chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra lệnh cho chính quyền huyện Nhơn Trạch phải kiểm tra và xử lý. Ngày 19 tháng 4, công an Nhơn Trạch mời bà Ngọc đến cung cấp thông tin nhưng khi đến nơi, bà Ngọc lại bị còng vì cả công an lẫn Viện Kiểm Sát huyện Nhơn Trạch “thống nhất nhận định,” hồi đầu tháng 9 năm ngoái, trong lúc ngăn cản việc khai thác cát trái phép, bà Ngọc đã phạm tội “chống người thi hành công vụ.”
Ngay sau đó, báo chí Việt Nam công bố một video clip ghi lại chuyện xảy ra hồi đầu tháng 9 năm ngoái. Theo đó, bà Ngọc đã gọi điện thoại báo cho công an địa phương về hoạt động khai thác cát trái phép nhưng vài tiếng sau công an mới tới. Lúc đến nơi, công an chỉ khoanh tay đứng nhìn những người khai thác cát trái phép hăm dọa, đuổi đánh bà Ngọc...

Video clip này khiến chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục ra lệnh cho chính quyền huyện Nhơn Trạch phải kiểm tra và xử lý. Bốn ngày sau, bà Ngọc được tại ngoại vì xét thấy “không cần thiết phải tạm giam.”

Hôm sau nữa, hệ thống tư pháp ở huyện Nhơn Trạch quyết định “đình chỉ điều tra” đối với bà Ngọc. Các viên chức tư pháp ở huyện Nhơn Trạch phân bua, sở dĩ họ bắt bà Ngọc trong lúc điều tra chuyện bà trở thành nạn nhân của việc tố cáo khai thác cát trái phép là vì bà đã ngăn cản công an đưa sà lan khai thác cát đi nơi khác lập biên bản dù sà lan bị thủng, có thể đắm, gây hậu quả nghiêm trọng cho giao thông đường thủy và môi trường...
Kịch tính được nâng thêm một mức khi Viện Kiểm Sát và công an huyện Nhơn Trạch xin lỗi và tặng hoa cho bà Ngọc, bà lại từ chối không nhận, thậm chí còn nhấn mạnh là bà cảm thấy “nhục” vì song song với việc tuyên bố bà Ngọc “không phạm tội,” công an huyện Nhơn Trạch “tặng kèm” một quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là 2.5 triệu đồng.

Nói cách khác, theo công an huyện Nhơn Trạch thì bà Ngọc vẫn “chống người thi hành công vụ,” chỉ có điều sai phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự (lôi ra tòa để giam vào tù).

Bà Ngọc nhấn mạnh, khai thác cát trái phép ở Nhơn Trạch là chuyện phổ biến. Chẳng phải bà mà nhiều người khác đã tố cáo từ lâu nhưng chính quyền chẳng làm gì cả. Đó cũng là lý do hồi tháng 9 năm ngoái bà đòi phải lập biên bản ngay tại chỗ. Bà cũng khẳng định, chẳng phải bà mà còn nhiều người khác biết, hồi tháng 9 năm ngoái, sà lan không hề bị thủng và có thể đắm như công an Nhơn Trạch biện bạch.

Trước khả năng vụ bà Ngọc từ chối nhận lời xin lỗi có thể trở thành một scandal mới, gây ra những rắc rối mới, đại diện công an huyện Nhơn Trạch vội vàng hứa sẽ “thu lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.” Còn đại diện Viện Kiểm Sát huyện Nhơn Trạch cũng vội vã hứa sẽ “giám sát” điều này!

Dẫu có thêm hai sĩ quan cấp tá bị “tạm đình chỉ công tác” nhưng vụ bà Ngọc và vụ chủ quán Xin Chào, vụ người đàn ông dựng chòi nuôi vịt ở Bình Chánh, thành phố Sài Gòn suýt đi tù vẫn làm dân chúng hoang mang.

Tuy hệ thống tư pháp ở Việt Nam đã đình chỉ điều tra vụ quán Xin Chào (chủ quán bị cáo buộc “kinh doanh trái phép” chỉ vì khai trương trước khi cầm được giấy phép) và vụ dựng chòi nuôi vịt nhưng bị truy tố vì “vi phạm các qui định về nhà ở,” rồi “tạm đình chỉ công tác” sáu viên chức, trong đó có hai kiểm sát viên, hai sĩ quan công an (một là đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh, một là thiếu tá đội phó Đội Cảnh Sát Điều Tra) nhưng qua báo chí, dân chúng Việt Nam vẫn hoang mang, bởi trong tất cả các vụ đó, lúc đầu, hệ thống tư pháp của các địa phương cùng khăng khăng khẳng định “đã có sự bàn bạc cẩn thận giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm Sát, các bên đều khẳng định có cơ sở để khởi tố.” Chỉ tới khi công chúng phản ứng dữ dội, thượng cấp ghé mắt nhìn tới mới thấy là “oan,” là “sai.”

Hệ thống tư pháp Việt Nam chưa xác nhận điều mà người chỉ dựng chòi nuôi vịt nhưng suýt đi tù tố cáo là đúng hay sai (cả ông lẫn người thuê đất của ông để mở quán Xin Chào cùng suýt vào tù chỉ vì ông không chịu bán đất cho viên đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh) nhưng có trả lời hay không, thậm chí có đình chỉ hàng loạt viên chức thì nhiều người vẫn đang than trên Internet là các “vụ án” vừa kể khiến họ cảm thấy, dù không làm gì sai, họ cũng vẫn là những “tù nhân dự khuyết.” (G.Đ)

04-30- 2016 3:26:40 PM 

No comments:

Post a Comment