Sunday, May 1, 2016

Cá thối cho những người thích kim loại vàng!

Quang Nguyên-01-05-2016

(VNTB) - Người phải cúi đầu tạ tội trước mặt nhân dân VN phải là chính phủ và quốc hội. Chính họ là những kẻ không muốn cá, đã phá hoại môi trường, đã để cho dân nghèo khổ thêm, đã gây bệnh cho biết bao người.


Đã gần tháng  qua, cá chết dọc bờ biển miền Trung Việt nam, cả nước xôn xao, nhiều người ăn hải sản trúng độc, mà chính phủ vẫn chưa xác nhận được nguyên nhân. Cá đột ngột chết hàng loạt không hiếm trên thế giới, nhưng thường  chính quyền sở tại nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, công bố cho dân chúng địa phương, du khách, dân cả nước họ biết.

Cho đến nay  chính phủ và các chuyên viên khoa học hàng đầu Việt Nam vẫn vẫn loay hoay, úp mở với câu trả lời. Ông thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường  vin vào một cái cớ hoãn binh rất buồn cười "Có những trường hợp nhiều nước phải mất nhiều năm để tìm ra nguyên nhân, mặc dù người dân và cả xã hội hết sức quan tâm, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải sớm công bố nguyên nhân." Tuy vậy ông ta không thể chối cãi hai nguyên nhân chính. Ông Nhân nói:

Có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Thứ nhất: Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của  con người trên đất liền và trên biển."

Thứ hai: Do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước, mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ."

Tảo đỏ, thủy triều đỏ, không phải là "hiện tượng dị thường" như ông nói, nó thừơng có trên các vùng biển miến Trung này và cũng chưa từng tác hại đến thủy sản. Nó cũng chỉ nhân lên thành "thủy triều đỏ" khi gặp đủ điều kiện vật lý , hóa học và thức ăn cho nó.

Dù xác nhận nguyên nhân thứ nhất giết hại hàng loạt thủy sản trong vùng này là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của  con người trên đất liền và trên biển, bộ Tài Nguyên Môi Trường vẫn tỏ ra  thận trọng chưa cáo buộc các nhà máy dọc bờ biển, đặc biệt Formosa là thủ phạm :"chưa có bằng chứng để kết luận mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt." Điều này trái với báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế: "hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như QCVN 08 - MT:2015/BTNMT."  Điều gì khiến họ sau nhiều lần họp kín, họp hở, điều tra lên xuống vẫn không thể chỉ ra  cái "tổ con chuồn chuồn"?

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, cá chết hàng trăm ngàn con, kéo dài hàng mấy dặm dọc theo bãi biển miền trung Florida. Người ta không cần đến các "chuyên viên hàng đầu", không cần đến gần cả tháng trời, không họp kín, họp hở, họ mau chóng tìm ra nguyên nhân, do dòng El Nino, do nhiệt độ cao trong mùa đông năm nay làm rong biển nâu tăng khiến cá thiếu oxy, do lượng mưa lớn gấp 3 lần mọi năm kéo chất thải cả gia đình lẫn công nghiệp, phân bón hóa học xuống biển. Dòng El Nino? Bó tay, chỉ có trời sửa cho nó chạy lên hay chạy xuống Nam, Bắc bán cầu. Mùa đông nhiệt đô năm nay cao hơn mọi năm? Cũng thua luôn. Tại khí hậu thay đổi, lượng mưa gấp 3 lần mọi năm ai cản được đủ thứ rác thải, nước cống, phân bón chất thải nhà máy ồ ạt kéo xuống làm ô nhiễm vùng biển? Vậy thì huề cả làng sao? Không, người ta chỉ ngay ra đươc nguyên nhân của những nguyên nhân gây ra hàng loạt cá chết là do tham nhũng và yếu kém của chính quyền bang Florida. Bang này chưa hề có luật điều tiết chất thải hóa học xuống biển, chưa hề có luật ngăn chận việc xây dựng ồ ạt nhà máy dọc theo biển, không tich cực cộng tác với Cơ Quan Bảo Vệ Môi trường Liên Bang. Người ta thấy được trách nhiệm của quốc hội tiểu bang và cách làm việc tắc trách của chính quyền.

Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã tìm thấy nguyên nhân cá chết là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của  con người trên đất liền và trên biển, nhưng bộ này cũng cho biết:"chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.", và "Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định". Phát biểu này trái với kết quả của sở TNMT Huế. Vậy thì " hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia" ở đâu ra? Không do một nhà mày Formosa thì phải do nhiều nhà máy ven biển gây ra.

Trong khi những người miệng có gang có thép ú ớ không nói nên lời thì ông phó giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm đã hàm ý Formosa nhận nhà máy của họ gây ra ô nhiễm vùng biển trong lời nói của ông ta. Lời ông ta có phần thô lỗ, có phần gây sốc đã khiến nhiếu người nổi giận, nhưng phải nói là bộc trực và thẳng thắn, không có tính xã giao, chính trị. Việc cả ban giám đốc nhà máy này cúi đầu xin lỗi nhà nước VN, nhân dân Việt Nam và cho ông Phó nghỉ việc nhưng không nói gì đến việc mà nhiều người muốn họ nhận là thủ phạm khiến người ta suy nghĩ. Formosa vẫn giữ thái độ đồng tình với lời nói của ông Chu Xuân Phàm "Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của Việt Nam." Công ty này luôn làm theo quy định của nhà nước, việc dẫn chất thải xuống biển cũng được cho phép, cũng được kiểm tra định kỳ một cách nghiêm chỉnh như ông ta nói. Những bài học đắt giá mà Formosa nhận ở nhiều nơi, mà tính minh bạch trong kinh doanh được đưa lên hàng đầu, đủ để họ phải vô cùng thận trong với môi trường kinh doanh dễ bị mắc bẫy như Việt Nam. Không riêng gì Formosa, các nhà máy khác chung quanh đó, dọc duyên hải chắc cũng cẩn trọng như vậy. Họ không dại dột đặt cá cược hàng trăm triệu đô la tiền vốn với chuyện lươn lẹo.

Họ đã cố gắng làm theo quy định của Việt Nam và chịu các cuộc kiểm tra nghiêm khắc. Thế thì cớ gì có thể buộc tôi họ?

Muốn thép (hay một thứ gì đó) hay cá? Câu hỏi này tin chắc đã được bàn thảo khi đề án đầu tư các nhà máy ven biển được đề xuất với chính phủ VN. "Đến thủ tướng cũng không thể muốn một lúc cả hai thứ được". Giữa cá và thép, người ký phép phải chọn một, và người có quyền đã đặt bút ký cho phép nhà máy hoạt động thay vì cá. Họ muốn có dầu lửa, muốn có hóa chất, muốn thép. Họ hy sinh môi trường, hy sinh quyền lợi của dân, không đếm xỉa đến sức khỏe của người dân. Khi đặt bút ký cho phép xây dựng các nhà máy, cả hai bên, chủ và khách hàng đều muốn có lợi. Ngoài sắt thép, họ còn muốn có vàng và trứng cá cavia.

Người ta chắc chắn đã thấy nguyên nhân nhưng không dám chỉ ra thủ phạm. Formosa và các nhà máy khác, những con cáo già vô cùng kín kẽ trong kinh doanh, có lỗi gì khi họ đã cố gắng làm đúng theo sự cho phép trong  hợp đồng với các giới chức VN, những người thích vàng nổi tiếng trên thế giới?

Ai đã ký giấy phép với những khoản bắt buộc nhà máy phải và cho phép các nhà máy được làm? Ai đã cấp đất? Ai đã đến ăn nhậu tưng bừng ngày làm lễ động thổ mà không nghĩ đến ngày dân chúng đang phải nhịn ăn cá, phải vào bệnh viện vì các nhà máy này không?

Formosa đã cúi đầu tạ lỗi vì sự nói năng bỗ bã của ông phó giám đốc của họ, nhưng vẫn không nhận phần lỗi vì rõ ràng họ đã làm theo đúng điều chính phủ cho phép họ làm. 

Người phải cúi đầu tạ tội trước mặt nhân dân VN phải là chính phủ và quốc hội. Chính họ là những kẻ không muốn cá, đã phá hoại môi trường, đã để cho dân nghèo khổ thêm, đã gây bệnh cho biết bao người. 

Ông Phàm đã lặng lẽ về vườn, nhưng người có dinh líu đến việc cho phép xây dựng tràn lan với các quy định dễ dàng, không kiểm soát được cũng nên về vườn.

No comments:

Post a Comment