Tuesday, March 15, 2016

"Tính kế thừa" của lãnh đạo ĐCSVN

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-03-15
000_Hkg10249957
Các thành viên Bộ chính trị gồm các ông Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức TBT hôm 27/1/2016
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị trung ương lần thứ hai ban chấp hành trung ương khóa 12 hôm 10 tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tính kế thừa trong việc lựa chọn nhân sự cho các chức danh lãnh đạo của nhà nước và chính phủ nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của đảng trên tinh thần phương hướng công tác nhân sự mà đại hội đảng 12 đã thông qua vào cuối tháng 1 vừa qua. Theo các chuyên gia quốc tế, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam muốn duy trì sự độc tôn của đảng và chủ nghĩa Mác Lê. Nhưng điều này lại gây ra những khó khăn không nhỏ đối với Việt Nam.
Tính kế thừa hay sự lãnh đạo toàn diện của đảng?
Hôm 12 tháng 3, hội nghị lần thứ 2 ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 đã bế mạc với quyết định giới thiệu nhân sự mới cho các chức danh lãnh đạo chính phủ và nhà nước. Trong khi những cái tên được đưa ra cho các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng, chủ tịch Quốc hội không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tính kế thừa trong việc lựa chọn lãnh đạo mới là khẳng định một lần nữa của người đứng đầu đảng cộng sản về sự kiên định chủ nghĩa Mác Lê và đường lối chính sách mà Việt Nam đã theo đuổi trong suốt những năm qua.
Thông tấn xã Việt Nam trích phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc hội nghị nói rằng việc chọn nhân sự phải ‘bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung’.
Để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của đảng trên các lĩnh vực, ông Tổng Bí thư nói đến tính kế thừa. Sự kế thừa này thể hiện ngay trong việc ông lựa chọn các nhân sự trong bộ chính trị, những người sẽ nắm giữ các chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ cho biết:
Ông Trọng hay đảng của ông ấy sắp xếp nhân sự để kiên trì chủ nghĩa cộng sản, kiên định con đường Mác Lê nin, duy trì sự độc tôn của đảng, không đi chệch hướng, không bị tự diễn biến.
Ông Trọng hay đảng của ông ấy sắp xếp nhân sự để kiên trì chủ nghĩa cộng sản, kiên định con đường Mác Lê nin, duy trì sự độc tôn của đảng, không đi chệch hướng, không bị tự diễn biến.
- Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
Để đảm bảo tính kế thừa và phát triển, những người được đề cử vào các chức Chủ tịch nước, Thủ tướng và chủ tịch Quốc hội bao gồm tướng công an Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều là những người đã là ủy viên Bộ chính trị từ khóa trước. Những người này theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế đều là những người có kiến thức về điều hành. Đểm đáng chú ý là vị trí chủ tịch nước được đề nghị trao cho tướng công an Trần Đại Quang, một trong số 3 tướng công an được bầu vào bộ chính trị lần này mà theo như đánh giá của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là để bảo vệ đảng.
Cũng để đảm bảo tính kế thừa mà tại đại hội đảng lần thứ 12 vừa qua, đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định gia hạn thêm thời gian tại chức cho ông Tổng Bí thư năm nay đã 72 tuổi, tức là đã quá tuổi được quy định là phải nghỉ hưu là 65. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về chính trị và quốc phòng thuộc học viện Quốc phòng Úc nhận định hệ thống chính trị một đảng từ trên xuống của Việt Nam rất xơ cứng và việc gia hạn chức tổng bí thư cho ông Trọng là một biểu hiện của sự xơ cứng này. Theo giáo sư Carl Thayer, có những đồn đoán cho rằng ông Trọng sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ để chuẩn bị cho người kế nhiệm lên thay.
Kế thừa những thuận lợi và khó khăn
Trong khi cố gắng dùy trì tính kế thừa trong hàng ngũ lãnh đạo để đảm bảo sự độc tôn của đảng, đảng cộng sản Việt Nam cũng đồng thời kế thừa những thuận lợi và khó khăn từ trước đó bao gồm đổi mới kinh tế, hội nhập phát triển và cân bằng mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học chiến tranh của Hoa Kỳ, người đã có nhiều bài viết phân tích về chính trị và quân sự của Việt Nam nhận định.
Trong những năm qua, họ đã đặt mình vào con đường đổi mới và khó có thể quay lại. Họ đã cam kết tham gia vào hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Tổng Bí Thư đảng cộng sản sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm ngoái, đến nhà trắng, ông ta đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường thì điều này rõ ràng cho thấy là tranh luận xung quanh chính sách kinh tế trong suốt hai thập kỷ qua nhìn chung là đã kết thúc.
Trong những năm qua, họ đã đặt mình vào con đường đổi mới và khó có thể quay lại. Họ đã cam kết tham gia vào hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- Giáo sư Zachary Abuza
Theo giáo sư Abuza, hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông trong những năm gần đây  như việc đặt giàn khoan dầu vào vùng thềm lục địa của  Việt nam vào năm 2014 hay việc xây lấp các đảo nhân tạo, tấn công các tàu cá Việt Nam đã trở thành sức ép toàn diện lên Việt Nam và khiến người dân trông đợi vào một giàn lãnh đạo mới sẵn sàng kháng cự lại các sức ép của Trung Quốc. Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, người sắp ra đi trong năm nay, là người đã nhiều lần dám lên tiếng phản đối Trung Quốc một cách công khai với câu nói nổi tiếng là Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng… và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liên này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Thế nhưng chính phủ của ông Dũng cũng để lại cho người đi sau cả những thuận lợi và khó khăn. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích:
Dưới chính quyền của ông Dũng, người ta thấy có mấy điểm đặc biệt sau đây: Về ngoai giao thì khuynh hướng thân Mỹ tăng khuynh hướng thân Tàu giảm. Về kinh tế thì VN đẩy mạnh chính sách hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế với một số các thương ước quan trọng, nhưng đồng thời nền kinh tế cũng có một số khó khăn: tăng trưởng thấp, lệ thuộc nhập cảng vào TQ tăng nợ công lớn, ngân sách thiếu hụt, các công ty nhà nước không được cải tổ đến nơi đến chốn và hoạt động thiếu hiệu quà. Về xã hội thì nạn tham nhũng lan tràn làm xói mòn tính chính thống và lòng tin vào chế độ đồng thời là một sức cản cho cải tổ kinh tế. Về chính trị thì người ta thấy sự hình thành và lớn mạnh của các nhóm lợi ích song song với hình thức vận động chính trị qua internet và sự lấp ló của tổ chức dân sư.  Đó là những vấn đề mà chính quyên kế nhiệm sẽ phải đối phó.
Trong khi giàn lãnh đạo mới của nhà nước và chính phủ được các chuyên gia quốc tế đánh giá là có kinh nghiệm trong điều hành kinh tế, thì việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa để duy trì tính kế thừa trong đảng lại khiến các chuyên gia nước ngoài bày tỏ sự thất vọng và lo lắng cho những đổi mới sắp tới của đảng cộng sản. Giáo sư Abuza nói:
Ông ta sẽ không thúc đẩy việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước hoặc tư hữu hóa. Nhưng mặt khác ông ta đã đi một đoạn đường khá xa sau khi được bầu làm tổng bí thư vào đại hội đảng 11. Nhưng rõ ràng đây là một bước lùi cho những người đang trông đợi một sự đổi mới về kinh tế sâu hơn.
Giáo sư Abuza cũng cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng sắp tới tại Việt nam sẽ tiếp tục rất yếu kém dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng vì ông Trọng hô hào chống tham nhũng thì nhiều mà thực hiện thì không được bao nhiêu. Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói đến tầm quan trọng phải đấu tranh chống tham nhũng nhưng ông cũng nổi tiếng với câu nói đánh chuột tránh vỡ bình, ý ông muốn nói chống tham nhũng không quá mạnh để tránh sự sụp đổ của đảng cộng sản.

No comments:

Post a Comment