Tiến Hưng - Hòa Hội - Thanh Phong-06:38 ngày 15 tháng 03 năm 2016
TP - Hạn hán ở ĐBSCL ngày một khốc liệt, nhiều kênh, rạch cạn nước khiến giao thông đường thủy tê liệt. Nhiều loại nông sản mất mùa và đối mặt rớt giá, tăng chi phí vận chuyển khiến đời sống người dân vùng sông nước đã nghèo càng thêm khó khăn.
Lúa mất mùa lại thêm chi phí
Dọc theo những tuyến kênh trục vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) vô số ghe xuồng nằm phơi mình dưới đáy sông không còn nước. Ông Phan Văn Toại ở ấp 19/5, xã Khánh Bình (Trần Văn Thời) nói: “Phía trong càng cạn kiệt, không chở lúa ra được”.
Ông Nguyễn Chí Thiện ở ấp 19/5 cho biết: “Lúa chất đầy nhà không phải để dành chờ giá mà do kênh rạch hết nước, không vận chuyển đi bán được. Bây giờ, giá lúa có nhích lên khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg nhưng từ đây chở ra tới bến sông Ông Đốc, chừng một cây số, mất 200 đồng/kg. Lúa đã mất mùa vì hạn hán nay phải đối mặt chi phí vận chuyển tăng cao”.
Bà con nông dân vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời sản xuất lúa 2 vụ/năm. Ông Nguyễn Văn Khóm ở kinh Rạch Vàm, xã Khánh Bình nói: “Làm ruộng gặp khô hạn, chi phí tăng vọt. Đơn cử, máy gặt lúa trước đây khoảng 220.000 đồng/công (1.000 m2), nay tăng lên 250.000 đồng/công vì ghe thuyền không đi được, máy chạy vào khó khăn”.
Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Sử Văn Minh, nói: “Đến thời điểm này, huyện có 6.165 hộ bị thiệt hại 10.700 ha lúa do nắng hạn. Còn thiệt hại về chi phí vận chuyển, chi phí gặt đập và rớt giá do nắng hạn chưa thống kê được”.
Ở tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Văn Thơ là Trưởng ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề) cho biết, nước sông kiệt nên nông dân phải thuê xe gắn máy chở từng bao lúa từ ruộng về nhà. “Lúa bán không đủ trả tiền gặt, giờ thêm tiền thuê chở là lỗ”, ông Thơ nói.
Sang tỉnh Hậu Giang, ông Đoàn Trung Thành ở ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A (Châu Thành) có gần 1 ha lúa chuẩn bị thu hoạch nhưng đang lo khâu chuyên chở. Ruộng của ông Thành cách nhà hơn cây số, mọi năm chở bằng ghe nhưng năm nay nước cạn không chở được. “Thuê nhân công tốn 170.000 đồng/ngày nhưng họ chỉ làm từ sáng đến chiều, nếu đợi nước lớn chở về được thì phải đến tối. Lúc đó, tốn thêm chi phí, mất thời gian. Còn nếu thuê xe gắn máy chở từng bao thì làm ra chỉ đủ trả tiền công”, ông Thành
than thở.
than thở.
Muôn thứ khó khăn
Hạn mặn không chỉ khiến việc sinh hoạt, sản xuất gặp khó khăn mà còn khiến cá đồng cũng rớt giá vì việc vận chuyển đường thủy trắc trở. Ông Dương Văn Đáng ở xã Khánh Bình Đông (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, mùa cá đồng năm nay, vùng U Minh hạ cá mất giá vì khó chuyên chở. Ông kể, tại ao đìa, cá rô mề loại 8-10 con/kg giá 45.000 đồng/kg, cá lóc loại 3 con/kg giá 95.000 đồng/kg, phải chừa 10.000 đồng/kg để gánh ra tới đường sông hoặc đường xe tải đi được.
Ông Lê Văn Định ở xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có ghe 7 tấn mua bán tre gần 20 năm, nói: “Trước đây đi một chuyến khoảng 10 ngày lời cả chục triệu, còn giờ đi cả tháng mới về mà lời vài triệu là mừng. Nước cạn, dưới sông đầy rác và cây cối nên có đoạn hơn cây số mà bọc quấn chân vịt cả chục lần, mệt mỏi lắm”. Còn ông Hồ Văn Chơn chạy đò dọc hơn 30 năm chở học sinh và nông sản trong vườn ra chợ Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), nay đã phải bỏ nghề vì sông cạn.
Nhiều cơ sở kinh doanh cũng gặp khó khăn không gỡ được. Vợ chồng ông Hồ Tấn Quốc ở ấp 19/5, xã Khánh Bình (Trần Văn Thời, Cà Mau) có máy chà lúa công suất khoảng 2 tấn/ngày, tại ngã ba sông, trước kia tấp nập ghe xuồng suốt ngày, nay thưa thớt. Bà Ngô Thị Đẹp vợ ông Quốc nói: “Bình thường, bà con chở vài chục bao lúa bằng xuồng máy đến chà gạo. Còn bây giờ, bà con chở bằng xe máy, chỉ được 2 bao. Cứ mỗi lần có lúa lại bật điện, tốn thêm tiền điện, không lời”.
Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Võ Văn Thống, cho biết: “Kinh rạch cạn khô, giao thông đường thủy tê liệt kéo theo giao thương ngưng trệ, công trình xây dựng đình đốn và lại ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đang cho kiểm tra, nắm tình hình để có giải pháp hỗ trợ bà con qua hạn hán khốc
liệt này”.
liệt này”.
Cây ăn trái bắt đầu héo úa
Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy tại ĐBSCL lúa đã thiệt hại khoảng 160.000 ha, tương đương 5.000 tỷ đồng; thủy sản thì nước quá mặn không thể nuôi tôm nước lợ. Còn cây ăn trái với khoảng
290.000 ha, mỗi năm cho hơn 3 triệu tấn các loại, thiếu nước nên nhiều nơi bắt đầu héo rủ.
290.000 ha, mỗi năm cho hơn 3 triệu tấn các loại, thiếu nước nên nhiều nơi bắt đầu héo rủ.
Dọc theo con đường chạy qua một loạt xã của huyện Giồng Trôm (Bến Tre), vườn cây trái bên đường đã héo úa, nhiều nơi vàng hoe như lúa trên đồng. Những loại cây cam, quýt, chanh, ca cao bị tổn thương trước tiên. Vườn cam, chanh rộng gần 1 ha của ông Nguyễn Văn Bé tại ấp 4, xã Phong Mỹ, lá héo rủ trông thật thảm hại. Dưới mương vườn nước khô cạn, không còn một giọt nước nên hy vọng cứu vườn cây chỉ còn biết chờ trời mưa. Ông Bé than thở: “Lập vườn cây mới thì mất 4-5 năm, lấy gì sinh sống?”.
Sang xã Thuận Điền, ông Lê Văn Xích ở ấp 4, có vườn ca cao lá úa vàng, rụng đầy gốc do cả tháng không có nước tưới. Dưới mương chỉ có nước mặn. Ông Xích kể: một héc-ta dừa trồng xen 1.200 gốc ca cao đã 10 năm. Trước đây, hàng tháng thu hoạch ca cao 4 lần, mỗi lần gần 300 kg trái tươi. Hiện cây khô héo nên trái cũng khô héo, không ra được. “Nếu trong tháng tới vẫn chưa có mưa, tình hình tồi tệ hơn có lẽ phải đốn bỏ ca cao”, ông nói.
Cũng ở xã Thuận Điền, bà Nguyễn Thị Thu là chủ nhân vườn ca cao rộng hơn héc-ta, nói như khóc: “Ca cao sắp chết hết rồi! Làm vườn cũng phải đầu tư nhiều thứ từ giống, phân, điện và công chăm sóc, giờ ca cao chết là nợ nần. Năm nay sẽ khó sống”.
Dừa là giống cây khỏe mà có nơi cũng héo lá xác xơ. Ở xã Lương Quới, bà Nguyễn Thị Tư Ngân có vườn dừa gần 5 ha đã héo lá, chỉ xuống mương khô queo: “Mấy mương vườn này tôi nuôi cá rô phi, nay cá chết hết rồi, hàng trăm cây dừa lá cũng đã vàng khè kìa. Trời hại chúng tôi, từ nhỏ tới giờ gần sáu mươi tuổi, tôi chưa bao giờ thấy cảnh này”.
Dự án ngọt hóa bắc Bến Tre còn bao trùm cả huyện Bình Đại và bây giờ, huyện này cũng bị nước mặn tấn công như Giồng Trôm, vườn cây ăn trái đang héo úa. Chủ tịch UBND xã Long Hòa (Bình Đại) Lê Minh Hảo cho biết, xã có 310 ha nhãn, nay hầu hết không có nước ngọt tưới, đang khô héo dưới nắng. Về giải pháp giúp nông dân, ông Hảo lắc đầu: “Thua ông trời rồi, chỉ còn biết chờ tiền hỗ trợ của trên đưa về để chia cho nông dân”.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Võ Thành Hạo, cho biết tỉnh có 1.225 ha cây ăn trái đang bị héo rủ vì thiếu nước tưới. Theo ông, rồi đây nếu có nước tưới thì cây ăn trái phục hồi cũng rất chậm, thiệt hại sẽ kéo dài còn nếu hạn mặn gay gắt làm cây chết thì thiệt hại đang rất khó tính.Thanh Thúy
No comments:
Post a Comment