Tuesday, March 15, 2016

Vì sao công nhân công ty TNHH Dụ Đức đình công?

 Xuân Nguyên, thông tín viên RFA 2016-03-15
laodong.com-620
Công nhân công ty TNHH Dụ Đức đình công Photo courtesy of laodong.com
Công nhân thuộc công ty TNHH Dụ Đức – tổng công ty Pou Yuen đã đình công mấy ngày liên tiếp để phản đối chính sách tiền lương của công ty này đối với những lao động ở đây.
Tính đến chiều thứ bảy – ngày 12/3/2016, công nhân ở công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn (TNHH) Dụ Đức đặt tại khu công Nghiệp Tân Hương – tỉnh Tiền Giang, đã đình công 4 ngày liên tiếp để phản đối chính sách tiền lương của công ty này đối với họ. Được biết, công ty TNHH Dụ Đức là công ty con trực thuộc tổng công ty Pou Yuen. Tổng công ty Pou Yuen có 100% vốn đầu tư Đài Loan, và chủ quản ở các công ty này là người Trung Quốc.
Nguyên nhân
Công nhân ở đây đình công để phản đối việc xếp loại thi đua A, B, C của công ty TNHH Dụ Đức, bởi việc xếp loại đánh giá theo ngày công, sản phẩm và phân loại theo A, B, C để nâng lương ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của công nhân.
Chị Tư, một lao động đang làm việc cho công ty TNHH Dụ Đức cho rằng, việc xếp loại thi đua A, B, C ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của công nhân. Phía công nhân đã cử đại diện để gặp quản lý công ty, nhưng không được chấp nhận, cho nên công nhân mới đình công.
Chi Tư cho biết thêm:
“Tại công ty đã bãi bỏ xếp loại thi đua A, B, C ở Đồng Nai rồi nhưng mà tại công ty ở đây không chịu bãi bỏ nên công nhân không chịu đi làm.
Ở bên khu B thì không có ai đi làm, còn bên khu C thì có một số người đi làm, công nhân đã đình công đến ngày hôm nay rồi, chưa có ai đi làm.”
Ngày 11/3/2016, ông Trương Văn Hiền, chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Tiền Giang trả lời báo Thanh Niên về nguyên nhân đình công với đại ý rằng:
“Nguyên nhân đình công xuất phát từ việc giữa người lao động và Ban giám đốc công ty không thống nhất về cách tính năng suất lao động và mức lương mới.”
Xảy ra xô xát
Theo như chị Tư, những chủ quản người Trung Quốc thường hay khinh thường những lao động Việt Nam, trước khi đình công, đại diện phía công nhân đã đi gặp đại diện công ty TNHH Dụ Đức, nhưng bị những chủ quản người Trung Quốc từ chối yêu cầu của họ, thập chí còn bị chửi là ‘ngu dốt’.
Chị Tư kể lại:
“Đại diện công nhân đưa ý kiến ‘bãi bỏ’ xếp loại thi đua A, B, C cho chủ quản, chủ quản không chịu, còn nói công nhân Việt Nam ‘ngu lắm’ đình công chừng vài ba bữa, hai ba tuần lễ thì lại vào làm tiếp, nên không cần bãi bỏ.”
Chị Tư cho biết thêm, trong ngày 11/3/2016 đã xảy ra xô xát ở khu C, một chủ quản người Trung Quốc đã xô xát với một nữ công nhân, dẫn đến người này bị sẩy thai.
Chị Tư nói thêm:
“Em cũng không biết nữa, bên công an xử làm sao đó, chứ em cũng đâu rành, nghe nói đánh bà bầu sẩy thai.”
Trên mạng xã hội Facebook cũng chia sẻ rất nhiều hình ảnh liên quan đến việc chủ quản người Trung Quốc đánh nữ công nhân, nhưng không nói rõ đó là ai. Đặc biệt là phía báo chí nhà nước không hề có một mẩu tin tức nào về việc chủ quản người Trung Quốc đánh nữ công nhân Việt Nam bị sẩy thai.
Ông Trương Minh Đức, thành viên tổ chức Lao Động Việt – chuyên bênh vực quyền lợi cho công nhân nói về việc nữ công nhân Việt Nam bị chủ quản người Trung Quốc đánh:
“Họ đánh đập một phụ nữ mang thai phải đi cấp cứu ở bệnh viện, và phụ nữ này đang chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, người chồng cho biết là đã sẩy thai. Chúng tôi đang theo dõi và xác minh lại điều này, nhưng việc công nhân bị đánh là có thật còn sẩy thai hay không thì chưa biết, tin tức sẩy thai chỉ là do công nhân báo lại mà thôi.”
Ông Trương Minh Đức cũng cho biết thêm, sự việc công nhân Việt Nam bị đánh khi đình công không phải là lần đầu. Trước đó trong lần đình công tháng 2/2016 tại công ty Pou Yuen Đồng Nai, rất nhiều công nhân Việt Nam đã bị chủ quản, thậm chỉ có cả an ninh Việt Nam mặc thường phục đánh đập công nhân.
Tiếp tục đình công
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với công ty TNHH Dụ Đức, các cơ quan hữu trách ở tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu thông tin về cuộc đình công của công nhân, nhưng tất cả đều không nghe máy.
Chị Tư cho biết, nếu phía công ty TNHH Dụ Đức không đưa ra thông báo chính thức, với giấy trắng mực đen, dấu đỏ về việc bãi bỏ xếp loại A, B, C thì công nhân sẽ tiếp tục đình công. Trước đó, trong ngày 11/2/2016, phía đại diện công ty đã đưa ra thông báo về việc bãi bỏ xếp loại A, B, C nhưng chỉ là tờ giấy photocopy liên lạc nội bộ của công đoàn chứ không phải chữ ký của giám đốc.
Chị Tư nói thêm::
“Chừng nào công ty ‘bãi bỏ’ xếp loại A, B, C mà do giám, do ông Anh và bà Trần ký tên, đóng mộc, ghi đàng hoàng có Cộng Hòa Xã Hội, ngày tháng đầy đủ rồi thì công nhân mới đi làm. Chứ chỉ một tờ giấy liên lạc nội bộ rồi do ‘công đoàn’ (liên đoàn lao động Việt Nam) công chứng thì hổng ai chịu đi làm hết trơn.”
Chị Tư thấy rằng, pháp luật Việt Nam cần xử lý nghiêm minh những chủ quản người Trung Quốc luôn bắt nạt người lao động Việt Nam. Đặc biệt là chủ quản người Trung Quốc đã đánh nữ công nhân bị sẩy thai và đang phải cấp cứu ở bệnh Viện.
Ông Trương Minh Đức yêu cầu chính quyền địa phương cần xử lý nhanh việc chủ quản người Trung Quốc đánh nữ công nhân Việt Nam bị sẩy thai, ông nói:
“Theo pháp luật hình sự của Việt Nam, bất cứ người nào, dù ở cương vị nào, khi xâm phạm thân thể của một công dân, mà gây thương tích thì có thể bị bắt giữ, tùy theo mức độ nặng nhẹ cũng phải tạm giữ để mà đưa ra xét xử để trả lời với người bị hại cách rõ ràng.”
Ông Đức cũng ngán ngẩm nói rằng, với kinh nghiệm làm việc ở tổ chức Lao Động Việt, việc những thủ phạm như trên rất ít khi bị pháp luật xử lý. Bởi theo ông biết, các công ty này luôn bắt tay với chính quyền để đàn áp, bịt miệng những công nhân khi họ đình công đòi quyền lợi.
Và ông cũng mong muốn rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ sớm có ‘Công đoàn độc lập’ để bênh vực quyền lợi cho lao động. Chứ không phải ‘công đoàn nhà nước’ như bây giờ, nhóm này cũng bắt tay với công ty để gây khó dễ cho công nhân, và cách ứng xử của công đoàn nhà nước trong sự việc diễn ra tại Công Ty TNHH Dụ Đức – thuộc tổng Công Ty Pou Yuen là một ví dụ điển hình.
Sáng ngày 13/2/2016, chúng tôi tiếp tục liên lạc với chị Tư và được chị cho biết, hôm nay công nhân nghỉ không đi đình công, dù cho thỏa thuận giữa họ và công ty TNHH Dụ Đức vẫn chưa được thông qua.
Khi được hỏi về việc ngày mai công nhân có tiếp tục đi đình công hay không, chị Tư nói:
“Bữa nay Chủ Nhật, mọi người đều nghỉ, không có ai đi đình công hết trơn, ngày mai đi lên công ty mới biết có tiếp tục đình công hay không.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/more-than-8000-worker-went-on-strike-ask-f-benefit-xn-03152016121631.html/03152016-dinhcong-xn.mp3

No comments:

Post a Comment