03/15/2016 - 17:02
Kết quả của Hội nghị trung ương 2 đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngoài dự đoán của nhiều người: Bộ chính trị sốt sắng giới thiệu nhân sự cho 3 chức danh chủ chốt là chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội. Ban chấp hành trung ương đã thông qua với “tỷ lệ phiếu rất cao”. Hội nghị trung ương 2 cũng chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 3 ngày – một thời gian hoàn toàn khiêm tốn so với độ dài từ 7-9 ngày của các hội nghị trung ương trước khi diễn ra đại hội 12. Phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” của những người bên đảng một lần nữa phát huy tác dụng lớn.
Đám cưới mới đây của “Cậu Út” với một á hậu. Hình Internet
Trong thời gian cuối cùng của Hội nghị trung ương 2, người ta không thấy các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện chủ trì, thay vào đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc. Hiện tượng này giống như một sự khẳng định về những vị trí chủ chốt đã được Trung ương đảng xác lập, ý chỉ bố trí nhân sự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có gì suy xuyển, và kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2016 chỉ mang tính hợp thức hóa những chức danh chủ chốt mà Trung ương đã thông qua.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 2, chủ trương “thay ngựa giữa dòng” đã hiện ra rất rõ. Sẽ không có chuyện những nhân sự chính của Nhà nước và Chính phủ kéo dài hoạt động đến tháng 5/2016 – thời điểm bầu cử Quốc hội khóa XIV, và đến tháng 7/2016 – thời điểm diễn ra kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới.
Sự nghiệp của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng vì thế đã an bài. Hoặc nếu chưa thì cũng gần như là thế.
Nếu trước Hội nghị trung ương 2, một số dư luận còn cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn con khoảng 5-10% cơ hội “trụ lại”, thì sau hội nghị này, cơ hội lật ngược cục diện của ông Dũng chỉ còn chưa đầy 1% - cũng theo một số dư luận.
Cơ hội duy nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian ít ngày tới chỉ còn trông chờ vào một cuộc “cách mạng” ngay trong nghị trường quốc hội. Tức phải hy vọng vào sự kiện một số hoặc số đông đại biểu quốc hội bất thần bật dậy bày tỏ nguyện vọng Quốc hội để cho ông Nguyễn Tấn Dũng “ở lại” thêm một nhiệm kỳ và tiếp tục chức vụ thủ tướng. Kịch bản này đã từng được dự đoán trước đây, tuy với xác suất rất nhỏ.
Đến nay, xác suất của kịch bản trên còn thấp hơn rất nhiều. Khó ai có thể tưởng tượng một quốc hội quen được chi phối bởi “cương lĩnh đảng”, cùng sự thay đổi nhân sự gần như toàn diện sau đại hội 12, lại chuyển sang nguyện vọng và có đủ dũng khí để lặp lại vai trò thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cùng thời gian với sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần như hết cơ hội, một sự kiện bên lề cũng gây chú ý của dư luận. Đó là đám cưới của người con trai út của ông Dũng là Nguyễn Minh Triết với một á hậu. Có dư luận cho rằng đây là vụ “cưới chạy”. Và vẫn chưa rõ số phận chính trị của Cậu Út – nhân vật được vài tờ báo nhà nước ví von “tuổi trẻ tài cao - sẽ ra sao trong thời gian tới.
Dự kiến gần trung tuần tháng 4/2016, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII sẽ kết thúc với phần thông qua các chức danh chủ chốt, trong đó có vai trò thủ tướng chính phủ. Khả năng rất lớn đang diễn ra là “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” sắp chính thức chấm dứt.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment