Một cuộc hội thảo mới đây về giải quyết nợ xấu. Ảnh báo Lao động.
Các bộ ngành quan liêu ở Việt Nam càng khiến tình trạng giải quyết nợ xấu bế tắc hơn. Theo mô tả của báo giới nhà nước, trong vài tháng gần đây, giới tài chính ngân hàng xôn xao về một quy định mới sắp có hiệu lực, có thể sẽ đẩy nhiều ngân hàng vào khó khăn tột cùng, và có thể sẽ khiến cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng rơi vào bế tắc.
Quy định mà giới tài chính ngân hàng lo sợ trong thời gian gần đây chính là Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 mới, sẽ có hiệu lực từ 1.1.2017. Theo đó, trong trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền khởi kiện tại tòa án. Thoáng nghe, có vẻ rất bình thường, bởi tất nhiên là không đòi được thì phải đưa ra tòa. Tuy nhiên, với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, thì hiệu lực của Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 đồng nghĩa với việc Nghị định 163- về giao dịch bảo đảm của chính phủ ban hành trước đó- sẽ không còn hiệu lực. Như vậy, các tổ chức tín dụng chỉ được phép thu giữ tài sản bảo đảm với các giao dịch thực hiện trước thời điểm này, và không còn phép được thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo với giao dịch mới phát sinh nữa.
“Chúng tôi bối rối vô cùng. Bắt đầu từ đầu 2017 tới đây, chúng tôi chưa biết làm thế nào. Công cụ mạnh nhất để giúp xử lý nợ xấu không còn nữa, thì tình hình sẽ ra sao”, ông Thiệu Ánh Dương, Tổng giám đốc Công Ty Quản Lý Nợ Và Khai Thác Tài Sản của Ngân hàng Techcombank bức bối.
Với quy định mới, trong thời gian tới, việc đòi nợ sẽ phải thực hiện ở tòa. Trong khi theo các chuyên gia, đây là một việc làm vô cùng khó khăn và phức tạp kéo dài. Theo ông Phạm Mạnh Thắng- Phó tổng giám đốc Vietcombank- trung bình xét xử một bản án có liên quan tới bất động sản mất 3 năm, có những vụ kéo dài tới 5 năm, chưa kể thời gian thu nợ. Việc xác định nợ cũng rất khó khăn, do giá khởi điểm thường được định giá rất cao so với thị trường.
Hơn 70% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lại có xuất xứ từ chiến dịch đầu tư bất động sản tràn lan từ những năm 2006, 2007. Trong chiến dịch này, rất nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cung tiền cho các doanh nghiệp xây nhà chung cư và kinh doanh đất đai. Tuy nhiên vào đầu năm 2008, thị trường bất động sản đột nhiên “băng hà”, kéo dài tình trạng đóng băng từ đó đến tận gần đây vẫn chưa mấy hồi phục. Đó cũng là bối cảnh mà ngân hàng nháo nhác tìm được thoát thân, bằng cách lôi doanh nghiệp con nợ ra tòa.
Vào tháng 10/2016, một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết “nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao tới gần 49% trong tổng nợ xấu. Đây là khoản nợ khó xử lý và phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được”.
Hoàn toàn có thể hiểu là tiến trình giải quyết nợ xấu quá chậm chạp, một phần là do nợ xấu liên quan đến vụ án. Còn với tình trạng Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015, các chủ nợ sẽ không còn được siết nợ thoải mái như trước đây mà phải kéo nhau ra tòa. Điều này sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu liên quan vụ án tăng cao hơn nữa, càng dẫn đến nguy cơ rất lớn về đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment