Thursday, December 15, 2016

2016 – năm đại hạn của giới chủ ngân hàng Việt Nam

2016 – năm đại hạn của giới chủ ngân hàng Việt Nam
(20 cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng bị bắt trong năm nay. Ảnh: cafef.vn)
2016 tiếp tục là một năm đại hạn dành cho giới chủ ngân hàng ở Việt Nam. Vào tháng Chạp, ông Trần Phương Bình – nguyên tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) – bị cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an bắt giam và khởi tố vì làm thất thoát 2,000 tỷ đồng.
Trước ông Trần Phương Bình, hai thành viên cũ trong Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa bị cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra, về các hành vi vi phạm pháp luật vào ngày 30/1/2016.
Đến đầu tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam và khởi tố bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Giữa tháng 3/2016, đến lượt ông Phạm Quyết Thắng nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị khởi tố bị can bởi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định đối với ông Thắng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án gây thất thoát 5,500 tỷ đồng.
Ngược thời gian về những năm trước, có thể nhận ra làn sóng bắt bớ giới lãnh đạo ngân hàng đã khởi động từ năm 2012. Nếu cả một nhân vật quá quyền thế như Bầu Kiên ở ngân hàng ACB mà còn không “binh” được đường thoát, khó có nhà ngân hàng nào dám bảo đảm được số mệnh trót lọt cho mình trong thời buổi đầy nhiễu nhương tống tiễn này.
Đến năm 2014 đã xảy ra hai vụ lớn là vụ bắt Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây Dựng và vụ bắt Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương. Cho tới nay, vụ Phạm Công Danh đã đưa ra xét xử, còn vụ Hà Văn Thắm đang sắp xử.
Nếu vài năm trước, bầu không khí được mô tả là “nín thở,” thì năm nay, cũng không khí ấy đang bị xem là “nghẹt thở.” “Người giàu phải khóc” đang ứng với cơ sự điên đảo thời nay. Những người giàu của ngân hàng – giới mà từ lâu đã bị cả báo chí nhà nước xỏ xiên là “cá mập” bởi thói đời ngồi mát ăn bát vàng nhưng lại “thắt cổ” doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng bắt đầu bị xem là “nghề nguy hiểm.”
Như lời thì thầm của lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên bàn nhậu, không rớ vào thì thôi chứ đã rớ thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh vi luật ấy mà nâng quan điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái”. Cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những lãnh đạo cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau… Khi ấy thì chỉ có chết!
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment