Thursday, December 15, 2016

Bán ngân hàng: Phía sau vẻ tự hào của thủ tướng Phúc

Bán ngân hàng: Phía sau vẻ tự hào của thủ tướng Phúc
Ảnh: Dân Trí
Lần đầu tiên kể từ khi chấp nhiệm chức vụ thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tự hào khi phát ra một tuyên bố về việc “bán ngân hàng”.
Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam, cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém (bị mua lại với giá 0 đồng) của Việt Nam. Và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam, trong xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một phát biểu có vẻ bất ngờ trước rất nhiều đối tác quốc tế tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016 vào tháng 12/2016.
Những thông tin ngoài lề cho biết Thủ tướng Phúc muốn bán không chỉ 1 ngân hàng, mà cả 3 ngân hàng trong nước – những địa chỉ đã bị Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá 0 đồng vào các năm 2015 và 2016, bao gồm Ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và Dầu Khí Toàn cầu.
Vì sao Chính phủ lại quyết định “nhả” ngân hàng trong nước cho nước ngoài vào thời điểm này?
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như bước chân vào vòng phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18,000 tỷ đồng. Vào tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GP), số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12,000 tỷ đồng. Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu hiện có của ba ngân hàng trên là hơn 20,000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng là chỉ khoảng 10,000 tỷ đồng.
Chưa kể Ngân hàng Đại Dương của “tư sản đỏ” Hà Văn Thắm đã bị bắt, và một ngân hàng thương mại cổ phần khác là Đông Á mà vào năm 2015 đã bị Ngân hàng nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt…
Chính phủ không “nhả” cũng không được. Trong thực tế, một số ngân hàng chỉ còn là những cái xác vật vờ đi lại…
Không thể khác, lý do chính mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016. Đó là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. Nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này hẳn phải lên đến ít nhất 600 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng dường như Thủ tướng Phúc đã chẳng nhìn ra được một thực tế phũ phàng, mà Ngân Hàng Nhà Nước đã khoe khoang từ năm 2014 về “các tổ chức nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu của Việt Nam”: cho tới nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn vô vọng hồi âm chính thức.
Không quan chức Việt nào dám chắc chắn là ADB sẽ thẳng tay “ôm” các ngân hàng chỉ còn là xác của Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment