Tuesday, July 19, 2016

Trung Quốc chê Úc ‘thiếu khôn ngoan’

Chiến hạm Canberra của Úc tại một hải cảng ở tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. (Hình minh họa: China Photos/Getty Images)
Chiến hạm Canberra của Úc tại một hải cảng ở tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc. (Hình minh họa: China Photos/Getty Images)
BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Quyết định của Úc – tham gia bảo vệ tự do hàng hải – được Trung Quốc nhận định là “thiếu khôn ngoan.” Trung Quốc cũng khuyến cáo Úc là không nên đi theo Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Ðông.
Ông Cong Peiwu, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và Châu Ðại Dương của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vừa khẳng định với những phóng viên Úc, tháp tùng ông Bob Carr, cựu ngoại trưởng Úc, đến thăm Trung Quốc, rằng Úc khiến Trung Quốc “hết sức thất vọng” khi tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Luật Biển.
Trong khi Trung Quốc khẳng định có những bằng chứng vững chắc, không thể tranh cãi để xác lập chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Ðông thì sau ba năm xem xét các lập luận, chứng cứ do Philippines đệ trình trong vụ kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông, Tòa Trọng Tài Luật Biển nhận định, yêu sách của Trung Quốc là vô lối vì thiếu cơ sở pháp lý. Không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế nên nỗ lực bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc vừa vô ích, vừa bị cáo buộc là hủy diệt hệ sinh thái ở Biển Ðông. Nhiều hoạt động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa, kể cả khuyến khích ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản là xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines. Nhìn chung, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Tường thuật của báo giới không chỉ khiến công chúng Úc ngạc nhiên mà còn làm cộng đồng quốc tế sửng sốt về sự trịch thượng của một giới chức ngoại giao Trung Quốc khi ông này tuyên bố, nếu Úc và các quốc gia khác muốn khu vực Biển Ðông ổn định, quyền tự do lưu thông được duy trì, thì không nên ủng hộ phán quyết mà của tòa trọng tại vừa công bố và đừng đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm!
Ông Peiwu định nghĩa hành xử có trách nhiệm là “ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông!”
Ông Peiwu còn cảnh cáo cộng động quốc tế là không nên đi theo Hoa Kỳ, nhân danh bảo vệ quyền tự do lưu thông để thực hiện các cuộc tuần tra tại Biển Ðông vì đó là sự thách thức an ninh, chủ quyền của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa với mức độ “rất nghiêm trọng.”
Cần nhắc lại rằng, giống như nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia ở Châu Á, tuy không đồng tình với Trung Quốc, nhưng Úc không muốn đối đầu với Trung Quốc vì Trung Quốc là đối tác thương mại đặc biệt quan trọng đối với kinh tế Úc. Gần đây, khi lời lẽ và hành động của Trung Quốc càng lúc càng càn rỡ, Úc bắt đầu thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trước.
Hồi Tháng Hai, Úc công bố Bạch Thư Quốc Phòng 2016, nhấn mạnh lý do Úc gia tăng chi tiêu quốc phòng là vì e ngại trước chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Ðông.
Theo dự trù, trong giai đoạn 2016-2017, Úc sẽ chi 32.4 tỷ đô la Úc cho quốc phòng. Ðến giai đoạn 2025-2026, con số này sẽ là 58.7 tỷ đô la Úc. Theo dự kiến, đến 2030, Hải Quân Úc sẽ trang bị thêm ba khu trục hạm, chín hộ tống hạm, 12 tuần dương hạm, 12 tàu ngầm. Không Quân Úc sẽ trang bị thêm 72 chiến đấu cơ loại F-35. Quân số của quân đội Úc cũng sẽ tăng thêm 2,500 quân nhân, nâng tổng số thành 62,400 người.
Với bối cảnh như hiện nay, Úc cho rằng đang phải đối mặt với “môi trường chiến lược biến động và khó khăn nhất.” Mức độ quân sự hóa tại khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương trong vòng hai thập niên nữa sẽ biến khu vực này thành nơi tập trung một nửa tàu ngầm và chiến đấu cơ trên thế giới.
Lúc đó, Úc đã đòi Trung Quốc phải minh bạch hơn nữa trong chính sách quốc phòng, đặc biệt là phải giải thích Trung Quốc thật sự muốn gì ở Biển Ðông.
Ðáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố là Trung Quốc “không hài lòng” về Bạch Thư Quốc Phòng của Úc và bảo Úc phải “thay đổi lập trường” cũng như “phải có quan điểm tích cực về sự phát triển của Trung Quốc.” Còn phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thì lặp đi, lặp lại rằng, “Úc nên vun xới cho quan hệ song phương. Ðừng tham gia hay tiến hành bất kỳ hoạt động nào có thể gây tổn hại cho ổn định khu vực.”

Chưa rõ tới lúc nào thì Úc tìm ra phương thức hữu hiệu hóa giải sự đắc ý thái quá của Trung Quốc về khả năng chi phối kinh tế Úc. (G.Ð.)
19-07-2016

No comments:

Post a Comment