Friday, May 27, 2016

Xây móng trụ điện cao thế bằng... bê-tông trộn đất ruộng

NAM ĐỊNH (NV) - Một nông dân ở tỉnh Nam Định đã tố cáo nhà thầu rút ruột công trình một số trụ điện cao thế 220 kV bằng cách rút bớt xi-măng, trộn thêm đất ruộng khi đổ bê-tông xây móng...

Theo Thanh Niên ngày 27 Tháng Năm, công trình bị tố cáo là một số cột điện 220 kV thuộc đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình-Nam Định, do Tổng Công Ty Truyền Tải Điện Quốc Gia làm chủ đầu tư, công ty Tư Vấn Xây Dựng Điện 1 tư vấn thiết kế, liên danh công ty Sông Đà 11 và công ty Xây Lắp Điện 1 thực hiện thi công.

Dùng đất ruộng để đổ bê-tông móng cột cao thế 220 kV tại Nam Định. (Hình: Thanh Niên)
Theo ông Vũ Ngọc Hồi (42 tuổi, ở xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), người đứng ra tố cáo, cho biết gia đình ông có một máy trộn bê tông cỡ nhỏ. Cuối Tháng Ba, ông được ông Nguyễn Văn Toán, đội trưởng đội thi công của chi nhánh công ty Sông Đà 11, thuê máy trộn cùng nhân công để đổ bê tông cho hai móng cột thuộc đường dây kể trên.

Đến ngày 19 Tháng Tư, khi được gọi đến trộn bê-tông, ông Hồi mới biết việc thuê máy trộn tại công trường chỉ là để “che mắt thiên hạ.” “Phần bê-tông đổ xuống khoang móng chỉ có một chút xi-măng làm vỉ. Họ xúc đất ngay ruộng bên cạnh, trộn qua loa với cát, đá... rồi đổ xuống. Hàng chục năm đi đổ bê-tông thuê, tôi chưa từng thấy kiểu làm ăn tắc trách như vậy,” ông Hồi kể.

Tại hiện trường thi công ở xã Đại An, huyện Vụ Bản, vị trí khu vực móng cột điện thứ nhất, ông Hồi cho biết: “Họ thi công phần móng hai cột cao thế 220 kV ở đây, mỗi cột gồm một khoang móng và bốn cọc trụ. Chỉ một trụ ở hướng Tây Nam là chắc chắn hơn, còn khoang móng và ba trụ còn lại đều bị rút xi-măng, trộn đất vào để đổ bê-tông. Ngay sau khi đổ xong cọc trụ đầu tiên, tôi đã kiến nghị với ông Toán nhưng ông ấy không nghe nên tôi từ chối tham gia thi công công trình.”

Mặc dù không làm tiếp nhưng ông Hồi và người anh họ là ông Vũ Văn Thuận vẫn theo dõi quá trình đổ các cọc móng còn lại. “Đêm 21, rạng sáng 22 Tháng Năm, chúng tôi đến cọc móng của cột thứ hai thì thấy họ vẫn xúc đất đổ xuống rồi phủ lên trên một lớp bê-tông thật, dày hơn 10 phân,” ông Hồi nói.

Ông Hồi kể tiếp, ngay tối 24 Tháng Năm, sau khi đã gửi clip tố cáo, có hai nhóm người tự xưng là cán bộ của công ty Sông Đà 11 tìm đến nhà để “nói chuyện.” “Lúc 4 giờ chiều có một nhóm, sau đó 11 giờ đêm họ lại đến nữa. Họ nói chuyện đến gần 12 giờ đêm, đề nghị biếu tôi 30 triệu đồng, sau tăng lên 100 triệu đồng để tôi rút lại các đơn thư nhưng tôi đã từ chối,” ông Hồi kể lại.

Tại móng cột thứ nhất đã thi công xong, ông Hồi chỉ rõ từng vị trí bị rút xi-măng, đổ thêm đất. Đến móng cột thứ hai, nhân viên bảo vệ ngăn không cho tiếp cận vì “công trường đang thi công.” Tuy nhiên, ông Hồi nói: “Ở đây họ cũng đổ bê-tông kiểu rút lõi, nhưng sau khi tôi tố cáo thì họ dừng. Đến sáng 26 Tháng Năm mới làm trở lại nhưng họ lập chốt, không cho ai vào.”

Nói với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Văn Tuấn, tổng giám đốc công ty Sông Đà 11, thừa nhận công trình trụ cọc trên do đơn vị trúng thầu và thi công. Còn nội dung tố cáo của ông Hồi, ông Tuấn chỉ cho biết “đã nhận được thông tin” và đang cử người xuống Nam Định kiểm tra. Riêng về thông tin cán bộ công ty đến nhà ông Hồi để “dàn xếp” vụ việc, ông Tuấn khẳng định: “Tôi không hề biết việc này.”

Trong khi đó, chiều 26 Tháng Năm, ông Hồi cho biết, từ 10 giờ sáng cùng ngày, một đoàn công tác do người tự xưng là Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng công trình đến nhà để “nói chuyện” với ông. Theo đó, ông Đương đề nghị “giải quyết mâu thuẫn công việc” bằng cách ông Hồi phải thừa nhận hình ảnh và các clip quay là “mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế” chứ không phải là dùng để đổ bê tông như đã tố cáo. “Họ có ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi nhưng tôi không đồng ý ký vào biên bản này,” ông Hồi nói.

Liên quan đến vụ việc, từ ngày 25 Tháng Năm, Phòng An Ninh Kinh Tế Công An tỉnh Nam Định đã gặp ông Hồi để thu thập chứng cứ và xác minh làm rõ. (Tr.N)

27-05-2016 3:10:22 PM 

No comments:

Post a Comment