Friday, May 27, 2016

Biển Đông : Ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu

Thu Hằng 
Theo RFI- 27-05-2016 12:13 
media
 Một tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá. Reuters 
Nữ phóng viên Pamela Boykoff của đài truyền hình CNN đã theo chân Lê Tân, một ngư dân Việt Nam, trong những ngày ông lênh đênh ngoài Biển Đông. RFI xin giới thiệu bài phóng sự được đăng trên website của CNN ngày 22/05/2016.
Hết lần này đến lần khác, ngư dân Lê Tân lại lênh đênh ngoài khơi. Năm 2015, một nhóm ngư dân trên một chiếc tầu treo cờ Trung Quốc đã truy đuổi thuyền của ông, bắt ông cùng với các con và đe dọa họ.
Ông Lê Tân nhớ lại: “Họ lục soát thuyền của chúng tôi. Đầu tiên, họ lấy hết cá, sau đó là những thiết bị cần thiết. Nếu họ thích cái gì đó, họ lấy chúng. Nếu họ không thích, họ quăng ra biển”.
Ngư dân người Việt cho rằng con tầu của ông đã bị nhắm 4 đến 5 lần trong 10 năm gần đây. Khi một người con trai của ông bị giữ trong vòng ba ngày, anh đã bị thương nặng vì bị đánh đập và bị bắn bằng súng bắn tia điện vào cột sống. Ông Tân nói với phóng viên của CNN:“Con tôi phải ở nhà điều trị trong vòng ba tháng và không thể đi làm được”.
Chính quyền Việt Nam tin rằng ông Tân và hàng trăm ngư dân khác như ông đã trở thành mục tiêu vì họ hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Họ bị bắt trong một vụ tranh chấp quốc tế về vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông - một cuộc đối đầu đang làm xói mòn mối quan hệ ngoại giao ở châu Á. Sự kiện này hiển nhiên nằm trong chương trình nghị sự của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong chuyến công du Việt Nam từ ngày 23-25/05/2016.
Trung Quốc tự nhận có quyền sở hữu hầu hết khu vực Biển Đông. Bắc Kinh dựa trên một tấm bản đồ năm 1947 để biện minh cho các tuyên bố lãnh hải trải dài hàng trăm dặm về phía nam và phía đông của tỉnh đảo Hải Nam. Rất nhiều nước phản đối các yêu sách này của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Tất cả các nước này đều có những đòi hỏi chủ quyền trong khu vực đang có tranh chấp này.
Ngư dân : Nạn nhân bị bắt trong các cuộc tranh chấp
Nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam, đảo Lý Sơn chỉ có diện tích chừng 10 km2 (3,8 dặm vuông) và không được kết nối với lưới điện quốc gia cho đến tháng 10/2014.
Huyện đảo Lý Sơn, trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 1.000 ngư dân hoạt động ở Hoàng Sa, trong đó có ông Tân. Theo chính quyền địa phương, 200 ngư dân Lý Sơn và 17 thuyền đánh cá thông báo bị các tàu của Trung Quốc tấn công trong năm 2015.
Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói không hay biết về các trường hợp đánh đập hay xua đuổi ngư dân Việt Nam khỏi khu vực mà họ tự nhận là vùng lãnh thổ “không thể tranh cãi” của Trung Quốc.
Từ năm 1999, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập lệnh cấm đánh bắt hải sản vào mùa hè tại vùng Biển Đông, với lý do là để bảo vệ sự bền vững của ngành công nghiệp. Trả lời câu hỏi của CNN, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chun Ying) nói: “Trung Quốc có quyền quản lý lãnh hải của mình vì chủ quyền của chúng tôi. Theo tôi được biết, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc luôn thực thi pháp luật một cách văn minh”.
“Khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam”
Bất chấp rủi ro, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân huyện Lý Sơn, cho CNN biết : Chính quyền khuyến khích ngư dân để tiếp tục hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa, mà bà nhận định là một nguồn thu nhập truyền thống và quan trọng của hòn đảo này. Bà nói:“Tiếp tục ra khơi, là hành động khẳng định vùng này thuộc Việt Nam… Và điều này không thể chối cãi được”.
Tuy nhiên, phóng viên của CNN không được phép nói chuyện với ngư dân Lý Sơn nếu như không có một người đại diện của chính quyền địa phương đi cùng. Chính phủ Việt Nam tích cực tuyên truyền những câu chuyện của ngư dân Lý Sơn, những câu chuyện được dùng làm bằng chứng về sự xâm lược của Trung Quốc. Các nhà chức trách hỗ trợ cho ngư dân bằng các khoản tiền mặt để thay thế trang thiết bị đánh cá bị cướp và giúp thanh toán chi phí y tế.
Chủ tịch Hiệp Hội Thủy Sản Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Trinh, còn cho biết, chính những người dân Việt Nam cũng đóng góp tiền vào sự nghiệp của ngư dân vì họ tin vào chủ quyền của Việt Nam với các hòn đảo đang có tranh chấp. Ông nói : “Đây chính là động lực thúc đẩy giúp ngư dân chúng tôi cảm thấy vững lòng khi ra khơi”.
Cơ hội cho Hoa Kỳ
Các nhà phân tích chính trị cho rằng sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa các nước có tranh chấp trong khu vực và mở ra cơ hội mới cho Hoa Kỳ để xây dựng mối quan hệ với các nước như Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những động thái mang tính chiến lược để chiếm bá quyền tại hầu hết Biển Đông, như xây dựng đảo nhân tạo, xây thêm đường băng và triển khai tên lửa địa đối không.
Tổ chức Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (The Asia Maritime Transparency Initiative, AMTI) dựa trên các ảnh chụp từ vệ tinh đã đưa ra kết luận rằng Trung Quốc đã bồi thêm được 12 km2 đất mới. Việt Nam cũng tiến hành bồi đắp cải tạo nhưng trên một quy mô nhỏ hơn. Theo ước tính của tổ chức AMTI, Việt Nam đã bồi đắp được khoảng một nửa km2 đất mới.
Trước chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel R. Russel, nhận định rằng Việt Nam là “một đối tác trong việc ủng hộ Luật Biển và các quy định của pháp luật về không gian hàng hải, cũng như trong việc giải quyết một cách hòa bình những căng thẳng và tranh chấp ở Biển Đông”.
Chính quyền của tổng thống Obama đã nhiều lần vận động tìm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, đồng thời kêu gọi mỗi nước liên can ngừng quân sự hóa quần đảo này. Hoa Kỳ còn thực thi chiến dịch “Tự Do Hàng Hải” bằng các chuyến tuần tra trên biển và các chuyến bay trên khu vực Biển Đông để khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ rằng mọi quốc gia đều có quyền quá cảnh vùng biển này.
Dĩ nhiên, những hoạt động này đã khiến Bắc Kinh tức giận và nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ kích động xung đột và gây nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực.
Về phần mình, Việt Nam không tỏ ra khó chịu trước những hoạt động “Tự Do Hàng Hải” của Mỹ. Tháng 01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, Lê Hải Bình, đưa ra phản ứng của Việt Nam trước hoạt động trên với lời tuyên bố : “Việt Nam tôn trọng quyền đi qua lãnh hải vô hại”.

No comments:

Post a Comment