Friday, May 27, 2016

Vì sao Hà Nội mưa to là ngập sâu

Theo Vnexpress-Thứ sáu, 27/5/2016 | 16:03  
Mưa lớn trong khi hệ thống thoát nước đã lạc hậu; tốc độ đô thị hóa nhanh không đồng bộ với hệ thống thoát nước khiến Hà Nội úng ngập nặng tại nhiều nơi. 
Đến chiều 26/5, chung cư HH2 - Spark Dương Nội (Hà Đông) vẫn bị nước bao vây sau trận mưa sớm 25/5, buộc chính quyền phải bắc cầu để người dân đi lại. Câu hỏi vì sao Hà Nội luôn ngập lại trở nên nóng. 
Trận mưa tháng 5 lớn nhất 10 năm qua
Từ góc độ khí tượng, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do rãnh thấp trục Tây Bắc - Đông Nam qua Bắc Bộ hoạt động mạnh nên Hà Nội có mưa lớn đêm 24 rạng sáng 25/5. Chỉ trong 3 tiếng Hà Đông lượng mưa lên tới 240 mm, cả đợt tới 374 mm.
Các trạm đo trong nội thành đều ghi nhận lượng mưa rất lớn như: Cầu Giấy 277 mm, Thanh Liệt 252; Hoàng Quốc Việt 249; Ngã Tư Sở 228; Nam Từ Liêm 214, các nơi khác xấp xỉ 200 mm. "Chưa đủ cơ sở để nói đây là trận mưa kỷ lục, nhưng rất hiếm gặp khi xuất hiện với cường độ lớn", ông Hải nói.
Một chuyên gia khí tượng khác cho rằng, ít nhất 10 năm trở lại đây Hà Nội chưa từng có cơn mưa nào lớn như vậy xảy ra trong tháng 5. Chỉ một đêm lượng mưa đã lớn hơn cả một tháng. "Lượng mưa 340 mm ở Hà Đông chỉ kém trận mưa lịch sử năm 2008", vị chuyên gia này nói.
vi-sao-ha-noi-mua-to-la-ngap-sau
Nhiều tuyến phố biến thành sông sau trận mưa đêm 24, sáng 25/5. Ảnh: Thanh Tùng.
Đồng ruộng bị bê tông hóa
Ngoài lý do khách quan mưa lớn, ông Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị, cho rằng nguyên nhân chủ yếu là hệ thống thoát nước nội đô lạc hậu, đường ống nhỏ, khả năng tiêu thoát nước hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng. ịa hình Hà Nội cao 3,5 đến 9 m so với mặt nước biển, cao hơn Hải Phòng và tương đương một số thành phố nên việc úng ngập hiện nay không phải do địa hình", chuyên gia này phân tích.
Theo ông Đăng, trước đây huyện Thanh Trì và nội đô thành phố có nhiều ao hồ, song nay đã bị lấp hoặc thu hẹp để xây dựng nhà cửa. Việc cải tạo các dòng sông cũng làm giảm khả năng tiêu nước, như sông Tô Lịch và các hồ được cải tạo đều kè mái 45 độ và bê tông hóa làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh. "Tôi đã nhiều lần kiến nghị cần kè đứng các dòng sông để tăng diện tích chứa nước, song lãnh đạo Hà Nội không quan tâm", ông Đăng nói. 
Lý giải khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố thường xuyên ngập, ông Đăng cho rằng, Hà Nội đã mở rộng về phía Tây với việc hình thành nhiều khu đô thị. Song cốt nền tại nhiều khu đô thị mới không đồng nhất, khu vực xây dựng sau hay cao hơn khu vực trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới cốt nền thường cao hơn nhà dân, gây ngập cục bộ. Trong khi đó, việc thoát nước khu phía Tây vẫn dựa trên hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, chưa đầu tư hệ thống thoát nước đô thị.
Trước đây, phía Tây thủ đô là đồng ruộng, ao hồ rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất, song nay khu vực này đã bê tông hóa, nước không thể thấm xuống bê tông nên bị ứ đọng trên diện rộng.
vi-sao-ha-noi-mua-to-la-ngap-sau-1
Một khu đô thị ở Hà Đông biến thành "ốc đảo" bị cô lập, đoạn nước sâu khoảng 50-60 cm. Ảnh: Dương Triều
KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, cốt nền khu vực 4 quận nội thành cũ gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 8, quận Hoàng Mai là 6, Hà Đông là 6-7 cho thấy quận Hà Đông không phải thấp song vẫn xảy ra úng ngập. Nguyên nhân là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực. 
Dự án thoát nước quá tải và chậm tiến độ
Lý giải nguyên nhân ngập úng, ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, cho rằng do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công, như mương Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Nghĩa Đô, Tây Sơn...
Đầu mùa mưa, Công ty đã xác định với trận mưa có lưu lượng từ 50 đến 100 mm trong 2 giờ, ở 12 quận nội thành còn 16 điểm ngập úng, trong đó có các tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Liễu Giai, Đội Cấn, Minh Khai, Trường Chinh, Giáp Bát… Trận mưa trên 200 mm sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước, diện ngập lụt sẽ tăng và thời gian tiêu thoát lâu hơn.
Hiện 12 quận Hà Nội được chia thành 4 lưu vực thoát nước chính. Trừ lưu vực sông Tô Lịch gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, một phần Tây Hồ, Thanh Xuân, đang trong quá trình tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tạo, 3 lưu vực còn lại là Tả Nhuệ, Long Biên và Hà Đông đều chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng, phụ thuộc vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp và chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
vi-sao-ha-noi-mua-to-la-ngap-sau-2
Tiểu thương chợ Xanh ở phố Phan Văn Trường (Cầu Giấy) di chuyển hàng hóa khi nước dâng cao tới 60 cm. Ảnh: Thế Sơn.
Để giải cứu khu vực trung tâm thủ đô khi mưa lớn, Hà Nội đã quy hoạch và cho triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2. Dự án được giao cho Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội khởi động từ năm 2008 với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, thời gian hoàn thành vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm nên Hà Nội đề xuất và được đối tác Nhật Bản chấp thuận giãn tiến độ, kết thúc dự án ngày 30/6/2016.
Chỉ một tháng nữa là đến thời điểm hoàn thành dự án, nhưng do quá trình giải phóng mặt bằng chậm nên hiện hầu hết hạng mục thi công của dự án thoát nước giai đoạn 2 trong trung tâm thủ đô vẫn dang dở.
Từ 23h30 ngày 24/5 đến khoảng 4h30 ngày 25/5, Hà Nội mưa như trút nước. Hầu khắp tuyến đường các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần của Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ bị biến thành sông, giao thông hỗn loạn. Nhiều khu vực trũng đến hơn một ngày sau vẫn ngập.
Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực đô thị Hà Nội gồm 12 quận bao gồm 1.604 km cống rãnh, 27.320 ga thu, 36 trạm bơm, 85 hồ tham gia điều hòa thoát nước, 5 trạm xử lý nước thải. Tất cả được chia thành 4 lưu vực thoát nước chính.
Thứ nhất, lưu vực sông Tô Lịch diện tích khoảng 77,5 km2 gồm toàn bộ khu trung tâm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, một phần Tây Hồ, Thanh Xuân. Khu vực này vẫn đang trong quá trình tiếp tục được đầu tư xây dựng và cải tạo.
Thứ hai, lưu vực Tả Nhuệ, diện tích khoảng 58 km2 gồm quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm..., hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ và chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng. Thành phố đang giao Sở Xây dựng nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng, cải tạo nước cho lưu vực sông Nhuệ.
Thứ ba, lưu vực Long Biên khoảng 62 km2, hệ thống tại đây cũng chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Nguồn tiêu chính lưu vực phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiêu thoát của sông Cầu Bây và hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Thứ tư, lưu vực Hà Đông diện tích khoảng 47 km2, với hệ thống thoát nước chung, tự chảy ra sông Nhuệ và một phần ra sông Đáy. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ và chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải.
Nhóm phóng viên

No comments:

Post a Comment