VIỆT NAM (NV) - Nhiều người tin như thế vì Trung Quốc khẳng định năm nay, sẽ thực thi lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông một cách nghiêm ngặt. Lệnh do Trung Quốc áp đặt vừa có hiệu lực vào ngày 16.
Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông từ năm 1999. Theo đó, hàng năm, tất cả các tàu đánh cá bị cấm hoạt động từ khoảng giữa tháng 5 đến khoảng đầu tháng 8.
Một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu của Hải Cảnh Trung Quốc bắn cháy vào “mùa cấm đánh cá ở Biển Ðông” năm 2013. (Hình: An Ninh Thủ Ðô) |
Ðiểm đáng nói là lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông có “hiệu lực thực thi” trên cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Trong đó có cả những vùng biển còn đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác. Chẳng hạn bãi Scarborough mà Trung Quốc cưỡng đoạt từ tay Philippines hồi giữa năm 2012.
Bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia ven bờ Biển Ðông, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên lặp đi lặp lại rằng, các “lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông” là nhằm tạo điều kiện cho nguồn cá hồi phục vì dù có trữ lượng cá thuộc loại dồi dào nhất thế giới, nguồn cá ở Biển Ðông vẫn suy giảm vì bị khai thác quá mức.
Ít ai tin Trung Quốc có thiện chí trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Người ta xem “lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông” là một trong những biện pháp mà Trung Quốc sử dụng nhằm khẳng định chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Ðông.
Cáo buộc mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc hủy hoại môi sinh, môi trường Biển Ðông là sự kiện cá quanh đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa đột nhiên chết trắng biển. Báo chí Philippines cho rằng, Trung Quốc đã dùng hóa chất để tiêu diệt cá, khiến ngư dân Philippines nản lòng, không bén mảng tới vùng biển vốn rất phong phú hải sản này nữa.
Trước đó, nhiều chuyên gia hải dương trên toàn thế giới từng cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng, phải có biện pháp ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. Sự ngăn chặn này không phải do các yếu tố chính trị hay an ninh-quốc phòng mà vì Trung Quốc đã hủy diệt các rạn san hô, khiến chúng không thể hồi sinh và điều đó làm cạn kiệt một trong hững nguồn thực phẩm dồi dào của nhân loại.
Theo các chuyên gia hải dương thì những rạn san hô ở quần đảo Trường Sa là nơi cư trú của khoảng hơn 6,500 loài sinh vật biển, trong đó có 571 loài san hô. Hoạt động bồi đắp các bãi đá của Trung Quốc để thiết lập chuỗi đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã hủy diệt 30% san hô trong vùng biển này.
Nhiều chuyên gia hải dương nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế phải ngăn chặn Trung Quốc hủy diệt Biển Ðông bằng các biện pháp giống như đã từng làm để bảo vệ các vùng biển ở Nam Cực.
Thậm chí ông Paul Berkman, một chuyên gia hải dương người Anh, nhấn mạnh, an ninh môi trường ở Biển Ðông phải là ưu tiên hàng đầu vì “cuộc khủng hoảng thực phẩm đang cận kề.” Ông Berkman đề nghị thành lập một tổ chức “hành động vì san hô” giống như những tổ chức “hành động vì rừng.”
Ðáng lưu ý là song song với việc chính quyền Trung Quốc hủy diệt môi sinh, môi trường vì yếu tố chính trị, ngư dân Trung Quốc đang tàn phá môi sinh, môi trường vì tiền. Ngư dân Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới vì đánh bắt vô tội vạ các loại hải sản, không chừa gì cho tương lai.
Ngoài việc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Ðông Nam Á để đánh bắt trái phép, ngư dân Trung Quốc còn xâm nhập nhiều vùng biển khác ở Châu Á, Châu Úc, Châu Mỹ, thậm chí Châu Phi để thả lưới. Cách nay vài tháng, các quốc gia ở châu Phi đã thông qua một tuyên bố, đòi Trung Quốc phải có biện pháp vì ngư dân Trung Quốc đã đổ đến, đánh bắt hơn hai triệu tấn cá ở vùng biển Tây Phi...
Năm nay nhằm giảm bớt chỉ trích về việc đơn phương áp đặt “lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông,” báo chí Trung Quốc loan báo, khoảng 8,000 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam đã bỏ Biển Ðông quay về các cảng để “làm gương.”
Tuy liên tục khẳng định “lệnh cấm đánh cá ở Biển Ðông” của Trung Quốc là “vô giá trị” nhưng chính quyền Việt Nam không có thêm bất kỳ động thái nào khác nên trong thời điểm mà Trung Quốc cấm đánh cá, các tàu đánh cá của Việt Nam thường xuyên bị săn đuổi, bắt giữ, thậm chí bị tịch thu, ngư dân thì bị đánh đập tàn tệ. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment