Monday, May 16, 2016

Chính quyền chưa hỗ trợ người dân như lời hứa

(Quảng Bình, DL) – Trăm nghe không bằng một thấy. Bộ NN&PTNT thông báo là đã cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cho các ngư dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ ở các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, VTV có đưa tin là các loại thủy hải sản sau khi cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đã được người dân tin dùng trở lại. Nhưng khi phóng viên Dân Luận đến đây thì sự thật không phải như thế.

Bến cá, khu du lịch tiêu điều
Bến cá cửa biển Sông Gianh như chốn không người. Ảnh: phóng viên Dân Luận
Rời Quảng Trị, phóng viên Dân Luận tiếp tục đến Quảng Bình. Đây là tỉnh chịu thiệt hại rất nặng nề từ hiện tượng nước biển nhiễm độc khiến cá chết hàng loạt.
Bến cá thuộc cửa biển Sông Gianh xã Nhân Trạch – huyện Bố Trạch – Quảng Bình, bình thường là nơi các loại thuyền đánh bắt cá tập kết để tiêu thụ thủy hải sản đánh bắt được, rất tấp nập, nhộn nhịp người mua kẻ bán nhưng bây giờ hoang vắng tiêu điều.

Bến cá cửa biển Sông Gianh vào ngày 8/5, đây cũng là khu chợ đầy nhộn nhịp và tấp nập nhất Quảng Bình. Khung cảnh hoang vắng như bị bỏ hoang, dù lúc đó là 7h sáng, khoảng thời gian mà tàu bè đánh cá vừa cập cảng nhưng không có ai ở đây ngoài những người dân sống trong khu vực.

Có hàng chục chiếc tàu lớn nhỏ neo đậu. Người dân ở đây cho biết: “Phần lớn tàu bè đã nghỉ từ độ 15–20 ngày trước rồi. Hồi mới nghe tin cá chết thì họ còn ráng đi biển được mấy bữa, nhưng người mua không có cho nên chừ họ nghỉ đi hết luôn”.
Khu ẩm thực cùng bờ biển như một thị trấn bỏ hoang. Ảnh: phóng viên Dân Luận
Tại bãi biển Nhơn Trạch, ngày thường vào tầm 6 giờ đến 9 giờ sáng và 4 giờ chiều đến 7 giờ tối, ở đây người dân cùng khách du lịch ra tắm biển rất đông, nhưng giờ vẫn không ai dám tắm biển ngay cả trong thời gian kỳ nghỉ lễ và chính phủ đã thông báo vào ngày 30/4 rằng “Biển ở Quảng Bình đã an toàn”.

Ngư dân chưa nghe thông tin về “Giấy chứng nhận cá sạch”

Tàu đánh cá của anh Nhân vừa cập cảng sáng ngày 9/5. Ảnh: phóng viên Dân Luận
Anh Nhân, một chủ Tàu đánh bắt xa bờ cho biết: “Tàu của tôi đánh bắt xa bờ trên 200 hải lý. Tàu vô bờ hồi hôm qua mà khó khăn lắm mới bán được hết số cá đánh được. Mà bán giá thấp lắm, bán được 1/3 tới nửa giá so với hồi trước chứ mấy? Họ sợ”.

Anh Nhân cho biết thêm: “Có bỏ cá cho mối nữa. Bữa ni không ai đi cho nên mối họ cũng có lấy. Mối thì mối ở mấy nhà hàng đồ rứa đó. Chừ phải chuẩn bị ra khơi lại để kịp bỏ hàng cho họ. Bán không được giá nhưng phải đi nhiều vì bựa ni không ai đi biển nên mình phải đi để giữ môi. Lỗ thì lỗ chứ làm ăn lâu dài với họ mà”.
Ông Đức, chủ tàu đánh bắt xa bờ.
Ảnh: phóng viên Dân Luận
Nhiều ngư dân phải thế chấp tài sản, vay mượn tiền ngân hàng đầu tư đánh bắt cá, giờ đang chịu lỗ nặng: “Mới vay tền ngân hàng 3, 4 tỷ đóng cái tàu ra biển kiếm cơm mà mới đi có mấy bữa hắn làm cái vụ ni thì ở nhà tới chừ đây. Thủy hải sản đánh bắt về thì họ lấy giá rẻ mà bán thì không ai mua. Nói chung là thua lỗ nặng nề lắm. Lỗ 400-500 triệu trong vòng chưa đầy 1 tháng ni. Chừ không biết lấy chi để trả lãi ngân hàng. Cứ như ri mãi thì chắc có lẽ tầm 1 tháng nữa là bỏ nghề thôi” - Một chủ tàu đánh bắt xa bờ khác tên Đức đã nghỉ gần một tháng nay nói với chúng tôi.

Cả ông Đức và ông Nhân đều cho hay họ chưa nhận được thông tin về giấy chứng nhận cá sạch mà lãnh đạo địa phương thông báo.

Người dân thiệt hại cả trăm triệu, chính quyền hỗ trợ vài kí gạo

Ông Phụng, chủ nhà hàng Phụng Lý ở đây chia sẻ: “Từ trước khi có tin cá chết, nhà hàng của tui mua rất nhiều hàng để tích trữ bán cho ngày 30/4 và 1/5. Đợi mấy ngày đó là mua về 20 triệu tiền hàng mà tới ngày đó không ai đi biển chơi. 

Bình thường trước khi chuyện này xảy ra thì một ngày tui bán được 15–20 triệu, lời từ 2-3 triệu mỗi ngày. Từ khi có tin đó thì thất thu. Thất thu cả 120 triệu rồi”
“Từ hồi đó tới giờ thì cả nguyên dãy này chưa nhà nào được nhận hỗ trợ cái gì cả, nói thì nghe họ nói rứa chứ chưa có một cái hỗ trợ gì”. “Nếu tình trạng ni cứ diễn ra thì khoảng độ mấy ngày nữa thì tui cũng chuyển nghề làm thợ hồ đồ chi thôi chớ không cầm cự nổi” - Ông Phụng tiếp lời
Hồ tôm rộng 3000 mét vuông của Ông Trọng chết sạch. Ảnh: phóng viên Dân Luận
Những người nuôi thủy hải sản cũng chịu thiệt hại nặng nề. Ông Trọng, chủ Đầm tôm rộng 3000m2 cho hay: “Hồ tôm này chỉ còn 15 – 20 ngày là thu hoạch rồi. Khi thay nước cho hồ tôm thì bơm nước biển vô xong thì chết hết, cả 5 tấn tôm không còn một con. Thiệt hại tầm 1 tỷ 200 triệu đồng”.

Từ ngày xảy ra cá chết, chính quyền cũng chỉ hỗ trợ được 15 kí gạo: “Thì họ cũng chỉ cho được có 15 kí gạo rồi tới chừ cũng chẳng nghe nói chi. Còn chuyện hồ tôm thì cũng không nghe giúp đở chi cả”.

Không chỉ những người dân sống nhờ con cá, con tôm, con mực phải chịu hậu quả về thảm họa môi trường mà kể cả người chạy xe ôm như ông Minh cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Từ bữa đó tới chừ thì người đi ăn uống hay khách du lịch cũng ít cho nên ít người đi xe. Hồi trước chạy xe khoảng được 200, 300 nghìn một ngày có khi hơn mà chừ một ngày được có 150 đến 200 nghìn nhiều khi không có nữa”

16/05/2016
https://www.danluan.org/tin-tuc/20160516/quang-binh-chinh-quyen-chua-ho-tro-nguoi-dan-nhu-loi-hua#sthash.SVbaD2wa.dpuf

No comments:

Post a Comment