Monday, May 16, 2016

Người nghèo ở Việt Nam oằn vai gánh viện phí

HÀ NỘI (NV) Mỗi gia đình ở Việt Nam chi tiền cho y tế cao hơn nhiều nước trong khu vực và gấp 3 lần thế giới. Việc này đã kéo trên 400,000 gia đình chịu cảnh nợ nần, đói nghèo mỗi khi phải vào bệnh viện.

Báo Người Lao Ðộng hôm 16 tháng 5 dẫn phúc trình mang tên “Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014” của ông Hoàng Văn Minh, phó hiệu trưởng Trường Ðại Học Y Tế Công Cộng, công bố mới đây cho hay, gần 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 5.2% lên 6.9% GDP, tương đương 190,000 tỷ đồng.



Không ít gia đình khánh kiệt sau mỗi lần đi khám, trị bệnh ở bệnh viện. (Hình: Người Lao Ðộng)


Ông Minh cho biết, mỗi gia đình Việt Nam tốn khoảng $16/tháng cho chi phí y tế, gồm: tiền khám, tiền thuốc, tiền giường, tiền xét nghiệm... Chi phí này chưa bao gồm tiền đi lại, “ lót tay,” chi mua bảo hiểm và các khoản được bảo hiểm sức khỏe chi trả.

“Tỉ lệ chi tiền túi của mỗi gia đình chiếm tới 54.8%, cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và gấp 3 lần trung bình thế giới. Ðiều này dẫn đến hệ lụy gánh nặng chi phí y tế từ tiền túi của người dân rất cao,” ông Minh nói.

Theo ông Minh, có 550,000 hộ gia đình Việt Nam, chiếm 2.3% dân số đang rơi vào tình trạng “chi phí thảm họa,” tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả. Với gánh nặng này, khoảng 400,000 hộ gia đình bị nghèo hóa sau khi chi trả chi phí y tế, đặc biệt là các hộ gia đình có người già, hộ gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo...

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), thống kê mới nhất của Bộ Y Tế cho thấy, chi từ tiền túi của người dân cho y tế ở Việt Nam đã giảm, dao động quanh mức 47-49% nhưng vẫn cao hơn khuyến cáo của WHO và hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Trong khi đó, ở các nước có thu nhập trung bình cao, chi phí y tế từ tiền túi chỉ chiếm 14%.

Nói thêm về việc này với phóng viên Người Lao Ðộng, ông Phạm Mạnh Hùng, chủ tịch Tổng Hội Y Học Việt Nam, lo ngại, một nền y tế mà tiền túi của người dân bỏ ra chiếm khoảng 50% tổng chi cho y tế thì đó là nền y tế không công bằng. “Việc chi trả trực tiếp chính là cái bẫy của sự đói nghèo. Sau khi khám chữa bệnh xong, chỉ có cách vay nợ để chi trả hoặc phải bán gia tài để trả nợ,” ông Hùng nói.


Tin cho biết, một kết quả nghiên cứu mới đây thực hiện trên 2,000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất Việt Nam là các bệnh viện: Bạch Mai, K Trung Ương và Ung Bướu Sài Gòn cũng cho thấy, bệnh tật đã trở thành gánh nặng của rất nhiều gia đình. Sau 1 năm phát hiện bệnh, hơn 22% bệnh nhân gặp khó khăn về kinh tế. Trong số này, gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc; 24% người không thể thanh toán tiền gas, điện, nước; 21% không thể thanh toán chi phí đi lại và 15.2% không có tiền mua đồ ăn uống. (Tr.N)

16-05-2016 1:37:42 PM 

No comments:

Post a Comment