HÀ NỘI (NV) - Truyền thông quốc tế nói rằng Việt Nam đang có ý định mua một phi đội chiến đấu cơ đa năng thế hệ 5 Sukhoi SU-35 trong khi cũng muốn mua máy bay săn ngầm S-3 Viking của Mỹ.
Máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi SU-35 của Nga. (Hình: DefenseIndustry)
Tạp chí The Diplomat hôm 31 tháng 3, 2016, thuật lại tin từ nhật báo Nga Kommersant cho biết như vậy trong bản tin nói về các nước ngoài muốn mua loại máy bay nói trên sau khi thấy Nga biểu diễn khả năng đáng tin cậy của chúng trên chiến trường Syria.
Nước Nga đã tiêu vào chiến trường Syria khoảng $500 triệu khi điều động một loạt từ các chiến đấu cơ tối tân, các giàn hỏa tiễn phòng không, bắn các loại hỏa tiễn tầm xa từ tàu ngầm vào các vị trí IS. Đổi lại, Moscow ước lượng sẽ bán được một số lượng vũ khí lên đến $6 tỷ hoặc $7 tỷ trong năm nay.
Theo Kommersant thuật lại tin tức từ tập đoàn Kỹ Thuật Quân Sự của liên bang Nga, phía Việt Nam có ý điều đình để mua một phi đội Sukhoi SU-35 với tốn kém ước lượng $1 tỷ cho loại chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4+. Loại máy bay này được coi là phiên bản cải tiến từ lớp máy bay Sukhoi SU-30 mà Việt Nam hiện đang sử dụng 32 chiếc, nhận thêm 4 chiếc nữa cuối năm nay.
Theo nguồn tin, tuy Việt Nam rất muốn loại dần các chiến đấu cơ cổ lỗ sĩ như Mig-21, nhưng lại kẹt tiền, cũng lại có nhu cầu mua sắm nhiều thứ khác.
Máy bay săn ngầm S-3 Viking của công ty Lockheed Martin. (Hình: NAVAIR)
Sukhoi SU-35 là máy bay chiến đấu đa năng một chỗ ngồi, tuy là thế hệ thứ tư nhưng được trang bị những kỹ thuật của thế hệ thứ năm theo website của Sukhoi quảng cáo. Nó có thể mang theo 8,000kg vũ khí các loại từ hỏa tiễn không chiến, hỏa tiễn chống mặt đất tầm xa, hỏa tiễn chống tàu. Hệ thống tác chiến điện tử của nó được mô tả là tối tân nhất với radar dò tìm phát giác mục tiêu tầm xa, theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Theo một báo Nga được báo Đất Việt thuật lại, Việt Nam muốn mua hỏa tiễn đa nhiệm Spike NLOS của Do Thái vùa dùng để chống xe tăng, vừa có khả năng tấn công tàu biển, với tầm hữu dụng lên đến 25km, hơn hẳn các loại hỏa tiễn chống tăng của các nước khác gồm cả Nga, Mỹ.
Nó có thể tấn công các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng. Các hỏa tiễn Spike NLOS có 2 chế độ tấn công gồm tấn công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).
Spike NLOS còn được trang bị hệ thống dẫn đường quang - hồng ngoại với hệ thống cảm biến kép nên nó dễ dàng phát hiện mục tiêu. Hệ thống dẫn đường này cũng giúp Spike NLOS tấn công chính xác các mục tiêu cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Đủ loại trang thiết bị thặng dư, nằm “đắp chiếu” tại căn cứ không quân David-Monthan, Tucson, Arizona. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Ngoài công năng chính là tiêu diệt xe tăng và các loại xe bọc thép, Spike NLOS còn được biết đến là tên lửa chống tàu chiến khá mạnh. Hỏa tiễn này rất hiệu quả trong nhiệm vụ tiêu diệt những tàu đổ bộ, tàu chiến cỡ nhỏ.
Việt Nam đã nhập cảng và nhận chuyển giao công nghệ khá nhiều vũ khí do Israel sản xuất, trong đó có súng trường Galil ACE, súng TAR-21, Uzi, tên lửa chống tăng MATADOR, hệ thống tên lửa ACCULAR...
Trong khi đó, tạp chí an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense cho hay hiện công ty thầu quốc phòng Lockeed Martin đang hy vọng sau khi hoàn tất thỏa tuận bán cho Hàn Quốc từ 12 đến 20 máy bay săn ngầm S-3 Viking, thì có thể mở đường bán cho 3 quốc gia khác trong đó có Việt Nam và một nước ở Nam Mỹ, theo lời ông Clay Fearnow, giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của Lockeed Martin nói tại cuộc triển lãm hàng không FIDAE ở Santiago.
Hiện loại máy bay săn ngầm hai động cơ phản lực S-3 Viking 4 chỗ ngồi đã bị Hải Quân Hoa Kỳ cho nghỉ hưu nhưng chúng có thể được tân trang, sửa chữa để bán cho một số quốc gia khác.
S-3 Viking có tốc độ tối đa 828km/h ở trần bay cao 6,100m, trong khi ở độ cao thấp là 795km/h, tốc độ trung bình 650km/h, bán kính chiến đấu lên tới 853km. Nó có khả năng mang 2.2 tấn vũ khí gồm các loại bom, ngư lôi, tên lửa trong 4 giá treo thân và hai giá treo ngoài cánh.
Việt Nam cũng từng tỏ ý muốn mua loại máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion của Hoa Kỳ, nhưng đến nay, vấn đề vẫn chưa đi tới đâu vì nhiều lý do.
Chính phủ Hoa Kỳ chưa gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hiện mới chỉ chấp thuận cho Việt Nam mua một số tàu tuần tra biển cỡ nhỏ. Mọi thương vụ bán trang bị quốc phòng cho Việt Nam được cứu xét từng trường hợp một và phải qua sự chuẩn thuận của Quốc Hội cũng như phải cải thiện nhân quyền, một điều người ta không hề thấy. (TN)
No comments:
Post a Comment