Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình Giới tính của UNESCO Việt Nam tuyên bố trong một cuộc họp tổ chức vào ngày 31/03 tại Hà Nội, rằng sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được sử dụng tại Việt Nam hiện nay theo một khuôn mẩu cho thấy tính chất kỳ thị giới tính rõ rệt.
Chẳng hạn như hình ảnh vẽ trong sách cấp lớp 1 cho thấy, các bé trai chơi đá banh thì các bé gái ngồi yên một cách thụ động, hoặc đang dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Nhiều hình ảnh khác còn cho thấy, trong lúc người cha đang ngồi đọc sách, coi truyền hình thì người mẹ vất vả làm bếp, hoặc rửa chén.
Báo Zing cho biết, một cuộc khảo sát của UNESCO cho thấy, số trẻ em trai theo bậc tiểu học và trung học cấp 2 đông hơn trẻ gái khoảng 30%, đặc biệt tại các vùng nghèo khổ. Bé gái thường phải nhà làm việc để giúp gia đình hoặc bị ép lấy chồng sớm.
Ông Hoàng Bá Thịnh, giảng viên của Trường đại học Khoa học xã hội tại Hà Nội nói rằng, sách giáo khoa Việt Nam đầy dẫy sự thiên vị giới tính. Ông nghiên cứu 76 cuốn sách giáo khoa của cấp lớp 1 cho đến 12 cho thấy có 69% nhân vật xuất hiện là nam giới, trong khi chỉ có 24% thuộc nữ giới. Còn sách văn chương của Việt Nam thường mô tả phụ nữ như những người bất hạnh, kém may mắn, phải sống dựa vào người đàn ông.
Bà Trần Thị Phương Nhung cho rằng cần phải xoá bỏ sự kỳ thị giới tính và quảng bá sư bình đẳng nam nữ trong xã hội Việt Nam, đặc biệt trong sách giáo khoa.
04/02/2016 - 13:36
Song Châu / SBTN
No comments:
Post a Comment