Phương Thảo-04-03-2016
(VNTB) - Có lẽ chính quyền Việt nam cho rằng, một khi với các bản án được gọt đẽo cho vừa chiếc giày số 88 thì họ sẽ kiểm soát tuyệt đối được tư tưởng và phong trào dân chủ đang lan truyền âm ỉ trong nước khi họ đang tỏ ra bất lực trước ảnh hưởng của blog và các trang mạng và báo chí không thuộc lề phải.
Theo báo cáo vào cuối năm 2015 của Hiệp Hội Bảo vệ Phóng Viên tại Việt nam hiện có ít nhất 6 phóng viên bị giam giữ là Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, và Nguyễn Đình Ngọc- Nguyễn Ngọc Già.
Chỉ vài ngày sau khi Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy bị tuyên án về tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự tại Hà nội thì ông Nguyễn Đình Ngọc đã bị Tòa án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh xử bốn năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Tổ chức Bảo vệ Phóng Viên đã phản đối bản án của chính quyền Việt nam dành cho blogger Nguyễn Đình Ngọc tức Nguyễn Ngọc Già và yêu cầu chính quyền Việt nam phải trả tự do ngay cho những nhà báo bị giam giữ trái phép ở Việt nam.
Bản án dành cho Nguyễn Ngọc Già cho thấy các nhà lãnh đạo Việt nam sẽ làm bất cứ điều gì bất thường để ngăn chặn bất kỳ sự chỉ trích nào dành cho họ. Shawn Crispin đại diện cao cấp của Hiệp Hội Bảo Vệ Phóng Viên ở Đông Nam á nói “ Thay vì bỏ tù các nhà báo về tội vu khống, thay vào đó chính quyền Việt nam nên tiến tới xóa bỏ các điều luật thường xuyên được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận và báo chí độc lập.”
Trước đó, Liên Hiệp Quốc - The United Nations, Tổ Chức Quan Sát Nhân quyền - Human Rights Watch, Hiệp hội Bảo vệ Nhà Báo - The Committee to Protect Journalists và Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới - Reporters Without Borders đã đưa ra những tuyên bố không đồng tình với bản án của Tòa án Nhân dân Hà Nội. Thế nhưng những yêu cầu này đã không được chính quyền Việt nam đếm xỉa đến.
Ngay sau khi kết án nhà báo Nguyễn Đình Ngọc, chính quyền Việt nam lại tiếp tục gọt chân cho vừa giày khi ghép 3 người phụ nữ gần 60 tuổi vào tội biểu tình trái phép và chống phá nhà nước cũng theo Điều 88, Bộ luật Hình sự vì Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, xâm phạm đến an ninh quốc gia, xuyên tạc, kích động, gây nghi ngờ, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Khi nhìn những bị can trong vụ án này bị giải đi, những người có chút tư duy không thể nào không bật cười về sự ngu xuẩn của hội đồng xét sử khi họ tin rằng 3 người phụ nữ tóc bạc trắng tay lại có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia như báo chí lề phải loan tải.
Có lẽ chính quyền Việt nam cho rằng, một khi với các bản án được gọt đẽo cho vừa chiếc giày số 88 thì họ sẽ kiểm soát tuyệt đối được tư tưởng và phong trào dân chủ đang lan truyền âm ỉ trong nước khi họ đang tỏ ra bất lực trước ảnh hưởng của blog và các trang mạng và báo chí không thuộc lề phải.
Tình hình nhân quyền cũng như tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt nam tưởng như đã có thể có chút hơi hướng chuyển mình khi Việt nam tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Thế nhưng chỉ trong những ngày cuối tháng Ba, nhân quyền ở Việt nam lại có những bước lùi đáng kinh ngạc mà có những người chua chát cho rằng đây là “tháng Ba đen cho nền dân chủ ở Việt Nam.”
Chỉ chưa đầy hai tháng nữa, Tổng Thống Obama có thể sẽ có chuyến công du đến Việt Nam. Khi đề cập đến nhân quyền ở nước anh em Cuba với Raul Castro, Obama và các phóng viên đã nhận được câu trả lời rằng “Hãy đưa cho tôi danh sách những người bị giam cầm, tôi sẽ thả họ ra ngay.” Khi đến Việt nam, có lẽ Obama sẽ có sẵn ngay một danh sách sáu nhà báo và 3 người phụ nữ dân oan để trao cho ông Trọng. Thế nhưng cũng có thể đặt câu hỏi là với những sự kiện đàn áp nhân quyền như vậy, liệu Obama có lại hoãn chuyến đi lần này đến quốc gia cộng sản độc đảng ở Đông Nam Á hay không?
No comments:
Post a Comment