Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Bến sông trở thành nơi đổ rác -Photo: RFA
Miền Tây bị hạn, mặn do thiếu nước thượng nguồn, thiếu dự trữ sinh quyển, Tây Nguyên bị khô khốc do mạch nước ngầm ngày càng teo tóp, không đủ nước cung cấp, rừng bị phá sạch dẫn đến tình trạng khô vỏ trái đất, miền bắc bị cạn nguồn sông Hồng, sông Kỳ Cùng, sông Đà, sông Thao, sông Mã và miền Trung cũng không thoát khỏi kiếp nạn này với sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Vệ, sông Hương, sông Gianh đang trong tình trạng mực nước xuống thấp nhất, nước biển tràn vào các cửa sông. Nhưng đáng sợ hơn cả là những con sông đang chết dần chết mòn bởi bàn tay con người, bởi bèo lục bình và rác rến.
Sông chết “đúng qui trình”
Ông Thiệp, một cư dân thành phố Quảng Ngãi, hiện đang sống gần sông Trà Khúc, chia sẻ: “Nó bồi cát từng đống từng đống như vậy giữa sông. Bây giờ sông cạn hết rồi, chẳng còn thấy nước non gì hết. Trước đây Trà Khúc nhiều nước lắm, chỉ có vài năm trở lại đây mới thê thảm như vậy…”.
Theo ông Thiệp, sông Trà khúc đoạn qua thành phố Quảng Ngãi đã chính thức chết đi do nạn hút cát nhiều năm nay. Trước đây chừng 10 năm, sông Trà Khúc sâu thăm thẳm, trước trong vắt và độ sâu của đáy dao động từ ba mét đến mười mét. Nhưng hiện tại, sông Trà Khúc đang là bãi cát trắng khi mùa khô về.
Bởi nạn khai thác cát thiếu khoa học và các chủ máy hút thi nhau hút cát đáy sông suốt ngày đêm, quá trình khai thác kéo dài suốt mười năm làm tổn thương đáy sông, dòng chảy xê dịch, lớp cát dưới đáy sông bị chấn động và xê dịch mạnh dẫn đến tình trạng cát ở thượng nguồn kéo về. Chỉ sau ba trận lựt, sông Trà Khúc bị bồi lấp hoàn toàn. Mùa hè đến có thể ra giữa sông để đá bóng, làm bãi đậu xe và thành lập khu giải trí, quán nhậu.
Nó bồi cát từng đống từng đống như vậy giữa sông. Bây giờ sông cạn hết rồi, chẳng còn thấy nước non gì hết. Trước đây Trà Khúc nhiều nước lắm, chỉ có vài năm trở lại đây mới thê thảm như vậy…
- Ông Thiệp, Quảng Ngãi
Ông Thiệp chua chát nói rằng hiện tại người dân thành phố Quảng Ngãi đang có một lợi thế về đất đai. Chẳng bao lâu nữa, quĩ đất của Quảng Ngãi sẽ tăng thêm diện tích bởi con sông lớn bị bồi lấp hoàn toàn, có thể chia nhau mà xây nhà. Trong khi đó, cách đây năm năm, người dân Quảng Ngãi và các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về cái chết của con sông nhưng không có ai nghe. Cuối cùng là hậu quả hiện ra trước mắt, sông Trà Khúc chỉ toàn cát chứ không có nước.
Và đáng sợ hơn nữa là một khi những con sông cái chết đi sẽ kéo theo hàng trăm con sông con chết dần chết mòn. Bởi sông cái không đủ nước để đưa về sông con, các sông nhỏ sẽ bị ngưng trệ, tù đọng, bèo mọc lấp kín mặt sông, muỗi mòng và ấu trùng sinh sôi nảy nở. Và đáng sợ hơn là thay vì cùng nhau vớt bèo bảo vệ sông, khai thông dòng chảy, người ta lại thi thoảng tổ chức cho một ông cán bộ cao cấp nào đó ra vớt bèo rồi chụp hình đăng báo, còn người dân thì tha hồ vứt rác xuống sông.
Cùng tình trạng này, những nhánh của sông Hương và sông Như Ý ở Huế cũng đang gồng mình cõng hàng triệu cụm lục bình mọc kín mặt sông. Và người dân tha hồ xả rác xuống sông. Hành vi xả rác xuống sông của người dân có vẻ như họ đang cố tình lấp hẳn con sông. Bởi chưa bao giờ chiến dịch “vết dầu loang” của con người đối với các con sông lại tàn bạo như bây giờ. Hầu hết các bờ sông đều bị xây kè lấn dòng chảy để mở quán nhậu hoặc mở các dịch vụ tươi mát.
Như lời của ông Phú, một cư dân sống bên cạnh sông Hương, đọan đi qua huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế:“Sông Hương cũng rứa mà sông Bồ cũng rứa. Phía trên là sông Bồ, dưới ni là sông Hương, bèo đầy. Tụi nó hút cát phía trên mà đâu có ai hỏi han chi nó đâu bởi nó lo lót hết rii, hút nát hết sông rồi. Bây giờ sông bị chết đi thì vài bữa nữa mấy ông cán bộ lại kè sông để làm quán nhậu. Mấy ổng làm chứ có ai dám làm!”.
Ông Phú chia sẻ thêm là với đà này, các con sông cái thì người ta thi nhau hút cát. Cứ càng nhiều cơ quan tài nguyên môi trường bao nhiêu thì càng có thêm nhiều chỗ bán cát, bán khoáng sản bấy nhiêu. Dường như các cơ quan tài nguyên môi trường có mặt trong bộ máy nhà nước chỉ để làm một việc duy nhất, đó là thống nhất các bang phái sa tặc về một mối. Thay vì trước đây người ta khai thác nhỏ lẻ và manh mún. Khi cơ quan tài nguyên môi trường vào cuộc, họ sẽ bắt hết các tàu nhỏ lẻ để dằng mặt những tàu lớn. Sau đó tàu lớn sẽ đút lót, mua chuộc các quan chức trong cơ quan này.
Và kết quả cuối cùng là các tàu lớn trở thành đầu lĩnh, mua chỗ khai thác để bán cho các tàu nhỏ khai thác. Như vậy, hạt cát khi đến nhà người dân để xây dựng sẽ qua bốn lớp chi phí. Lớp đầu tiên là nhà xe chuyên chở cát, lớp thứ hai là các tàu khai thác cát vệ tinh, lớp thứ ba là các đầu sỏ, các trùm khai thác cát và lớp cuối cùng là quan chức quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường của nhà nước. Chính vì có hệ thống và có lớp có lang như trên mà các con sông nhanh chóng già nua, bệnh tật và chết dần chết mòn vì những ống hút khai thác cát, khai thác sạn. Thậm chí người ta đưa cả xán múc xuống nạo đáy sông.
Và khi sông cái cạn nguồn thì các con sông nhỏ thiếu nguồn chảy, bị tù đọng. Lúc này cũng là cơ hội ra tay của các thành phần có thế lực nhà nước và các quan chức, họ thi nhau kè sông để mở dịch vụ hoặc cho thuê điểm làm dịch vụ. Sông đầy bèo không ai cứu, thi thoảng một tay quan chức nhà nước hay một tay có quyền thế nào đó xắn tay vớt sạch bèo cho nằm dồn vào một góc sông gần nhà. Hành vi này tưởng như là cứu con sông nhưng không phải. Nơi đống bèo kẹp bờ sông kia sẽ được kè lại và đổ thêm đất lên để làm quán. Dường như mọi con sông ở Việt Nam đều có chung một qui trình chết, gọi là chết đúng qui trình.
Đổi loại hình sản xuất nông nghiệp, liệu có thực tâm?
Một người là cựu chủ nhiệm hợp tác xã, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Vấn đề là chuyển đổi loại hình nông nghiệp. Mới nghe thông tin vậy chứ chưa thấy họp. Nói chung là mới nghe thôi. Mà nếu chuyển đổi thì sẽ có một loại hợp tác xã mới, một kiểu hành chính mới trong nông nghiệp xuất hiện”.
Theo vị này, nếu như việc đổi loại hình sản xuất nông nghiệp, giảm trồng lúa và trồng các loại cây khác diễn ra cách đây chừng mười năm thì mọi chuyện đã khác. Nhưng thời đó, ở Tây Nam Bộ thì đắp đập ngăn nước vào đồng để làm ba vụ, ba miền đua nhau bón phân, bơm thuốc để tăng năng suất, để đạt mục tiêu đàn anh xuất khẩu gạo thế giới. Và có một bi kịch là tổng số tiền thu từ việc xuất khẩu gạo chưa bao giờ bù nổi cho tổng số tiền nhập khẩu phân bón.
Mới nghe thông tin vậy chứ chưa thấy họp. Mà nếu chuyển đổi thì sẽ có một loại hợp tác xã mới, một kiểu hành chính mới trong nông nghiệp xuất hiện.
- Một cựu chủ nhiệm HTX
Trong lúc người nông dân cuống cuồng với mùa vụ thì chỉ cần một năm bù lỗ cho bauxite Tây Nguyên cũng đủ bay đứt hai năm xuất khẩu gạo. Đó là chưa nói đến bù lỗ cho ngành điện lực, ngành dầu khí, ngành y tế, giáo dục… Và càng bù lỗ bao nhiêu thì thủy điện càng mọc ra nhiều bấy nhiêu, mà thủy điện là tác nhân đầu tiên để giết chết các con sông ở Việt Nam.
Và một khi các con sông đã chết vì hàng loạt mũi công kích do chủ trương lớn gây ra thì người ta lại nghĩ đến chuyện thay đổi loại hình sản xuất nông nhiệp, giảm trồng lúa để trồng loại cây khác. Bởi thực tế, đất đai ở Việt Nam hiện tại hoặc là bị khô cằn, vôi hóa bởi thuốc hóa học, hoặc là bị nhiễm mặn, nhiễm phèn bởi các loại giếng bơm và nước biển xâm thực, có muốn trồng lúa nữa cũng không xong.
Có vẻ như giải pháp thay đổi loại hình sản xuất nông nghiệp vừa quá muộn màng lại vừa có tính đối phó với thực tại nhằm che đậy hàng loạt cái lỗi phía trước, và đến một lúc nào đó, người ta sẽ bảo rằng đó là lỗi “đúng qui trình”!
Vị này đã kết luận như vậy trước khi chia tay chúng tôi.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment