HÀ NỘI (NV) - Qua được cửa ải nộp hồ sơ, các ứng cử viên độc lập thuộc giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền bị chế độ Hà Nội dùng cửa ải “hội nghị lấy ý kiến cử tri” để gạt họ ra ngoài.
Ứng cử viên độc lập Quốc Hội bị đấu tố tại “hội nghị cử tri.” (Hình: FB Võ An Đôn)
Theo tường thuật từ một số ứng cử viên độc lập ứng cử làm đại biểu quốc hội của chế độ “dân chủ đến thế là cùng” tại Việt Nam, phổ biến trên các trang Facebook, họ đều bị kết quả “tín nhiệm” rất thấp khi tham dự cuộc họp “lấy ý kiến cử tri” mà thực chất là các cuộc đấu tố theo sự dàn dựng ma mãnh của nhà cầm quyền địa phương, ai cũng hiểu là theo chỉ đạo “ở trên.”
Trang mạng “Tễu” hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Tư, 2016, đưa ra kết quả kiểm phiếu “hội nghị cử tri” tại một số nơi có các ứng cử viên độc lập ứng cử như sau:
Nơi cư trú:
1. Ông Hoàng Dũng (Sài Gòn): 7%
2. Bà Đỗ Nguyễn Mai Khôi (Khánh Hòa): Có 68 phiếu bầu, 28 tín nhiệm, 32 không, 8 trắng. Tỉ lệ ủng hộ 28%.
3. Bà Lâm Ngân Mai (Sài Gòn): 3/82 phiếu ủng hộ. Trong đó có mẹ Ngân Mai và Ngân Mai, và một người chưa biết họ tên.
4. Ông Võ An Đôn (Phú Yên): 29/86.
5. Ông Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc): 70/71 người ủng hộ. (chỉ 1 phiếu)
Nơi làm việc:
1. Ông Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc): 8.6% đồng ý.
2. Bà Nguyễn Thúy Hạnh (Hà Nội): 100 % đồng ý.
3. Bà Nguyễn Trang Nhung (Sài Gòn): Tín nhiệm làm đại biểu Quốc Hội: 1/63.
Với kết quả ý kiến “tín nhiệm” thấp như thế, đường vào Quốc Hội của những ứng cử viên này coi như bị khóa lại từ đây. Họ sẽ bị coi là không đủ tiêu chuẩn để được cho vào danh sách ứng cử viên chính thức để cử tri bỏ phiếu vào ngày 22 Tháng Năm, 2016.
Trên Facebook, một số ứng cử viên độc lập thuật lại từ đe dọa khủng bố đến các trò đấu tố được “Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử” dàn dựng, mở màn cho trò bỏ phiếu tín nhiệm để gạt họ ra ngoài, dù rằng luật bầu cử Quốc Hội của chế độ tuyên truyền nguyên tắc vận động bầu cử “được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.”
Ứng cử viên độc lập Luật Sư Võ An Đôn tường thuật trên Facebook vụ ông bị đấu tố và kiểm phiếu lén lút rồi công bố kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” của cử tri ngày 1 Tháng Tư ở Phú Yên có thể coi như tiêu biểu cho cái trò tổ chức bầu cử “dân chủ đến thế là cùng” của chế độ Hà Nội:
“Sáng nay, mặt trận tổ quốc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tôi tại nơi cư trú. Tham dự hội nghị có hơn 100 người, phần lớn là công an, người nhà công an, cán bộ các đoàn thể chính quyền địa phương, người lạ mặt ở địa phương khác, dân chúng trong thôn chỉ vài người được mời đến dự. Mở đầu hội nghị họ giới thiệu sơ lược về tôi, sau đó cho người đấu tố tôi. Người đầu tiên đấu tố là một anh đảng viên của chi bộ thôn trước đây làm kiểm sát viên bị tuột xích cho về hưu sớm, người thứ 2 đấu tố tôi là một anh công an về hưu, người thứ 3 đấu tố tôi là một anh đang làm công an huyện, người thứ 4 là một anh đảng viên của chi bộ thôn, người thứ 5 là chủ nhiệm đoàn luật sư.”
Ông Võ An Đôn kể tiếp rằng: “Họ đem chuyện gia đình, chuyện tôi không tham dự các cuộc họp của thôn, chuyện tôi viết bài trên Facebook ra mạt sát tôi; họ cho rằng tôi không đủ điều kiện làm đại biểu Quốc Hội, vì tôi có tư tưởng phản động; họ khuyên mọi người không bầu tôi. Điều đáng buồn là chính lãnh đạo đoàn luật sư được mời đến dự lại đấu tố tôi, cho rằng tôi vừa bị Sở Tư Pháp phạt tiền vì không lập sổ tài chính nhưng không khai báo và tôi có tư tưởng không đảm bảo để bầu vào Quốc Hội.”
Sau cùng, ông Đôn cho biết: “Sau khi đấu tố xong thì phát phiếu bầu, phiếu bầu rất đơn giản chỉ ghi họ tên tôi, nếu ai đồng ý thì giữ nguyên phiếu bầu, nếu không đồng ý thì gạch tên tôi. Họ phát ra 86 phiếu rồi thu lại, họ không kiểm phiếu tại chỗ mà đem phiếu bầu vào trong một ngôi miếu vắng vẻ gần đó để kiểm phiếu, bên ngoài thì có công an canh gác.”
“Tại sao họ không kiểm phiếu tại chỗ bằng cách chia phiếu gạch tên ra một bên và phiếu không gạch tên ra một bên thì sẽ biết kết quả ngay, mà phải đem phiếu vào trong một cái miếu vắng để kiểm phiếu? Việc làm này rất mờ ám, làm tôi và những người dân tham dự hết sức bất bình. Kết quả công bố tôi được 29/86 phiếu. Theo qui định thì tôi bị loại vì dưới 50% phiếu bầu. Ngày mai tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm tại nơi tôi làm việc là đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.”
Nữ ứng cử viên Lâm Ngân Mai ra ứng cử tại quận Gò Vấp, Sài Gòn, tường thuật cuộc đấu tố với các bài phát biểu viết sẵn của những “cử tri chọn lọc” tố cáo chị Mai “phủi bỏ công ơn xương máu của đảng, không yêu nước, không trung thành” lại còn “nói đảng thế này thế kia.” Khi chị lên phát biểu phản bác các cáo buộc thì bị cản trở không cho nói hết ý bằng cách “gây ồn ào và ngắt âm thanh micro” mà chị gọi là “rất tự do ngôn luận kiểu Cộng Sản.”
Doanh nhân Đỗ Anh Tuấn ra ứng cử ở tỉnh Vĩnh Phúc bị đấu tố tại phường Xuân Hòa thị xã Phúc Yên qua lời một ông tên Thoảng: “Trên Facebook của anh Tuấn có nhiều ảnh không thích đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc Hội Việt Nam là tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Anh Tuấn không thích đảng Cộng Sản thì không thể vào Quốc Hội được.”
Ông Đỗ Anh Tuấn cho hay, ngay cả những người họ hàng hay thân quen của ông, dù ủng hộ ông ra ứng cử nhưng “đã bị phân công” đấu tố ông mà ông thuật lời một ông “bí thư đoàn thanh niên” là “bị phân công rồi, anh đ.. làm gì khác được đâu.”
Theo blog Tễu, cuối giờ chiều ngày 30 Tháng Ba, 2016, ông Phan Vân Bách, người tự ứng cử đại biểu Quốc Hội Khóa 14 tại Hà Nội đã khẩn cấp gửi “đơn tố cáo và yêu cầu tổ chức lại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú” tới Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia và Ủy Ban Bầu Cử Thành Phố Hà Nội.
Ông Bách “tố cáo Ủy Ban Nhân Dân và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi gia đình ông cư trú sáng nay đã lén lút tổ chức hội nghị cử tri mà không gửi giấy mời cho ông; và khi ông biết tin đến hội nghị thì đã bị ngăn cản một cách thô bạo, vô văn hóa. Như vậy, họ đã công khai và trắng trợn chà đạp lên luật pháp và mọi qui định đã được phổ biến. Đây rõ ràng là 1 sự cố ý phá hoại cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 14 cần được truy tố trước pháp luật.”
Theo blogger Nguyễn Tường Thụy và cũng là một ứng cử viên độc lập thì “buổi lấy ý kiến cử tri đối với ứng cử viên Hoàng Dũng ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn, nổi tiếng với màn ném mắm tôm vào những người đến ủng hộ anh và được công an làm nhiệm vụ ở đấy làm ngơ. Những người ủng hộ anh không được vào đã đành mà ban đầu họ còn định ngăn cản cả vợ anh, mặc dù cô cùng có hộ khẩu tại tổ dân phố. Hoàng Dũng cho biết có người ở hội phụ nữ chồm lên hai bàn trước chỉ vào mục không tín nhiệm để hướng dẫn người khác gạch chéo vào đấy. Kết quả anh được 7% số phiếu.”
Ngay từ những ngày đầu bị nhà cầm quyền địa phương và Ủy Ban Bầu Cử “hành” về hồ sơ ứng cử, Luật Sư Võ An Đôn đã phải nói rằng, việc trở thành đại biểu Quốc Hội của các ứng cử viên độc lập tại Việt Nam còn khó hơn “lạc đà chui qua lỗ trôn kim.” (TN)
No comments:
Post a Comment