Theo BBC-5 giờ trước
“Rất khó để nhà lãnh đạo Việt Nam khởi động vụ kiện [Biển Đông] mà không tham vấn Trung Quốc trước”, theo một nhà nghiên cứu từ Đại học Hong Kong Baptist, tại Hội thảo bàn về Việt Nam sau 30 năm Đổi Mới ở Singapore tuần này.
“Chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ không thay đổi nhiều. Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường mang tính cách kế thừa. Và họ cũng biết vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc thế nào.
"Nên sẽ không có biến đổi nhiều lắm với Trung Quốc trong tương lai," ông Nguyễn Thành Trung nhận định.
Việt Nam và Trung Quốc đã có một số hợp tác và ký kết các hiệp định phân giới lãnh thổ, lãnh hải trong thời gian vài thập nhiên trở lại, như vào tháng 12/1999, ký hiệp định phân định biên giới trên bộ, năm 2000 ký hiệp định phân giới vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ v.v...
Trao đổi với BBC Tiếng Việt cuối tuần này, ông Nguyễn Thành Trung nói:
“Nhưng mà sau đó cho đến tháng 5/2014, giàn khoan HD-981 về mặt nào đó, đã làm các nhà lãnh đạo Việt Nam bất ngờ với hành động của Trung Quốc. Họ không ngờ Trung Quốc có thể làm vậy, buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải chuyển hướng sang các quốc gia khác.”
“Ta có thể thấy Việt Nam có nhiều thúc đẩy quan trọng hơn với Mỹ, Nhật bản và Ấn Độ. Đó là thúc đẩy các mối quan hệ song phương với các cường quốc trong khu vực.”
“Việt Nam cũng gia tăng vai trò của mình trong các tổ chức đa phương như ASEAN, ADF, ADMM, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+. Việt Nam cũng muốn gắn Trung Quốc vào."
“Mặt khác, Việt Nam mua sắm vũ khí nhiều hơn. Dù trên báo chí chính thống, việc mua sắm vũ khí được tiết chế để không gây chú ý nhiều. Nhưng rõ ràng Việt Nam đã đóng nhiều tàu mới, mua nhiều vũ khí, như gần đây có thỏa thuận là mua thêm mười mấy máy bay Sukhoi 30.
"Có nghĩa là Việt Nam hiểu rằng mối quan hệ với Trung Quốc là cần phải phát triển với Trung Quốc, nhưng không thể để bị bất ngờ với những hành động của Trung Quốc, ” ông nói với BBC.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài PCA như Philippines đã từng làm, ông Trung trả lời:
“Cá nhân tôi nghĩ Việt Nam sẽ không đưa vụ án ra tòa. Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc vừa ký hiệp định song phương về biển Đông. Lãnh đạo hai bên đã đồng ý tham vấn lẫn nhau về xung đột trên Biển Đông, vì thế rất khó cho nhà lãnh đạo Việt Nam khởi động vụ kiện mà không tham vấn với Trung Quốc trước.”
'Thận trọng' vì uy tín chính trị
Bên lề hội nghị, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, từ Viện Yusof Ishak - Chương trình nghiên cứu chiến lược và chính trị khu vực, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), nói với BBC Tiếng Việt:
“Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những nhận định về bảo vệ chủ quyền việt nam. Xu thế đó sẽ tiếp tục, song hành với diễn biến trên Biển Đông.”
Ông Hiệp cũng đưa ra dự báo về ứng xử của các lãnh đạo mới tại Việt Nam với vấn đề Biển Đông:
“Xét đến cụ thể từng cá nhân lãnh đạo thì sau Đại hội 12 vừa qua, chúng ta thấy một số người có thể rút ra bài học từ trường hợp của ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, khi mà họ chỉ trích ông Dũng đã có những phát ngôn, lập trường mà họ cho là không có lợi cho quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.”
“Nhà lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới này, họ có thể duy trì các chính sách, tuyên bố giống như ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra.
"Nhưng họ sẽ cân nhắc và thận trọng hơn để có thể đưa ra các phát biểu đáp ứng được kỳ vọng của người dân, vừa có thể giúp bảo vệ uy tín chính trị cũng như con đường chính trị của họ sau này,” ông Hiệp cho BBC biết.
Tại Hội Thảo Việt Nam 30 năm Đổi Mới, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã trao đổi về sự biến đổi quan hệ của Việt Nam với các cường quốc lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là từ sau sự kiện Giàn khoan HD-981 gây sóng gió ở vùng biển khu vực vào năm 2014.
No comments:
Post a Comment