Hạ Vũ, thông tín viên RFA 2016-04-10
Làm thế nào để bảo vệ chính mình khỏi các hành vi quấy rối tình dục trong nhà trường, công sở? (minh họa) AFP PHOTO
Cộng đồng mạng Việt Nam gần đây đang xôn xao, sôi nổi bàn luận xung quanh vụ việc nghệ sỹ hài Minh Béo bị bắt vì tội quấy rối tình dục tại Mỹ và ông Đỗ Văn Nam - bảo vệ trường tiểu học La Pan Tẩn, (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã nhiều năm liền dụ dỗ các bé gái dưới 10 tuổi vào phòng bảo vệ, thực hiện hành vi dâm ô. Tại thời điểm điều tra (tháng 03/2016), đã có 24 bé gái tố cáo hành vi dâm ô của ông bảo vệ “hiền lành” này. Trong khi Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, họ đã làm hết chức trách và không có sai phạm nào trong việc để xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Các bà mẹ Việt Nam nghĩ gì về những vấn đề này? Họ có kế hoạch gì để bảo vệ chính mình và con cái khỏi các hành vi quấy rối tình dục trong nhà trường, công sở hay không? Các tổ chức Xã hội Dân sự “chính thống” có phản ứng gì trước những vấn đề trên là nội dung trang phụ nữ kỳ này.
Thực ra trong tháng 3 này, nếu ai theo dõi truyền thông thì đều thấy có một loạt các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực với phụ nữ khá là nghiêm trọng và mình nghĩ rằng, những người có lương tri đều cảm thấy rất đau đớn và cảm thấy một sự mất an toàn hiện thân và hiện hữu ở xung quanh, với bản thân và với con em mình.
- Bà Nguyễn Vân Anh
“Làm hoa cho người ta hái, Làm gái cho người ta trêu” là một trong những câu ca dao – tục ngữ nổi tiếng, vẫn thường xuyên được sử dụng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhằm trói buộc người phụ nữ trong những “quy chuẩn” cư xử có lợi cho phái mạnh. Cụ thể ở đây là việc bị trêu ghẹo hay còn có thể gọi là quấy rối tình dục bằng các hành vi tán tỉnh. Rất nhiều cô gái ngày nay, vẫn “tự hào” vì mình được “trêu” bởi nam giới. Các cô tin rằng, đó là một trong những biểu hiện cho sự duyên dáng, hấp dẫn nam giới của mình, mà việc hấp dẫn nam giới là một trong những tiêu chuẩn đánh giá “đẳng cấp” của phái đẹp ở Việt Nam. Mấy năm trước đây, hễ cô gái nhỏ nào mách mẹ hoặc cô giáo về việc bị bạn trai chọc ghẹo, các bà mẹ bỉm sữa cũng như cô giáo, đều sẽ mắng yêu cô gái về nỗi lo sợ “vớ vẩn” của cô.
Tuy nhiên, trong thời đại của công nghệ thông tin hiện nay, các vụ việc quấy rối tình dục được báo mạng, đặc biệt là mạng xã hội lan truyền nhanh chóng với chi tiết cụ thể, đáng sợ đã khiến cho các bà mẹ vô cùng lo lắng.
Nói về sự việc nổi tiếng của Minh Béo và bảo vệ Nam, chị Nga – một bà mẹ có hai con gái 8 và 12 tuổi ở Hà Nội, chia sẻ về nỗi lo lắng bất lực của mình:
“Chị có đọc cái đấy và đọc nhiều những cái khác nữa nhưng thực ra mình chỉ lo lắng suông thôi mà chẳng có giải pháp gì. Giống như mình sống ở Việt Nam thì có cảm giác như là tồn tại được đã là tốt lắm rồi, chả thấy biết phải làm thế nào để ngăn chặn. Ví dụ nếu mà tính từ sáng đến tối, từ lúc chúng nó ra khỏi nhà cho tới lúc về, mình chả nghĩ ra cách nào để mà ngăn chặn được nếu như mà có việc xảy ra. Mình cũng chỉ suốt ngày tra hỏi nó thôi. Trong quá trình ở trường, cũng có lúc là chờ xe đón về rồi ở sân trường chơi, cũng có nhiều bảo vệ. Nói chung là trong suốt cả quá trình mà chúng nó ở trường rồi kể cả chú lái xe mà đưa đón bọn nó về cho đến về tận nhà, mình chả biết ngăn chặn kiểu gì. Mình lúc nào cũng lo lắng về cái điều đấy và mình biết là có nhiều mẹ cũng có thể lo lắng hơn nhưng cũng không biết làm gì để ngăn chặn cả.”
Trong khi đó, cũng có nhiều bà mẹ, dường như đã tìm ra một phương án an toàn để bảo vệ con mình. Họ lựa chọn cách chia sẻ câu chuyện bị lạm dụng tình dục nơi công sở cũng như các câu chuyện bị lạm dụng thời đi học của mình lên facebook cá nhân, với hy vọng có thể khuyến khích bạn bè, người thân của mình quan tâm đến vấn đề này và chia sẻ nhiều hơn để ngăn ngừa các nguy cơ cho chính mình và con gái.
Chị Ngọc – một biên tập viên tạp chí ngành hiện đang làm việc tại Hà Nội, là người đã chia sẻ câu chuyện bị chính thầy giáo dạy thêm môn văn có hành động quấy rối thời đi học. Tuy nhiên, chị đã từ chối trả lời Hạ Vũ của Đài Á châu Tự do.
Trong tháng 3 năm 2016, một nhóm các tổ chức Xã hội dân sự (XHDS) “chính quy” – nghĩa là các tổ chức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, dưới sự điều phối của VUSTA – Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – có hoạt động liên quan đến bảo vệ nữ quyền đã gửi bà tân chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một thư khuyến nghị liên quan đến vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục, mở đầu thư có các con số thống kê:
“Trong 5 năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.
Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.”
Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) – một trong những tổ chức XHDS “chính thống” đã tham gia gửi thư khuyến nghị nêu trên cho biết lý do các tổ chức cùng gửi thư khuyến nghị:
Chị có đọc cái đấy và đọc nhiều những cái khác nữa nhưng thực ra mình chỉ lo lắng suông thôi mà chẳng có giải pháp gì. Giống như mình sống ở Việt Nam thì có cảm giác như là tồn tại được đã là tốt lắm rồi, chả thấy biết phải làm thế nào để ngăn chặn.
- chị Nga
“Thực ra trong tháng 3 này, nếu ai theo dõi truyền thông thì đều thấy có một loạt các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực với phụ nữ khá là nghiêm trọng và mình nghĩ rằng, những người có lương tri đều cảm thấy rất đau đớn và cảm thấy một sự mất an toàn hiện thân và hiện hữu ở xung quanh, với bản thân và với con em mình. Thực sự cá nhân tôi cũng như các anh chị em đồng nghiệp trong mạng lưới cảm thấy rất bức xúc, đau lòng và mọi người cũng thảo luận chúng ta có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì… tại sao bây giờ nó vẫn cứ tiếp tục như thế này. Và nhiều khi mình cảm thấy đau đớn và bất lực vì đã làm rất nhiều rồi, nhưng chúng tôi nghĩ có lẽ vẫn chưa đủ sức mạnh để đánh động tới các cơ quan có quyền lực ở Việt Nam và đúng cái dịp đấy thì bà Kim Ngân lại được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Thực ra các tổ chức như chúng tôi cũng đã từ rất lâu ủng hộ cho việc có nhiều tiếng nói của phụ nữ trong bộ máy chính quyền cũng như trong Quốc hội và ủng hộ cho vai trò lãnh đạo nữ và chúng tôi cũng ủng hộ bà Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên và cũng hy vọng là khi có những tiếng nói có quyền lực của người phụ nữ ở những vị trí có quyền lực như thế, họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em. Khi viết thư, chúng tôi biết rằng ngày hôm sau (mùng 5) sẽ được thông qua luật bảo vệ trẻ em và lý do đấy thúc đẩy chúng tôi thực hiện việc gửi thư cực kỳ nhanh chóng và đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các cá nhân khác. Một mặt chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức và chúng tôi cũng gửi thư đến tất cả các đại biểu Quốc hội cũng như trên mạng tìm kiếm sự ủng hộ của các cá nhân và các tổ chức khác. Chúng tôi cũng hy vọng bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng như các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm nhiều hơn nữa để cho các câu chuyện đau lòng sẽ được giải quyết và sẽ không tiếp tục xảy ra các câu chuyện đau lòng như vậy nữa. Bọn mình đều hy vọng sự quan tâm của Quốc hội đến vấn đề này để có thể có các yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp, hành pháp, các cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này để họ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực thi luật phòng chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới và luật bảo vệ quyền lợi trẻ em.”
Có vẻ như, không giống các vấn đề đơn thuần khác liên quan đến phụ nữ như chuyện làm đẹp, chuyện bếp núc, chuyện chung thủy một vợ một chồng... vốn được xem là “chuyện nhỏ”; chuyện xâm hại, quấy rối tình dục đã thực sự trở thành một vấn đề xã hội, không chỉ khiến các cá nhân mạnh dạn tự lên tiếng cảnh tỉnh cộng đồng mà còn thúc đẩy cả các tổ chức XHDS chính thống, vốn vẫn hoạt động “đúng mực” dưới sự quản lý của các cơ quan của Đảng, thực sự lên tiếng yêu cầu chính quyền quan tâm đến việc thực thi các chính sách mà chính họ đã ban hành. Hơn nữa, việc lên tiếng này lại được thực hiện theo một cách hoàn toàn minh bạch, mới mẻ và có sự tham gia của rộng rãi cộng đồng.
Hy vọng, “tức nước vỡ bờ”, mỗi người dân Việt Nam, cho dù trong cương vị làm việc nào, sẽ nhìn thấy vấn đề ngày một rõ hơn, vượt qua nỗi sợ hãi mơ hồ của chị Ngọc để không chỉ lên tiếng, họ sẽ cùng nhau lên tiếng bảo vệ chính mình và người khác.
No comments:
Post a Comment