Vào thời gian này, giới chuyên gia phản biện và báo chí nhà nước lại tiếp tục phản ứng về vấn nạn thu thuế bất chấp dân sinh. Một trong những thứ thuế gây tiêu cực lớn nhất đến túi tiền của người dân còm cõi là “thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Cần nhắc lại, từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu thế giới bất ngờ sụt giảm mạnh và nay chỉ còn chưa đầy 40 USD/thùng. Ngân sách Việt Nam bị thâm thủng trầm trọng, nguồn thu từ xuất dầu thô giảm tới hơn một nửa. Nhưng Bộ tài chính lại đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, một lít xăng phải cõng 3,000 đồng/lít thay vì mức 1,000 đồng/lít, một lít dầu diezen phải nộp 1,500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đây.
Như vậy, chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường từ các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35,000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23,000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20,000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14,000 tỷ đồng/năm.
Con số trên gấp 2 - 2,5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22,500 tỷ.
Trong năm 2015 dù số thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng tổng số thu ngân sách cả nước vẫn tăng thêm hơn 85,000 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra.
Mục đích của thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng, trong đó có xăng dầu, là để điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch... Nhưng mức thu tuyệt đối 3,000 đồng/lít hiện nay đã quá cao.
Một loạt câu hỏi đặt ra quanh câu chuyện lỗ hổng thuế nhập khẩu xăng dầu khiến năm 2015 Bộ Tài chính phải hoàn thuế cho doanh nghiệp xăng dầu hơn 3,500 tỉ đồng. Nhiều người dân cho biết, nếu báo chí vừa qua không lên tiếng, dư luận không ồn ào, doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi trong khi chính người tiêu dùng bị thiệt hại.
Bộ Tài chính, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc này như thế nào dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó, giá xăng dầu Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng, ước tính gấp từ 1.5-2 lần mặt bằng giá xăng dầu thế giới. Tìm mọi cách để ‘ổn định’ mức giá này, có khả năng Petrolimex sẽ lặp lại ‘sáng kiến’ của người anh em của nó là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để đề xuất với chính phủ cho ‘bù lỗ tỷ giá vào giá xăng dầu’.
Để tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính lại tính đến chuyện tăng thu với người tiêu dùng là điều không thể chấp nhận, trong bối cảnh số doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động trong quý 1/2016 đã lên tới 20,000, tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Còn bội chi ngân sách năm 2015 vẫn đội lên đến 6.1% GDP. Nhiều dự án bất chấp dư luận trong và ngoài nước phản ứng ghê gớm, vẫn được chính quyền địa phương chúi đầu dày khoét.
04/09/2016 - 23:31
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment