Sunday, April 10, 2016

Dân đồng bằng sông Cửu Long tha phương cầu thực ngày càng nhiều

SÀI GÒN (NV) - Tuy không có số liệu chính thức nhưng báo chí Việt Nam khẳng định, số lượng cư dân đồng bằng sông Cửu Long bỏ xứ “tha phương cầu thực” càng ngày càng lớn.
Một trong những gia đình nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã bán sạch mọi thứ để sống, kể cả “nơi cắm dùi” và nay sống trên xuồng. (Hình: Thế Giới Tiếp Thị)

Tờ Thế giới Tiếp thị cho biết, vào lúc này, tuy tiền công đã tăng đến 150,000 đồng đến 200,000 đồng/ngày vẫn không dễ tìm ra người gặt lúa, hái trái cây,...

Dẫu không có số liệu chính thức về tỉ lệ dân đồng bằng sông Cửu Long ly hương, “tha phương cầu thực” nhưng một vài nghiên cứu gần đây về kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long đã cảnh báo về tình trạng khu vực này đã và đang là “điểm nóng cực đoan” về tình trạng “xuất cư.”

Bởi dân chúng đói, khổ, bế tắc về sinh kế tới mức phải ly hương, “tha phương cầu thực” là “vấn đề nhạy cảm,” ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền Việt Nam nên giới nghiên cứu kinh tế - xã hội ở Việt Nam phải sử dụng “xuất cư” khi cảnh báo về hiện tượng dân chúng đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt ly hương.

Vào cuối năm ngoái, khi trình bày về hiện trạng kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Võ Hùng Dũng, giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI Cần Thơ), dẫn một thống kê, theo đó chỉ trong ba năm từ 2009 đến 2011, tỉ lệ “xuất cư ròng” (ly hương vĩnh viễn) đã lên tới 8.4% (cứ 100 dân thì có hơn 8 người ra đi không trở lại nơi chôn nhau cắt rún của mình).

Lúc đó, ông Dũng giải thích, tỉ lệ “xuất cư” ở đồng bằng sông Cửu Long cao như thế vì dân chúng đồng bằng sông Cửu Long bế tắc về sinh kế. Nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, giới nghiên cứu Kinh Tế-Xã Hội có khuynh hướng hướng hiện tượng ly hương, tha phương cầu thực là do tác động của biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn kết quả phân tích khoảng 400 cuộc khảo sát riêng biệt được thực hiện tại nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2012, xác định tất cả những người được phỏng vấn đều khẳng định, các diễn biến bất thường về thời tiết, đặc biệt là hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng, nước biển xâm nhập càng ngày càng sâu vào đất liền đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của dân chúng đồng bằng sông Cửu Long.

Cho dù biến đổi khí hậu là một thực tế khắc nghiệt và tác hại của hiện tượng này là điều không thể phủ nhận nhưng những nghiên cứu khác cũng của các chuyên gia Việt Nam đã từng chỉ ra rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long sẽ không nghiêm trọng như đang thấy nếu cách nay vài thập niên, chính quyền Việt Nam biết lắng nghe giới chuyên gia, không thực hiện những dự án như: Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, thoát lũ ra biển, đắp đê biến Đồng Tháp Mười thành ruộng lúa,...

Một điểm đáng lưu ý khác là dẫu liên tục khẳng định, nông dân là một phần quan trọng cấu thành nền tảng quyền lực của chính quyền cộng sản Việt Nam (phần còn lại là công nhân) song chính quyền Việt Nam đối xử với nông dân hết sức tồi tệ.

Ly hương, tha phương cầu thực không chỉ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long mà đã xảy ra ở miền Bắc, miền Trung cách nay vài thập niên.

Tháng 8 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế của Việt Nam (CIEM) từng công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, nông dân Việt nói chung càng ngày càng bần cùng. Đói nghèo vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở nông thôn Việt Nam. GDP tính trên đầu người ở khu vực nông thôn của Việt Nam chỉ hơn Cambodia.

Đến nay, “được mùa, mất giá” vẫn còn là điệp khúc. Nông sản, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản bị đổ bỏ xảy ra thường xuyên tại khắp mọi nơi. Nông dân không thể sống được bằng những thứ do họ làm ra. Đầu tư càng nhiều, làm việc càng cật lực thì thua lỗ càng lớn. Những câu chuyện như 40 ký chanh chỉ bán được 6,000 đồng, vừa đủ mua nửa ổ bánh mì thịt, hai ký khoai lang chỉ đủ tiền mua được một ly trà đá ở Sài Gòn càng ngày càng phổ biến.

Bất kể tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gia tăng, chẳng hạn trong giai đoạn 2009 - 2013 là 520,000 tỷ đồng, bằng 52% tổng vốn đầu tư phát triển nhưng nông dân vẫn càng ngày càng cay cực, đói khổ. Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân thật ra chỉ giúp những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hưởng lợi chứ nông dân chẳng nhận được gì.

Năm 2013, ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam từng nhận định, muốn phác thảo chân dung nông dân Việt Nam phải khắc họa được “năm cái nhất”: Đông nhất, hy sinh và đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, hưởng lợi ít nhất, nhiều bức xúc nhất. (G.Đ)

04-10-2016 4:35:15 PM

No comments:

Post a Comment