Hoàng Dung, thông tín viên RFA 2016-04-10
Chỉ trong năm 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 55 trường hợp cướp giật tài sản mà nạn nhân là những du khách nước ngoài. (minh họa) AFP PHOTO
Trong một vài năm trở lại đây, tình trạng du khách nước ngoài đến Việt Nam bị cướp bóc rất nhiều, điều này là một trong những lý do khiến du khách nước ngoài ngần ngại khi chọn Việt Nam để đi du lịch.
Giải pháp nào để hạn chế tệ nạn này?
Phản ứng của dư luận
Lãnh đạo của địa phương là những người đứng đầu nhân dân cấp tỉnh hay thành phố phải thực sự quan tâm chỉ đạo cho các ngành liên quan đặc biệt là công an ra quân mạnh tay để trấn áp các nạn đó.
- Nhà báo Võ Văn Tạo
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội Facebook nên nhiều sự việc sau khi du khách nước ngoài bị cướp, nhiều thông tin đã được đăng tải một cách chóng mặt, trước những sự việc như vậy không chỉ những du khách nước ngoài, người nước ngoài phản ứng mà nhiều người dân Việt Nam cũng phản ứng dữ dội.
Trên báo lao động cho biết, chỉ trong năm 2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 55 trường hợp cướp giật tài sản mà nạn nhân là những du khách nước ngoài.
Vào ngày 19/03/2016 trên trang mạng phunuonline cũng cho biết có 2 du khách Ba Lan mới đặt chân đến Việt Nam đã bị cướp đồ sau khi họ đã đi Ấn Độ, Malaysia, Singapore. Theo đó trong vòng 1 tuần từ ngày 13 đến ngày 19/03/2016 có 3 trường hợp du khách nước ngoài bị cướp ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sự việc xảy ra thì trên rất nhiều trang mạng nhà nước có đăng tải chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đứng ra xin lỗi những du khách bị cướp, dù chính quyền xin lỗi nhưng sự việc vẫn không được giải quyết một cách triệt để, chính điều này đã làm cho du khách nước ngoài quay lưng với du lịch Việt Nam cho dù Việt Nam được coi là nước có nhiều địa điểm du lịch đẹp, phong cảnh đẹp, bờ biển dài…
Dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi tại sao nhiều du khách đi du lịch khắp thế giới thì không sao, tại sao mới đặt chân đến Việt Nam thì họ lại bị cướp, công an ở đâu hết rồi?
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, không chỉ đối với du khách nước ngoài bị cướp giật trắng trợn giữa ban ngày mà nhiều người dân Việt Nam khi ra đường mà không cẩn thận thì cũng bị cướp giật. Nhà báo cho rằng do sự vô cảm của người đi đường không ra cứu giúp khi người khác bị cướp giật nên tình trạng đó mới được kéo dài, nhà báo cũng cho biết ông rất bức xúc trước những người đứng xem người khác bị cướp giật mà họ không có hành động nào.
Nhà báo tiếp lời:
“Sự vô cảm của người dân rất nhiều, họ rất ngần ngại can thiệp vào sự việc của người khác.”
Giải pháp
Tệ nạn cướp bóc xảy ra ở Việt Nam đó không phải là điều mới mẻ, sự việc đã xảy ra khá lâu, nhưng chính quyền vẫn chưa có biện pháp để giải quyết một cách triệt để, nạn cướp bóc không chỉ xảy ra đối với du khách nước ngoài mà nó còn diễn ra hằng ngày đối với người dân Việt Nam nếu họ ra đường không cẩn thận, hơn nữa tệ nạn cướp bóc lại còn diễn ra một cách trắng trợn, táo bạo mà những người người cướp bóc này lại được tổ chức một cách chặt chẽ và quy mô.
Trước vấn nạn ngày càng có nhiều du khách nước ngoài bị cướp bóc, thì công an thành phố Hồ Chí Minh đã từng phát tờ rơi để cảnh báo các du khách nước ngoài nên cẩn thận với tư trang của mình để khỏi bị cướp, tuy nhiên sự việc vẫn không được giải quyết vì nó gặp nhiều bất cập cho du khách, vì du khách nước ngoài họ không biết tiếng Việt, hơn nữa nhiều tờ rơi lại không đến được với tay họ.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở thành phố Nha Trang, người từng làm nhiều năm trong ngành du lịch, quản lý khách sạn hơn nữa lại ở thành phố du lịch biển Nha Trang nơi cũng từng diễn ra nhiều trường hợp cướp bóc đối với khách du lịch cũng cho nhiều biện pháp, mà theo nhà báo điều này cũng đã từng được áp dụng ở thành phố biển Nha Trang và trường hợp cướp bóc đối với du khách cũng được giảm đáng kể. Tuy nhiên nhà báo cũng cho rằng những biện pháp này chỉ mong là giảm tối thiểu những trường hợp cướp bóc, chứ hy vọng giải quyết triệt để được vấn nạn thì đó là một vấn đề khó.
Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ:
“Thứ nhất, lãnh đạo của địa phương là những người đứng đầu nhân dân cấp tỉnh hay thành phố phải thực sự quan tâm chỉ đạo cho các ngành liên quan đặc biệt là công an ra quân mạnh tay để trấn áp các nạn đó. Một mặt các hãng du lịch, hãng tour cũng phổ biến cho các hướng dẫn viên cho du khách tránh các hiện tượng hớ hênh, ví dụ như là đi lẻ hay mang trên người nhiều đồ quý giá, đắt tiền.”
Một hướng dẫn viên du lịch xin được giấu tên làm trong công ty du lịch Asean cũng chia sẻ:
“Sự việc nhiều du khách nước ngoài bị cướp giật diễn ra rất nhiều, chúng tôi có yêu cầu chính quyền can thiệp để mong sự việc được giảm bớt nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, khi nhận khách du lịch thì chúng tôi cũng luôn phổ biến cho khách du lịch những rắc rối mà họ có thể gặp khi đến Việt Nam để họ có thể tránh, chúng tôi cũng yêu cầu họ khi đi đâu nên đi nhiều người và không nên mang đồ quý giá theo bên mình.”
Không chỉ các báo đài trong nước hay người dân trong nước mới quan tâm đến việc du khách nước ngoài bị cướp vì điều này ảnh hưởng đến du khách nước ngoài quay lưng với du lịch Việt Nam, mà nhiều báo đài quốc tế cũng quan tâm và cảnh báo đối với du khách của họ khi đến Việt Nam du lịch thì nên cẩn trọng với nạn cướp bóc. Trên báo Australia cũng đưa ra giải pháp tạm thời là Việt Nam nên cấp thiết thành lập lực lượng cảnh sát du lịch và đường dây nóng hỗ trợ bằng nhiều nhiều thứ tiếng để kịp thời hỗ trợ cho du khách khi họ bị cướp.
Blogger Lê Dũng ở thành phố Hà Nội thì cho rằng, trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam bất ổn, chính quyền mất kiểm soát thì nạn cướp bóc đối với du khách là 1 trong những vấn nạn khác như là tai nạn giao thông, nạn chặt chém, thực phẩm độc hại… nên cách duy nhất là các hãng du lịch nên phổ biến cho khách du lịch biết thực tại của đất nước để du khách có thể tự bảo vệ mình.
Mình phải biết tự bảo vệ mình chứ chả nhờ được người khác, hàng hóa, tài sản do mình tự giữ, nếu làm mất là do mình không biết giữ.
- Một công an ở Hà Nội xin giấu tên
Bogger Lê Dũng tiếp lời:
“Ở Việt Nam cực kỳ hỗn loạn, chính quyền thì mất kiểm soát, các người làm du lịch cung cấp thông tin tình hình hiện tại của các thành phố ở Việt Nam cho các khách du lịch ở nơi xa tới để họ biết được họ đề phòng, để họ có kiến thức và kỹ năng để đối phó lại.”
Một công an ở thành phố Hà Nội xin được giấu tên chia sẻ:
“Mình phải biết tự bảo vệ mình chứ chả nhờ được người khác, hàng hóa, tài sản do mình tự giữ, nếu làm mất là do mình không biết giữ.”
Theo số liệu của tổng cục du lịch Việt Nam thì khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 năm 2016 ước tính khoảng đạt 820.480 lượt, giảm 1,6% so với tháng 2 năm 2016. Trong khi lượt du khách đến Việt Nam giảm thì trong khu vực như Lào, Campuchia hay Thái Lan thì du khách ngày một tăng.
No comments:
Post a Comment