Wednesday, April 20, 2016

Trái phiếu Trung Quốc bị rách

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 2016-04-20  
000_9T2V5-622.jpg
Một trung tâm chứng khoán ở Fuyang, Trung Quốc hôm 20/4/2016. AFP
Từ mươi ngày qua, thị trường trái phiếu Trung Quốc có dấu hiệu hốt hoảng với phân lời tăng vọt vì hàng loạt doanh nghiệp nhà nước bị vỡ nợ. Biến cố ấy khiến người ta nhìn lại gánh nợ xấu, không sinh lời và sẽ mất của xứ này.

Hồi chuông cảnh báo

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong mấy ngày qua, hàng loạt xí nghiệp Trung Quốc không trả được các khoản nợ đến kỳ thanh toán và điều đó ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu làm quốc tế thấy ra một yếu tố khác của những bất ổn tại Trung Quốc. Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho hiện tượng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin chầm chậm đi từ đầu để ta cùng hiểu ra một điều đáng lo là trái bóng trái phiếu của Trung Quốc đang rách khi các doanh nghiệp đi vay mà không để ý tới khả năng thanh toán sau này. Tệ nạn ấy đã tích lũy từ lâu, nay mới gây ra hốt hoảng.
Công ty lượng giá trái phiếu Standard and Poor’s đánh sụt sự tín nhiệm vào doanh nghiệp Trung Quốc tới mức thấp nhất kể từ năm 2003. Danh mục các doanh nghiệp có khả năng trả nợ đã tuột đến cái sàn thấp nhất kể từ năm 1992. Đấy là hồi chuông cảnh báo.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Về bối cảnh chung thì khi cần vốn làm ăn, doanh nghiệp có thể vay tiền ở ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu tức là bán ra một tờ giấy nợ. Người có tiền cho vay, gọi là “nhà đầu tư”, sẽ trao tiền cho doanh nghiệp để lấy về tờ giấy nợ được gọi là “trái phiếu”. Vì vậy, tờ trái phiếu là loại tài sản đầu tư được mua đi bán lại trên thị trường trái phiếu cho đến kỳ hạn thanh toán dài ngắn khác nhau. Giá trị của tờ giấy nợ ấy là khả năng thanh toán của doanh nghiệp đi vay, đo lường ở mức lời mà người ta gọi là “phân lời”, hay yield. Nếu doanh nghiệp làm ăn đáng tin thì tờ giấy nợ sẽ có giá trị cao và đòi phân lời thấp. Ngược lại, nếu thị trường thiếu tin cậy thì tờ trái phiếu đã phát hành bị mất giá vì giới đầu tư đòi tiền lãi cao hơn. Chuyện lời lãi lên xuống là do thị trường quyết định và đấy là nguyên nhân khiến giá trị của tờ trái phiếu luôn luôn đi ngược với phân lời. Vì vậy, trên các thị trường tài chính, khi nghe nói trái phiếu lên giá thì mình biết rằng tình hình khả quan và ngược lại, nếu trái phiếu sụt giá thì điều ấy có nghĩa là phân lời tăng và các doanh nghiệp mà cần vay tiền sẽ phải trả tiền lời cao hơn.
Từ mươi ngày qua, loại trái phiếu yết giá bằng đồng Nhân dân tệ hay đồng Nguyên, được lưu hành trong thị trường nội địa Trung Quốc bỗng đột ngột sụt giá và phân lời tăng vọt. Thậm chí, riêng trong Tháng Tư này, các doanh nghiệp đã quyết định không phát hành thêm 62 tỷ bạc, tương đương với gần 10 tỷ Mỹ kim vì chẳng ai muốn mua vào và biến cố ấy được quốc tế để ý. Công ty lượng giá trái phiếu Standard and Poor’s đánh sụt sự tín nhiệm vào doanh nghiệp Trung Quốc tới mức thấp nhất kể từ năm 2003. Danh mục các doanh nghiệp có khả năng trả nợ đã tuột đến cái sàn thấp nhất kể từ năm 1992. Đấy là hồi chuông cảnh báo.
Nguyên Lam: Xin cám ơn ông Nghĩa trình bày lại quy luật thăng trầm hay lên giá xuống giá của thị trường trái phiếu nói chung, và chúng ta bước qua nguyên nhân là vì sao mức tín nhiệm vào các doanh nghiệp Trung Quốc lại sa sút mạnh như vậy.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi sẽ lại đi từ đầu là kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào việc đi vay. Hai nguồn tài trợ nhu cầu vay mượn ấy là tín dụng ngân hàng và trái phiếu của doanh nghiệp. Từ tháng trước, người ta thấy khối lượng tài trợ ấy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, lên đến hơn hai ngàn ba trăm tỷ bạc, tương đương với 363 tỷ đô la. Lý do là nhà nước vẫn kích thích sản xuất nên giải tỏa điều kiện cho vay và sáu lần hạ lãi suất kể từ cuối năm 2014. Dù thị trường được bơm thêm tiền với lãi suất rẻ và điều kiện dễ dãi như vậy mà có bảy doanh nghiệp vẫn không thanh toán được nợ đáo hạn, là mặc nhiên vỡ nợ. Trong số này, ba cơ sở lại có vốn của nhà nước nên cứ được giới đầu tư tin là tiền cho vay được sự bảo đảm của nhà nước. Khi thấy ra hiện tượng vỡ nợ như vậy từ đầu Tháng Tư thì giới đầu tư hốt hoảng. Thật ra, đáng lẽ họ phải thấy là nhiều doanh nghiệp đi vay ngân hàng không để sản xuất mà chỉ để thanh toán tiền lời của các khoản nợ cũ mà thôi.
000_9T2M2-400.jpg
Một trung tâm chứng khoán ở Fuyang, Trung Quốc hôm 20/4/2016. AFP PHOTO.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin hỏi ngay một câu thưa ông. Nếu nhà nước muốn bơm tiền kích thích sản xuất thì khi doanh nghiệp bị khó khăn, họ vẫn có thể tung tiền cấp cứu chứ vì sao lại để xảy ra tình trạng vỡ nợ dây chuyền làm thị trường hốt hoảng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên bước vào vòng luẩn quẩn của một bài toán lưỡng nan, là cả hai mặt đều nan giải. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp đi vay không để sản xuất mà cứ sản nhập vì dẫn tới hiện tượng sản xuất dư dôi rồi chất vào tồn kho ế ẩm. Khi để cơ sở kinh doanh ấy vỡ nợ và sụp đổ mà không ra tay cấp cứu, nhà nước Bắc Kinh muốn doanh nghiệp biết tính về rủi ro và đừng sản xuất một cách vô ích nữa. Đấy là chiều hướng họ theo đuổi nhằm chấn chỉnh một hiện tượng tiêu cực xảy ra từ quá lâu. Nhưng mặt kia là sự hốt hoảng của thị trường sẽ gây khó khăn đồng loạt vì doanh nghiệp thiếu vốn khiến cho kinh tế không thể tăng trưởng theo chỉ tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là 6,5% trong năm năm tới. Đắn đo giữa hai mục tiêu trái ngược, Bắc Kinh chết kẹt giữa cả hai vấn đề là 1/ nạn sản xuất thừa vẫn tiếp tục trong khi 2/ giới đầu tư hoảng loạn lại gieo họa cho cả thị trường giao dịch bên ngoài bằng ngoại tệ khác.

Trái bóng trái phiếu bắt đầu xì?

Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta bước qua phần thứ ba là các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn thế nào mà không kiếm ra lời và bây giờ mắc nợ đến độ nguy ngập như thế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chuyện doanh nghiệp không kiếm ra lời thì ngày nay đã rõ và sẽ càng rõ hơn: các doanh nghiệp yết giá trên thị trường cổ phiếu Thượng Hải hay Thẩm Quyến chỉ có lợi nhuận vừa đủ cho nhu cầu trả lại tiền lời đi vay và tình hình năm nay sẽ còn sa sút hơn nên cổ phiếu Trung Quốc lại mất giá và nhà nước phải bơm tiền để cứu thị trường! Vì vậy, phân lời trái phiếu sẽ còn tăng như một vòng xoáy đi xuống đáy. Lý do là triết lý kinh doanh có màu sắc Trung Quốc. Họ làm ăn không để kiếm lời mà chủ yếu là tạo ra việc làm để khỏi thất nghiệp và động loạn xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp thi đua đi vay để tuyển người vào các dự án ít giá trị kinh tế và thiếu phẩm chất mà cứ cộng lại thành sản lượng và nâng đà tăng trưởng cho thượng cấp vui lòng. Tình trạng ấy kéo dài quá lâu nên đưa đến hiện tượng ngập đầu vì nợ xấu, khó đòi và sẽ mất khi các doanh nghiệp vỡ nợ và phá sản. Bây giờ Bắc Kinh lâm vào thế kẹt khác là vừa sợ thất nghiệp vừa có một núi nợ chất đống bên cạnh một khối tồn kho ế ẩm.
Khi Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh liên tục hạ lãi suất cơ bản khiến tiền nhiều và rẻ đã thổi lên bong bóng trái phiếu và tăng khối nợ tới 250% của Tổng sản lượng, mà bên dưới là các doanh nghiệp lỗ lã không trả được tiền lời chứ chưa nói đến tiền vốn đi vay. Biến động vừa qua cho thấy là trái bóng trái phiếu bắt đầu xì và sẽ bể.
Nguyên Lam: Nói về các khoản nợ xấu thì người ta có số liệu gì không và tình hình sẽ ra sao, thưa ông?
Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh liên tục hạ lãi suất cơ bản khiến tiền nhiều và rẻ đã thổi lên bong bóng trái phiếu và tăng khối nợ tới 250% của Tổng sản lượng, mà bên dưới là các doanh nghiệp lỗ lã không trả được tiền lời chứ chưa nói đến tiền vốn đi vay.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hội đồng Quản lý Ngân hàng, cơ quan của Quốc vụ viện hay Hội đồng Chính phủ, có cho biết trong năm 2015 số nợ xấu đã tăng khoảng 75 tỷ đô la, là gấp đôi so với năm trước. Theo Ngân hàng Thế giới thì con số thật có thể cao hơn vậy, chứ không thể là 1,67% và chuyện nguy ngập là khối nợ ung thối này lại đi đôi cùng nạn suy giảm doanh lợi và tồn khó ế ẩm khi thị trường gia cư địa ốc vẫn còn suy yếu nên không thu hút được các nguyên liệu dư dôi như than, thép, xi măng. Trước đây thì Bắc Kinh còn có thể khỏa lấp vấn đề bằng cách xuất khẩu ra ngoài với giá rẻ. Bây giờ tình hình đã khác xưa nên họ không dễ giải quyết hồ sơ này.
Ta phải trở ngược về 36 năm trước thì mới hiểu ra vấn đề cốt lõi của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách và mở vòng giao dịch ra thị trường thay chế độ quản lý tập trung theo kế hoạch của nhà nước, Trung Quốc lấy nguồn tài trợ cho doanh nghiệp nhà nước là tín dụng ngân hàng thay vì từ khoản chi trong ngân sách. Chiến lược của họ là tìm lực đẩy từ đầu tư, nhưng gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước lại trút vào gánh nợ của doanh nghiệp. Với nguồn tài trợ dễ dãi của ngân hàng theo diện chính sách, các doanh nghiệp không để ý tới rủi ro của việc đi vay và bắt đầu chất lên một núi nợ xấu từ 30 năm trước. Hậu quả là tình trạng mạnh yếu của các ngân hàng được đo ở khối nợ xấu, ngày càng tăng: từ 0,4% của tổng số dư nợ vào năm 1984 lên tới hơn 10% vào năm 1991 rồi hơn 33% vào năm 1998. Vì vậy, vào năm 1999, Chính quyền của Thủ tướng Chu Dung Cơ đã phải lập ra bốn công ty quản lý tài sản để gọi là mua lại khối nợ có vấn đề của bốn ngân hàng quốc doanh, họ đã mất tổng cộng hai trăm tỷ, tính bằng đô la, cho việc chấn chỉnh này.
Nguyên Lam: Như vậy thì 15 năm trước, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã gặp vấn đề này và ngày nay thì tình trạng khó khăn đó lại lan qua thị trường trái phiếu và gây hốt hoảng. Ông vừa nói bây giờ tình hình đã khác xưa nên Bắc Kinh không dễ gì giải quyết hồ sơ nợ xấu. Thưa ông, nó khác xưa như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta có vấn đề phẩm và có vấn đề lượng. Sau nạn Tổng suy trầm năm 2008, Bắc Kinh đành đình hoãn việc cải cách và chấn chỉnh, còn ráo riết bơm tín dụng để kích thích kinh tế nên gây hậu quả là sản xuất thừa. Nạn dư dôi có thể lên tới 30% trong các khu vực liên hệ đến xây cất như sắt, thép, xi măng, kính thủy tinh, nhôm, hay máy phát điện… Lý do là khu vực xây cất chiếm tới 30% của kinh tế xứ này. Khi doanh nghiệp sản xuất mà bán không được thì tìm đâu ra tiền trả nợ? Gánh nợ xấu trong thực tế không thể là 1,67%, so với trung bình trên toàn thế giới là 4,2% mà theo ngân hàng JPMorgan Chase thì có thể là 7% và còn có nguy cơ lên tới 20%. Nếu nhà nước muốn lại tung tiền chuộc nợ cho ngân hàng thì lần này sẽ mất từ 600 cho tới 770 tỷ đô la.
Thiên hạ cứ nghĩ Trung Quốc có một kho đạn là khối dự trữ ngoại tệ lên tới ba ngàn tỷ đô la nhưng quên rằng khối dự trữ ấy đang bị bào mỏng, có thể mất mỗi tháng trăm tỷ. Nếu bây giờ lại mất thêm 700 tỷ để cấp cứu ngân hàng thì năm nay, họ sẽ mất một phần ba của khối dự trữ! Trong tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Bắc Kinh là ông Chu Tiểu Xuyên đã tuyên bố rằng họ sẽ thận trọng hơn với gánh nợ xấu, nhưng giải pháp cứu vãn là bán nợ qua thị trường trái phiếu lại vừa bị thị trường rạch nát với hiện tượng hốt hoảng, và phân lời mà tăng vọt thì hậu quả kinh tế sẽ còn trầm trọng hơn nữa.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích rất chuyên môn này.

No comments:

Post a Comment