Lời Tòa soạn: Phóng viên ảnh tự do Gerald Hebert ở Montreal đã trải qua năm ngày ở thủ phủ An Lộc về phía bắc Sài Gòn. Ông chứng kiến cuộc giao tranh dữ dội ở đấy và bị thương trong một trận đánh xe tăng. Ngày hôm qua Hebert được trực thăng đưa ra khỏi thành phố bình an. Ông kể lại chuyện bao vây An Lộc trong bài tường thuật sau.)
An Lộc, Nam Việt Nam (UPI) - Người lính xe tăng Bắc Việt chết đầu tiên tôi nhìn thấy ở An Lộc đã bị xích vào xe tăng.
Tôi đang chụp hình một trong những chiếc xe tăng đã bị tiêu diệt ở giữa thành phố trong một trận đánh lớn vào ngày thứ Tư.
Có xác chết ở bên ngoài xe tăng, rõ ràng là xác của người lính chỉ huy xe tăng. Ở dưới bên trong xe tăng là hai xác nữa, chết do bị trúng trực diện hỏa tiễn chống tăng M72.
Tôi thấy cái gì đấy lấp lánh trong bóng tối. Tôi sờ mắt cá chân người chết. Mắt cá chân bị xích vào bên trong xe tăng với những vòng xích dày hơn sáu ly.
Trước đây tôi đã nghe chuyện kỳ lạ này về những người lính xe tăng Bắc Việt ở Lào vào năm ngoái. Tuy nhiên, tôi vẫn ngạc nhiên. Những người lính Nam Việt cho tôi biết những người lính xe tăng bị xích mặc dù người chỉ huy xe tăng không bị xích.
Không biết gì
Một người chỉ huy lính xe tăng bị bắt đã cho những người thẩm vấn ông biết rằng trước khi ông vào An Lộc ông đã được thông báo chắc chắn rằng thành phố đã vào tay Bắc Việt. Điều ấy giải thích tại sao những xe tăng này tiến thong thả vào thành phố, với tháp pháo mở ra và những người chỉ huy xe tăng chỉ đứng nhìn quanh như thể đây là nhà mình.
Những người lính bộ binh Nam Việt không thể tin vào mắt mình. Những chiếc xe tăng chẳng mảy may nghi ngờ gì tiến đến cách các vị trí của quân đội Nam Việt chưa đến 45 mét thì bộ binh bắt đầu bắn bằng súng M72 mới tinh của họ. Tôi thấy 11 chiếc xe tăng và 7 chiếc trong số này đã bị tiêu diệt.
Thiếu tá Raymond Haney ở Forth Worth, Texas, cố vấn quân đội Mỹ cho lính sư đoàn 18 của Nam Việt ở An Lộc, là một trong những người bị thương rời khỏi An Lộc cùng với tôi vào ngày hôm qua. Ông nói thật là may mắn nhất trên đời là quân Bắc Việt tiến vào An Lộc như thể thành phố này đã thuộc về họ.
“Nếu các xe tăng vừa tiến vào vừa bắn thì biết đâu chúng tôi chẳng có may mắn. Nhưng bây giờ họ biết họ có thể phá hủy những xe tăng ấy và họ đang làm như thế, ngay cả khi các xe tăng bắn họ.” Haney nói.
Những người tỵ nạn
Những cảnh tượng đáng thương nhất là hai đoàn người tỵ nạn dân thường từ các làng quê lân cận chạy vào thành phố. Một đoàn do một linh mục Công giáo người Việt dẫn đầu; đoàn kia do các nhà sư Phật giáo mặc áo cà sa vàng dẫn đầu. Nhưng An Lộc hoàn toàn chẳng phải là nơi lánh nạn.
Hai ngày cuối cùng tôi ở trong thành phố, mỗi đoàn có vài trăm phụ nữ, trẻ em và người già, đi thành hàng qua thành phố, hy vọng tìm thấy nơi lánh nạn ở đâu đó.
Nhưng chẳng có nơi nào để ẩn náu. Chẳng có trại lính nào có thể tiếp nhận họ- các trại này đều đã quá đông, không được tiếp tế lương thực đủ và lại bị pháo kích.
Mỗi lần một trong những đoàn người đáng thương này đến gần nơi giáp ranh thành phố thì họ lại bị pháo kích. Người già, phụ nữ và trẻ em thường chen lấn để giành nhau chỗ núp. Pháo kích dịu đi. Họ lại đứng lên để chạy tiếp, trẻ em vừa chạy vừa khóc thét vì quá hoảng sợ, chạy đến nơi nào đấy may ra có thể cho họ thực phẩm, nước, nơi trú ẩn.
Tuần này ở An Lộc không có nơi nào như thế.
Nguồn:
Báo Montreal Gazette, số ra ngày 17 thángTư, 1972.
Bản tiếng Việt:
No comments:
Post a Comment