Những ngày qua, hình ảnh chiến sĩ công an Lương Việt Hà quật ngã người bán hàng rong ở chợ Bình Tiên liên tục bị đe dọa, khủng bố bởi các tin nhắn, cuộc gọi đến từ số máy lạ.
Đoạn clip sau khi được đăng tải lên mạng xã hội (ngày 14/4) đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Và cũng như bao lần khác, chiến sĩ công an luôn là nhân vật hứng "gạch đá" của cộng đồng bởi hành động “quật ngã” người bán hàng rong.
Hình ảnh Thượng sĩ Lương Việt Hà quật ngã người bán hàng rong. Ảnh: Cắt từ clip.
|
Có thể thấy, cư dân mạng dường như được cài đặt chế độ mặc định “chửi” với công an. Bởi bất cứ một clip, hình ảnh nào được đăng tải lên mạng có từ khóa: Công an, dân,... đều được lực lượng "anh hùng bàn phím", các nhà đạo đức học, xã hội học mạng ảo phân tích, bình luận và... “chửi” rất cặn kẽ.
Tuy nhiên, việc chửi đó có lẽ giờ đây chẳng ăn nhằm gì so với hành động đe dọa, khủng bố của rất nhiều người đến số máy cá nhân của Thượng sĩ Lương Việt Hà.
Theo Trí thức trẻ, chỉ trong 15 phút, anh Hà phải tiếp 4 cuộc điện thoại từ số máy lạ với nội dung như: “Đồ chó, đồ súc vật, mày đi chết đi…”, “tụi tao biết nhà mày, mày không yên đâu, tụi tao sẽ giết hết cả gia đình mày…”, “tụi tao sẽ giết mày, sau đó là gia đình mày”,…
Và đương nhiên, trong thời gian vừa qua, mỗi ngày anh phải tiếp vài chục đến hàng trăm cuộc gọi, tinnhắn khủng bố từ số máy lạ là chuyện… bình thường.
Đúng là thời kì của những cái “bóng”, của những “thế lực” chỉ dám lấp ló sau ánh sáng lên ngôi. Chưa bao giờ văn hóa “đe dọa” nặc danh lại trở thành trào lưu, lấn át và chi phối cán cân đúng sai thay cho luật pháp và sự thật như thế.
Mặc dù theo quan điểm cá nhân, việc công an quật ngã người bán hàng rong không có gì là sai trái bởi đó đơn giản chỉ là trách nhiệm trị an xã hội. Người bán hàng rong đã năm lần bảy lượt vi phạm pháp luật và còn có hành vi hối lộ, chống đối thì… phải mạnh tay là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, có thể thông cảm với một số cá nhân bênh vực người bán hàng rong đó bởi chính họ cũng đã quá quen với việc “lách luật” và ăn vạ khi cơ quan chức năng “sờ gáy”. Phải chăng, trong suy nghĩ của họ thì “nghèo” và “hèn” luôn là lợi thế để chuyển sai thành đúng, đổi trắng thay đen?
Chính tư tưởng đó đã một phần tạo nên sự nhận thức méo mó trong xã hội. Khi mà công lý, cái đúng luôn bị bóp méo bởi những thứ “tình thương” và đồng cảm đặt không đúng chỗ.
Liệu sau sự việc này, cón đồng chí công an nào “dám” không nhận hối lộ từ những người vi phạm pháp luật? Còn đồng chí công an nào “dám” mạnh tay với những kẻ đã sai còn cố chấp?
Chắc chắn là chẳng còn ai dám lên tiếng và dập tắt sự sai trái nữa bởi chính thái độ và hành động của nhiều người đứng trên “quan điểm tình thương” đang hun đúc và phát triển nó đó thôi.
Giờ đây có lẽ nghèo không còn là một cái tội nữa. Mà tội chính là “dám” thẳng tay với những thứ vừa nghèo lại vừa “hèn”!
Văn Chính
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Nguồn: www.nguoiduatin.vn
No comments:
Post a Comment