Wednesday, April 20, 2016

Cảnh sát và côn đồ kết hợp 'công tác', dân nấu cháo cho vào tù, bí thư huyện ủy đâm chết 3 người lĩnh án treo

— 04/20/2016 - 07:51 

Tin trên các báo nhà nước hôm nay 19/4/2016 đưa những tin đến ngược nhau trong cái gọi là "Nhà nước pháp quyền XHCN"chắc chẳng giống ai về một nền tư pháp "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" - hẳn nhiên là chỉ ghi trên giấy.
Bị vào tù do nấu cháo làm khói bốc lên, xã không làm việc được.
Bài viết trên tờ Lao Động: "Hà Nội: Nhận án tù vì… nấu cháo trong sân UBND xã" cho biết như sau: Ngày 14/12/2015, Tòa án ND huyện Phúc Thọ mở phiên xét tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo là người dân xã Liên Hiệp về tội Gây rối trật tự công cộng, Cố ý làm hư hỏng tài sản, Hủy hoại tài sản. Kết quả, 17 bị cáo nhận tổng cộng 475 tháng tù và 39 tháng án treo".

Vậy đâu là nguyên nhân khiến 17 người dân xã Liên Hiệp bị đẩy vào vòng lao lý?
Oái oăm thay, đây là những người dân đã đi khiếu kiện từ lâu về việc các cán bộ xã đã có nhiều sai phạm và bị người dân phát hiện. Những phát hiện của người dân, bản kết luận của các cơ quan chức năng công nhận là đúng, và còn nêu đích danh 10 cán bộ đã trực tiếp sai phạm. Thế nhưng, việc giải quyết của các cấp chính quyền đã không làm cho họ tâm phục khẩu phục dẫn đến bức xúc. Bản án hình sự số 63/2015/HSST do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Kiều Duy Chinh ký đã khẳng định điều đó.
 Cuối cùng, không còn con đường nào khác, họ kéo nhau lên sân UBND xã chờ giải quyết vấn đề rốt ráo. Những cán bộ xã thì trốn hết vào phòng và dân cứ chờ. Chờ mãi cũng đói, thế là phải hò nhau kiếm củi, kiếm gạo về nấu cháo ăn tại chỗ để... chờ cán bộ.
Và thế là họ bị bắt, bị khởi tố và kết án vì tội như sau: "Do đung nấu bằng củi, trấu, mùn cưa, thời gian kéo dài nhiều tiếng đồng hồ nên quá trình nấu cháo, khói bốc lên xông vào các phòng làm việc của cán bộ UBND xã Liên Hiệp… khiến toàn bộ các cơ quan ban ngành của xã bị đình trệ, không làm việc được". Rồi họ bị kết tội "gấy rối trật tự công cộng". Và họ đi tù với 514 tháng tù.
Như vậy, có thể kết luận vụ án đơn giản như sau:
Cơ quan công quyền "của dân, do dân, vì dân" gồm các cán bộ là đầy tớ của ông chủ nông dân, quản lý tài sản, nhưng phá hoại của ông chủ, ông chủ đến khiếu nại không giải quyết, đầy tớ vẫn nhơn nhơn không giải quyết. Ông chủ chờ mãi đói quá, không nhịn được kiếm củi gạo nấu cháo chờ. Thế là làm đầy tớ bị khói xông vào không làm việc được cho ông chủ. Và mấy loại đầy tớ kết hợp nhau đưa cả đoàn ông chủ vào tù nghỉ ngơi.
Sự việc này làm người ta nhớ lại câu chuyện một bí thư Huyện Ủy lái xe đâm chết 3 người tại xóm Nà Mạ, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng hồi 12h 30 phút ngày 30/1/2015. Ba nạn nhân gồm anh Vương Văn Tiến (sinh năm 1979, trú tại xóm Nà Lạn, xã Phù Ngọc, Hà Quảng), bà Nông Thị Điền (sinh năm 1953) và cháu Vương Gia Khang (1 tuổi).
Người trực tiếp gây cái chết cho ba nạn nhân này, là Lãnh Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Hà Quảng.
Kết quả là phiên tòa xét xử là viên bí thư huyện ủy gây cái chết cho 3 người này bị 3 năm tù và được hưởng án treo. Giải thích cho điều này, Tòa cho rằng vì ông ta có "đạo đức tốt".
Như vậy, qua hai vụ án, người ta lại thấy rằng:
- Ông chủ nấu cháo làm khói bay vào mắt đầy tớ, bị đi tù mút mùa.
- Đầy tớ đâm ông chủ chết 3 người một lúc, được hưởng án treo.
- Ông chủ tố cáo đầy tớ ăn hại, làm sai, được coi là tội phạm và đạo đức xấu.
- Đầy tớ đi xe sang, đâm ông chủ chết tức tưởi được cho là đạo đức tốt.
 Cảnh sát kết hợp côn đồ
Cũng ngày hôm nay, tin từ Tòa án Tp Hồ Chí Minh vừa nhận lại hồ sơ vụ án CSGT  thuê côn đồ đánh chết anh Nguyễn Văn Chín sau khi dám cự cãi.
Nội dung vụ án là sự kết hợp công tác giữa Cảnh sát và Côn đồ và kết quả là anh Chín mất mạng.
Hồ sơ do VKS chuyển qua sau thời gian điều tra bổ sung và lần này nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như cùng đồng phạm vẫn chỉ bị truy tố tội cố ý gây thương tích.
Chắc hẳn thế, bởi cự cãi CSGT mà CS không tiện đánh người thì thuê đánh dằn mặt, còn việc chết là do nạn nhân thích chết, còn kêu ai!
Đó là chuyện ở phía Nam đất nước. Còn phía Bắc, tại Hải Phòng, lại tiếp tục câu chuyện dang dở CSGT kết hợp côn đồ để công tác mà mọi chuyện chưa ngã ngũ.
Đó là việc cậu học sinh Trịnh bạn là Tú đi vào đoạn đường ngược chiều, khi đi qua chiếc xe ô tô mang BKS 15A.04511 đỗ bên đường, phát hiện tổ CSGT đang làm nhiệm vụ cách chiếc xe ô tô vài trăm mét, Trịnh đã điều khiển xe máy quay trở lại. Khi đi ngang chiếc ô tô, bất ngờ những người đàn ông ngồi trong xe mở cửa lao ra, vây bắt hai cậu học sinh.
Ba người đàn ông đuổi hai học sinh tại địa phận khu dân cư Quý Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn. Hai người đàn ông đã giữ được một cậu học sinh. Bất ngờ, người đàn ông thứ ba không đuổi được cậu học sinh thứ hai liền quay lại, lao đến đá thẳng vào mặt cậu học sinh đang được hai người đàn ông túm giữ. Sau khi lĩnh trọn cú đá vào mặt của người đàn ông thứ ba, cậu học sinh bị gục xuống như tàu lá.
Hạ gục cậu học sinh, người đàn ông chui vào chiếc xe ô tô BKS 15A. 04511 đỗ ngay bên đường. Lập tức xuất hiện người mặc sắc phục CSGT được một chiếc xe máy chạy ngược chiều chở đến ngay hiện trường vụ đánh nhau
Vài người dân quanh khu vực cho rằng những người đàn ông đi trên xe ô tô mang BKS 15A.04511 là “ong, ve” của lực lượng CSGT đang thực hiện bắn tốc độ.
Trả lời việc này, Công an Hải Phòng cho biết, nhóm CSGT đó đang "trưng dụng" chiếc xe ô tô nói trên để hóa trang bắn tốc độ. Thế nhưng, đám côn đồ đó thì họ chưa nhận là CSGT. Bởi nhận thì không đúng, mà không nhận là CSGT thì sao côn đồ lại ngồi làm việc với CSGT trong xe? Cộng đồng đang theo dõi vụ này xử lý ra sao.
Lẽ ra, theo logic thông thường, thì công an, cảnh sát và côn đồ là hai lực lượng đối lập với nhau như nước và lửa, nghĩa là có tao thì không còn mày. Bởi Công an, Cảnh sát luôn được giao nhiệm vụ là trấn áp tội phạm, bảo đảm bình yên cho cuộc sống người dân. Và người dân trả tiền để nuôi họ.
Thế nhưng, điều oái oăm là chyện Công an, Cảnh sát dùng côn đồ để thanh toán những người mà họ không ưa, không thích nhưng không tiện ra tay khi mặc cảnh phục đã được nói quá nhiều trên các mạng xã hội và báo chí.
Đó chỉ mới là chuyện cự cãi nhỏ nhặt hoặc phạm lỗi hành chính vẫn bị hai lực lượng này kết hợp "công tác" như vậy.
Với những người đấu tranh cho nền dân chủ, tự do của đất nước, cho lãnh thổ toàn vẹn và quyền được mở miệng của người dân, thì chuyện công an hóa trang thành côn đồ đánh đập, khủng bố và làm đủ trò đã trở thành một phương thức ứng xử trong "Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xưa nay.
 Xem ra, thời nay, Cảnh sát không có giá bằng côn đồ nên hay bị làm giả?
Cũng có thể đây là đặc tính riêng của một đất nước với một thể chế chính trị "ổn định, an ninh, là điểm đến"... mà ở đó người dân được hưởng cuộc sống hạnh phúc thứ nhì thế giới?
Hà Nội, ngày 19/4/2016
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment