Saturday, March 19, 2016

Về thông tin “có tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử”

Hòa Ái, phóng viên RFA 2016-03-18  
000_8T9SE
Ca sĩ Mai Khôi biểu diễn trong một buổi hòa nhạc ở TPHCM hôm 13/8/2015. Cô là một trong những người tự ứng cử đại biểu quốc hội kỳ này.  AFP photo
Truyền thông trong nước loan tin một thành viên Ban Giám sát thuộc Tiểu ban An ninh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tuyên bố có những tổ chức phản động đứng sau số người tự ra ứng ứng Đại biểu Quốc hội hóa 14. Các cử tri và những người quan tâm đến cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội VN lần này nói gì về thông tin vừa nêu?
Dư luận trong và ngoài nước nhìn nhận có tiến bộ trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 ở VN vì cho đến lúc này có nhiều ứng cử viên độc lập tự tin ghi danh ứng cử.
Các nhà quan sát giải thích mặc dù phong trào tự ứng cử là điều bình thường vì đó là quyền thiêng liêng của công dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam nhưng do các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội từ trước đến này theo hình thức mà cử tri cho là “đảng cử dân bầu” khiến dân chúng bất mãn vì theo họ kết quả bầu cử do Đảng CSVN lãnh đạo quyết định chứ không phải từ lá phiều bầu chọn của cử tri. Do vậy, động thái các ứng cử viên động lập ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 được cho là dấu hiệu tốt, cần được Nhà nước khuyến khích động viên, tạo điều kiện truyền bá thông tin rộng rãi đến cử tri để họ có thêm sự lựa chọn và quyết định những ứng cử viên mà họ tin tưởng là người xứng đáng đại diện cho họ.
Quyền tự do ứng cử của công dân được Hiến pháp quy định nên dựa theo pháp luật mà làm thôi.
- Một cử tri ở Hà Nội 
Đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này càng thu hút sự chú ý của những người quan tâm vì nhiều ứng cử viên độc lập qua các trang mạng xã hội chia sẻ họ gặp không ít trở ngại gây khó dễ từ cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình làm thủ tục để nộp hồ sơ ứng cử. Có những trường hợp người ra ứng cử tự do bị cán bộ cấp phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không chứng nhận sơ yếu lý lịch vì quy chụp là thành viên của tổ chức phản động dù không có bằng chứng.
Mới đây vào hôm 15 tháng 3, truyền thông trong nước loan tin một thành viên Ban Giám sát thuộc Tiểu ban An ninh của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho rằng có những tổ chức phản động đứng sau các ứng viên độc lập nên phải loại một số người khỏi danh sách ứng cử trong các lần hiệp thương tới. Một cử tri ở TP. Hà Nội nói với Đài ACTD sau khi nghe thông tin vừa nêu:
“Quyền tự do ứng cử của công dân được Hiến pháp quy định nên dựa theo pháp luật mà làm thôi. Còn nếu Nhà nước không tạo điều kiện cho người dân tự do ứng cử được và giả sử những thông tin ‘có tổ chức phản động đứng đằng sau đấy’ là sự thật thì chứng tỏ một điều là Nhà nước này thua tổ chức phản động ấy rồi. Tại vì Nhà nước này từ xưa đến nay chưa bao giờ đứng sau người dân, ủng hộ người dân, tạo điều kiện cho người dân tự do ứng cử cả mà chỉ là vật cản cho người dân. Có tổ chức nào giúp người dân, chẳng hạn như thế, nếu thông tin đó là sự thật thì tốt quá. Nhưng rõ ràng ‘phản động’ là gì, ai là phản động? thì người ta không thể định nghĩa rõ ra được, những thông tin đấy quá là mập mờ”.
Thế nào là phản động?
Trong khi Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ông chưa tìm ra được định nghĩa chính thức về "tổ chức phản động" hoặc thế nào là "phản động" trong các bản văn luật pháp hiện hành của Việt Nam, kể cả những bản án đã tuyên xử các vụ án chính trị cho đến nay thì nhiều người cho rằng từ “phản động” thường được các cơ quan chức năng sử dụng đối với những ai bày tỏ quan điểm không giống với chủ trương và đường lối lãnh đạo của Đảng CSVN.
Một số cử tri và những người quan tâm đến cuộc bầu cử Đài RFA tiếp xúc cho biết họ không lấy làm ngạc nhiên trước phát biểu của vị thành viên Ban Giám sát vì đã quen với các thông tin như vậy, hễ cứ ứng cử viên không phải là đảng viên Đảng CSVN thì hầu như thuộc thành phần không đáng tin cậy hay thậm chí thuộc thành phần “phản động”. Câu hỏi chung của những ai theo dõi sát sao cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 đều muốn gửi đến Chính phủ là “các nhà lãnh đạo VN sao không tự hỏi mình đã lãnh đạo thế nào mà khiến dân chúng biến thành ‘phản động’ nhiều đến vậy?”
Trước cáo buộc nói có các tổ chức phản động đứng sau những ứng cử viên độc lập, dư luận mấy ngày qua lên tiếng khiến tên tuổi của những người tự ứng cử càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một người Mỹ gốc Việt hồi hương quan tâm rất nhiều đến cuộc bầu cử, hiện cư ngụ tại Sài Gòn, chia sẻ rằng:
Nếu tôi được đi bầu kỳ này và trong danh sách ứng cử chắc chắn tôi sẽ chọn những người mà tôi nghĩ thật sự sẽ giúp ích cho dân.
- Một người Mỹ gốc Việt 
“Nếu tôi được đi bầu kỳ này và trong danh sách ứng cử chắc chắn tôi sẽ chọn những người mà tôi nghĩ thật sự sẽ giúp ích cho dân; như ông Nguyễn Quang A với lý do vì ông ta là người luôn luôn ủng hộ cho phong trào dân chủ, nhân quyền; như TS. Nguyễn Xuân Diện là người chăm lo về văn hóa của nước Việt; như Thầy giáo Đỗ Việt Khoa là người hết lòng cất lên tiếng nói để chống tình trạng tham nhũng tại VN”.
Qua tìm hiểu, Hòa Ái nhận thấy ý kiến của nhiều cử tri ở VN đều cho rằng có thể những gương mặt sáng giá trong danh sách các ứng cử viên độc lập sẽ không trở thành Đại biểu Quốc hội khóa 14 sau “Ngày bầu cử quốc gia” được dự kiến diễn ra vào ngày 22 tháng 5 tới đây, thế nhưng tinh thần chủ động thực hiện quyền công dân của các ứng cử viên độc lập tạo nên tiền lệ đáng phát huy.
Một diễn tiến được cho là tín hiệu tích cực kỳ này là tại thủ đô Hà Nội và tại Sài Gòn sau vòng hiệp thương thứ hai vào ngày 17 tháng 3 danh sách của tất cả các ứng viên gồm cả đề cử và tự ứng cử được công khai.

No comments:

Post a Comment