Saturday, March 19, 2016

‘Lãnh đạo ngân hàng dễ bị hình sự hóa’

Theo BBC-19 tháng 3 2016 

Image copyrightGetty
Image captionChuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói các lãnh đạo ngân hàng 'cần thay đổi tư duy quản trị'
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bình luận với BBC về chuyện ‘lãnh đạo ngân hàng dễ bị hình sự hóa’ nhân vụ cựu Tổng giám đốc GPBank bị bắt.
Báo Nhân Dân và một loạt các báo khác cùng đưa tin hôm 18/3, Phòng 10 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) cho biết, tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cùng ba đồng phạm.
Hành vi của ông Thắng bị cho là ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng’, các báo tường thuật.
GPBank là ngân hàng yếu kém bị rơi vào diện buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012 và bị Ngân hàng Nhà nước ra quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng hôm 7/7/2015.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành GPBank.

‘Thông lệ quốc tế’

Hôm 19/3, trả lời BBC, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: “Ông Thắng là một trong ba lãnh đạo ngân hàng bị bắt gần đây, cùng với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Ngân hàng Đại dương. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ là ông chưa bị kết tội trước khi tòa đưa ra phán quyết”.
“Có một thực tế là không ít lãnh đạo ngân hàng tại Việt Nam đang xem ngân hàng là công cụ tài chính cá nhân để đem lại lợi ích cho bản thân hoặc một số cổ đông, chứ không vì quyền lợi khách hàng”.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng cho biết: “Khi có thiệt hại xảy ra, các lãnh đạo ngân hàng rất dễ bị hình sự hóa. Thực tế là đã có những trường hợp ngân hàng mất vốn, không thu hồn được khoản vay là do khách hàng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kinh tế khó khăn…”
“Do vậy, cơ quan pháp luật cần phân định rõ những trường hợp nào lãnh đạo ngân hàng cần chịu trách nhiệm dân sự hay hình sự”.
Chuyên gia nhấn mạnh: “Từ những vụ bắt lãnh đạo ngân hàng gần đây, đã đến lúc giới lãnh đạo ngân hàng cần thay đổi tư duy quản trị theo hướng phục vụ quyền lợi người dân. Mặt khác, hội đồng quản trị tại các ngân hàng phải tổ chức lại theo thông lệ quốc tế, nghĩa là chỉ xây dựng chiến lược chứ không can thiệp vào việc điều hành, cho vay như lâu nay”.
“Mặt khác, cũng nên làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát các ngân hàng yếu kém. Nếu Ngân hàng Nhà nước không mạnh tay trong việc xử lý các ngân hàng có dấu hiệu mà để đến khi những ngân hàng này gây hậu quả lớn thì cũng phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý”, ông Hiếu nói thêm.

No comments:

Post a Comment