Theo VOA-17.01.2016
Đầu tháng 1, có một tin rung động cộng đồng du học sinh Úc: hơn 300 học sinh tại thành phố Sydney và Melbourne bị lừa vé máy bay 1 hoặc 2 chiều từ Úc về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán bởi một người tên Vi Tran. Số tiền mà Vi Tran lừa được tính đến thời điểm hiện tại lên tới 500 ngàn đô Úc (khoảng 8 tỉ quy theo tiền Việt). Ngồi ngẫm thì thấy phương thức lừa đão chẳng có gì tinh vi. Vi Tran có thể đã bỏ ra 1 số tiền vốn nhất định trong năm đầu, săn vé rẻ ở nhiều đại lý khác nhau và sẵn sàng bán lại với mức giá chịu lỗ từ 200 đến 300 đô mỗi vé để tạo uy tín. “Tiếng lành đồn xa”, tên tuổi của Vi Tran được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng du học sinh.
Năm nay, vẫn sẵn chiêu thức cũ, chỉ khác là chẳng có cái vé nào, Vi Tran ngay lập tức ẵm trọn mỗi người cả ngàn đô, không chỉ thu hồi vốn mà còn lãi đến gấp 3 4 lần. Tất cả giao dịch mua bán vé giữa Vi Tran và khách hàng chỉ thông qua duy nhất 1 tài khoản cá nhân trên facebook, mới hoạt động chỉ 1 năm trở lại đây. Khi khai báo điều tra, không một ai biết rõ mặt mũi, thông tin của Vi Tran, bằng chứng đưa ra chỉ là vài ba đoạn chat.
Năm nay, vẫn sẵn chiêu thức cũ, chỉ khác là chẳng có cái vé nào, Vi Tran ngay lập tức ẵm trọn mỗi người cả ngàn đô, không chỉ thu hồi vốn mà còn lãi đến gấp 3 4 lần. Tất cả giao dịch mua bán vé giữa Vi Tran và khách hàng chỉ thông qua duy nhất 1 tài khoản cá nhân trên facebook, mới hoạt động chỉ 1 năm trở lại đây. Khi khai báo điều tra, không một ai biết rõ mặt mũi, thông tin của Vi Tran, bằng chứng đưa ra chỉ là vài ba đoạn chat.
Việc mua vé về nhà dịp mỗi dịp đông hè không còn xa lạ đối với mỗi du học sinh. Nếu các bạn đã từng mua vé trên các trang web giá rẻ có uy tín thì ai cũng biết, không phải chỉ riêng đối với các chuyến bay quốc tế đường dài, các chuyến nội địa cũng luôn có một quy luật bất thành văn: trong 24 giờ đồng hồ vé sẽ được chuyển vào email hoặc địa chỉ của người mua. Thậm chí trong vòng 24 giờ đồng hồ đó có việc đột xuất xảy đến khiến lịch trình thay đổi hay chỉ đơn giản là bỗng dưng chẳng muốn đi nữa, khách hàng hoàn toàn có thể gọi điện hủy vé trong 24 giờ đó và tiền vé sẽ được hoàn lại trong vòng không quá 3 đến 4 ngày làm việc.
Nói thêm về vấn đề thanh toán qua thẻ, đối với các công ty dịch vụ trả qua thẻ, số tiền mà khách hàng phải trả thường bị “trừ giả”, tức là tưởng là bị trừ nhưng trên thực tế số tiền đó chỉ bị “đóng băng”, kiểm tra tài khoản thì đã thấy tiền bị trừ nhưng bên bán vé cũng chưa hề nhận được tiền của khách hàng trong một thời gian nhất định, trong khoảng 2 tuần. Thế nên trong trường hợp có kẻ lừa lọc muốn cuỗm tiền thì cũng vô cùng khó khăn. Chỉ cần sau 1 đến 2 ngày người mua thấy khả nghi là có thể kiện cáo ngay. Khi tôi ở Mỹ thường mua vé trên các trang giá rẻ khá uy tín như Kayak, Studentuniverse hay Kingvacation, có vé trên tay vẫn phải kiếm tra lại mã số vé với chính hãng máy bay mà mình đi.
Nếu để ý, có thể thấy người Việt hầu hết chưa có kỹ năng về “critical thinking”. Định nghĩa nôm na về “critical thinking” đó là tư duy phê phán, phân tích tình huống một cách đa chiều để có cách nhìn nhận vấn đề cặn kẽ, kỹ càng. Tư duy này thường không dựa trên tiêu chuẩn đúng sai, mà thiên về sự khách quan. Có thể các bạn du học sinh sẽ nghe thấy cụm từ này nhiều khi học hoặc viết luận văn ở trường lớp. Trong hầu hết các lớp học, có nhiều giờ giáo sư không giảng bài mà thay vào đó là đưa một số vấn đề cho học sinh thảo luận với nhau rồi lên trình bày. Đó là lúc họ muốn luyện tập cho học sinh cách suy nghĩ vấn đề theo nhiều hướng. Ý kiến nào được nêu ra cũng được gật gù cho là “good idea” hết trơn. Tôi đưa ví dụ đơn giản thế này, hồi còn học cấp 1 cấp 2, đa số học sinh đều phải làm các bài tập làm văn tả bố, mẹ, ông bà, hoặc cây cối, hoa lá trong vườn. Nâng cao quan điểm lên, chúng ta học cách nói về tình mẫu tử và tình thương yêu động vật, thực vật quanh mình.
Nếu một học sinh có một người mẹ nhìn chung là không được tốt đẹp lắm, đi đêm về hôm, uống rượu hút thuốc, không chăm lo con cái cẩn thận… Trong một bài văn tả mẹ, cậu bảo cậu chẳng cần có mẹ trên đời, mẹ cậu vô dụng và đối với cậu tình mẫu tử là cực kỳ vô nghĩa. Bài văn đó bị điểm kém là điều chắc chắn. Hầu hết chúng ta nhìn nhận các vấn đề theo “common sense”, nói về mẹ là tình mẫu tử, nói về cha là sự bao bọc chở che… Các bài văn nghị luận vô hình chung chỉ khác về mặt từ ngữ câu cú, còn ý kiến thì đều được chỉnh sửa như đúc từ một khuôn. Từ đó, hầu hết học sinh lớn lên cũng mất đi khả năng phân tích tình huống đa chiều. Chỉ dựa vào một lời nói, một lời đồn đại là có thể kết luận và hành động.
Cứ nhìn các cách các bạn trẻ chia sẻ bài viết từ các trang tin về một vấn đề y tế, khoa học một cách bừa bãi không nghiên cứu, không suy nghĩ là có thể thấy rõ hiện trạng này. Nếu theo dõi tin tức gần đây tại Việt Nam, từ khóa vacxin Quinvaxem được quan tâm nhiều nhất. Loại vacxin này đang trở nên nguy hiểm gây chết người tại Việt Nam bởi năm 2013 có ca tử vong do tiêm nhầm thuốc tạo làn sóng bức xúc. Sau khi nghiên cứu chán chê, dù WHO đã kết luận các ca tử vong trên không liên quan đến Quinvaxem, nhưng do báo chí khai thác mãnh liệt cộng thêm giật tít liên hồi, chưa kể các bài chia sẻ đau thương trên mạng xã hội khiến các bà mẹ Việt hoang mang không dám màng gì đến Quinvaxem nữa. Họ đổ xô đi kiếm Pentaxim, được bộ Y tế cho phép nhập với lượng thuốc có hạn và mức giá cắt cổ. Ngày 25/12, hàng trăm người đổ xô đến chen lấn tại một điểm tiêm Pentaxim tại Hà Nội dẫn đến tình trạng hỗn loạn chưa từng có.
Phải nói thêm rằng Quinvaxem đã được WHO phê duyệt an toàn năm 2006 và 400 triệu liều thuốc đã được sản xuất và sử dụng tại 90 nước trên toàn thế giới. Sau vụ việc năm 2013, WHO đã có nguyên một bài viết nghiên cứu về 21 trường hợp nguy kịch sau khi tiêm vacxin Quinvaxem và khẳng định thêm một lần nữa đây là loại vacxin cực kỳ an toàn. Tuy nhiên, vì khó hiểu quá nên chắc là chẳng có ai rảnh hơi ngồi đọc, vậy nên Quinvaxem vẫn bị “dè bỉu” không thương tiếc.
Bị lừa vé máy bay, bị lừa tiền trong các “phi vụ” kinh doanh đa cấp… đó chỉ là một vài hệ lụy nhỏ bởi lối suy nghĩ một chiều, không dựa trên bất cứ cơ sở chắc chắn nào. Nhưng điều quan trọng hơn hết là chúng ta thường đổ tội cho một đối tượng hay tác động ngoại cảnh mà không chịu tự nhìn nhận ra vấn đề đó một cách thẳng thắn. Nghĩ cho cùng, cách tư duy đa chiều cũng cần được học hỏi và rèn luyện, trong khi đó lại là một kỹ năng vô hình mà học sinh không hề được dạy, đó là điều đáng tiếc của nền giáo dục Việt Nam.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment