Theo VOA-17.01.2016
Hội nghị Trung ương 14 đã kết thúc. Diễn văn khai mạc và bế mạc hội nghị nói nhiều đến Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng đây chỉ là kiểu đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước. Thật ra chỉ có một vấn đề duy nhất: đây là trận sống mái cuối cùng giữa hai phe nhóm để tranh giành nhau 4 chiếc ghế quyền lực cao nhất, được gọi là 'tứ trụ triều đình', như của Nhà nước phong kiến cổ xưa.
Khi đảng CS đang ở thời kỳ tan rã theo quy luật tự nhiên và xã hội, cuộc tranh ăn cuối cùng đã tỏ ra cực kỳ gay gắt vì các bô lão cầm quyền cảm thấy thời gian của họ không còn có nhiều, phải giữ ghế đến cùng để tận lực vơ vét trước khi thuyền đắm, may có thể trôi nổi vào bờ để sống sót.
Đã có một hình ảnh trào lộng. Nhà nước CS trong cơn thở hắt ra, được đặt tên là «Nước Cộng hòa Dân chủ Bô Lão», với lá cờ đỏ trên đó in 10 chữ C - viết tắt của 10 chữ «Các Cụ Cùng Con Cháu Chắt Các Cụ Cả», nói lên một chế độ già nua, đại gia đình trị của những phe nhóm vừa kình định vừa liên kết với nhau.
Trở về với Hội nghị Trung ương lầ thứ 14, Khóa XI, trong 3 ngày 11, 12 và 13/1 vừa qua, tiếp theo các Hội nghị Trung ương 12 và 13, chỉ là để chia nhau gần 200 ghế trong Ban Chấp hành Trung ương BCHTƯ và 16 ghế trong Bộ Chính Trị, và mấy ghế của Ban Bí thư cho Khóa XII.
Đây thực chất là một kiểu đảo chính tiền Đại hội, không nổ súng, chưa từng có trong 11 đại hội trước đây, vi phạm trắng trợn Điều lệ của đảng CSVN, vi phạm chế độ dân chủ tập trung, là một cuộc tiếm quyền của BCHTƯ Khóa XI đối với quyền hạn của Đại hội XII chưa nhóm họp, nhằm áp đặt «tứ trụ» do Khóa XI bầu bán xong xuôi cho Đại Hội XII từ khi nó chưa họp.
Thật ra, tất cả nội dung Báo cáo Chính trị trong đó có Cương lĩnh, học thuyết, chính sách, đường lối chính trị, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng cũng như toàn bộ nhân sự lãnh đạo phải do 1510 đại biểu hoàn toàn tự do quyết định, không cần có sự can thiệp dẫn dắt của ai hết. Mọi sự phải được quyết định kể từ sáng 20/1, khi khai mạc Đại Hội XII. Mọi ý kiến, nghị quyết, báo cáo của ban lãnh đạo cũ chỉ mang tính chất gợi ý, đề nghị đại hội mới xem xét và tự đại hội mới quyết định. Thậm chí Đại hội XII có toàn quyền bác bỏ học thuyết Mác- Lê, bác bỏ nền chuyên chính vô sản, từ bỏ chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít, từ bỏ tên đảng Cộng sản để lấy một tên khác, từ bỏ nguyên tắc «ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân» để trả lại quyền sở hữu cố hữu cho nông dân, từ bỏ phương châm «quốc doanh là chủ đạo» để mọi hình thức sở hữu cạnh tranh bình đẳng, như ở bao nhiêu nước văn minh, giàu mạnh và dân chủ.
Về vấn đề nhân sự cũng vậy. Đại hội XII có toàn quyền bầu ra Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu do chính mình lựa chọn, không bó buộc phải thừa nhận danh sách do Bộ Chính trị cũ đề cử. Đó mới thật là tinh thần trách nhiệm cao, là đổi mới, là dân chủ trong đại hội. Trong bầu cử BCHTƯ mới, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Kiểm tra Trung ương mới cũng vậy, Đại hội XII có quyền khởi đầu từ một mặt bằng phẳng trắng , từ danh sách các ứng cử viên tự do, các ứng viên được Đại hội giới thiệu, rồi bỏ phiếu kín theo đa số tuyệt đối hay đa số tuơng đối do tự mình lự chọn và quyết định, không chịu ràng buộc bởi bất cứ ai khác. Tất cả các trò bầu bán ở các Hội nghị Trung ương 12, 13, 14 của Khóa XI đều không có giá trị bắt buộc nào.
Do vậy cho nên bộ tứ trụ Triều đình được loan truyền ầm ỹ là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân... không có chút giá trị chính thức nào. Nó là con đẻ của mưu đồ của TBT Nguyễn Phú Trọng muốn ở lại nắm quyền lực cao nhất của chế độ trong 5 năm nữa, hay chí ít là 2 hoặc 1 năm nữa, cùng tay chân thân tín nhất là Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh trong Bộ Chính trị, để khuynh loát các Hội nghị Trung ương suốt 2 năm nay. Đây có thể coi là 3 nhân vật kém khả năng, háo danh, tham quyền cố vị nhất trong số 16 ủy viên của Bộ Chính trị.
Nguyễn Phú Trọng đã biểu diễn tất cả sự mụ mẫm về chính trị khi sang Cuba giảng thuyết suốt 2 giờ về lý luận Mác-xít và chủ nghĩa Cộng sản khi 2 anh em nhà Castro đã thú nhận sự thất bại của mô hình cộng sản, bị báo chí Cuba từ chối đưa tin, và sáng hôm sau bị Tổng thống Brazil từ chối đón tiếp. Tô Huy Rứa là Trưởng Ban tổ chức mà việc đầu tiên khi nhận chức là đưa cô con gái cưng 26 tuổi vừa học xong về báo chí làm Trưởng ban quản trị một Đại công ty về xây dựng. Còn Đinh Thế Huynh trên cương vị Trưởng Ban tuyên giáo, vớ được chức Phó tổng biên tập báo Nhân Dân mà chưa hề viết một bài báo nào có thể đọc được, lại vớ bở chức Chủ tịch Hội Nhà Báo. ĐinhThế Huynh bị cả làng báo chí lề phải cũng như lề phê phán về câu khẳng định «ở VN sẽ không bao giờ có đa đảng».
Nhóm âm mưu trong Bộ Chính trị trên đây đã làm xong một cuộc đảo chính cung đình ở thời kỳ tiền Đại hội, tự tin rằng sẽ tiếp tục chiếm lĩnh quyền lực tuyệt đối trong 5 năm nữa.
Cánh Nguyễn Tấn Dũng bị thua đau nhưng chưa bỏ cuộc. Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều mưu mô thâm độc. Từng suýt bị kỷ luật, Nguyễn Tấn Dũng đã trổ tài thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc nhờ đa số ủy viên Trung ương bênh vực. Ngay khi Hội nghị Trung ương 14 kết thúc, cánh Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố «cuộc cờ chưa tàn», rằng «Anh Ba rồi sẽ thắng, nhóm anh Ba sẽ ‘lật kèo’ ngoạn mục cho mà xem, nhóm giáo điều cơ hội cực đoan ắt phải thua khi tranh luận công khai.
Phát biểu trong cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Nghị quyết Bộ Chính trị về đề cử tứ trụ là vi phạm điều lệ ; trường hợp «đặc biệt» là gì không có trong điều lệ đảng ; đòi Tổng Bí thư phải là người miền Bắc là phá hoại đoàn kết, gây chia rẽ…Cho nên rất có thể sau khi đại hội khai mạc, cánh Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên tiếng, vạch rõ những mưu đồ thâm hiểm, vi phạm nguyên tắc tổ chức, chà đạp Điều lệ đảng, đề nghị phá bàn cờ cũ, làm lại từ đầu theo đúng quyền hạn là cơ quan lãnh đạo cao nhất, không ai có quyền can thiệp. Chưa rõ đến lúc ấy ý kiến của 1510 đại biểu tham dự đại hội sẽ ra sao, vì 1510 người này chưa họp nên «nhóm Lú» chưa biết sẽ nắm được đa số hay không.
Khá năng tốt nhất là sẽ có nhóm đại biểu trẻ, không theo «nhóm Lú» cũng như «nhóm X» đứng ra yêu cầu đại hội làm việc từ đầu, thảo luận kỹ về mô hình, hệ thống, học thuyết, đổi mới chế độ lãnh đạo và cầm quyền, sau đó bầu ra ban lãnh đạo mới do đại hội toàn quyền ứng cử, đề cử và bỏ phiếu tự do, không có một sức ép nào hết.
Đại hội sẽ xem xét kỹ để chọn một dàn nhân tài mới, trẻ, khỏe về tư duy, chí công vô tư, trong sạch minh bạch, có tầm chính trị của thời đại để hòa nhập với thế giới văn minh, dân chủ. Một số người trong ban lãnh đạo cũ có thể được tín nhiệm lại, cùng với một dàn lãnh đạo mới, BCHTƯ mới, Bộ Chính trị mới, Ban Bí thư Trung ương mới, Ban Kiểm tra Trung ương mới, để đi đến cuộc bầu cử Quốc hội mới, mà Chủ tịch Quốc Hội không phải do Đại hội đảng quyết định trước mà phải do chính Quốc hội mới bầu ra, cùng với việc cử ra Chủ tịch Nước mới, vào tháng 5/2016.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment