Monday, January 25, 2016

Sự quan tâm của người dân với Đại hội đảng - phần 2

 Chân Như, phóng viên RFA 2016-01-24  
daihoi-cn-630
Các nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền nhà nước Việt Nam tại Đại hội đảng XII  AFP PHOTO
Chân Như trò chuyện cùng Trường Sơn, Anh Tuấn và Minh Hiển về cuộc bầu cử Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.
Chân Như: Chào quý thính giả và chào ba bạn Trường Sơn, Anh Tuấn và Minh Hiển. Trong kỳ trước các bạn đã chia sẻ sự khác biệt về nhận thức của người dân ở từng vùng về đảng và nhà nước, cũng như sự đánh giá về cách thức và các bài viết có liên quan đến đại hội kỳ này. Chúng ta cùng tiếp tục chia sẻ về đề tài liên quan đến Đại hội đảng nhé.
Trên internet xuất hiện khá nhiều các trang blog tấn công đích danh các quan chức cấp cao như ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng… cùng những tin đồn như “đảo chính”, và nhiều thông tin khó kiểm chứng trước khi bắt đầu đại hội. Các bạn nhận định thế nào về việc này ?
Minh Hiển: Tất nhiên khi loại bỏ đại bộ phận người dân ra khỏi bữa tiệc này thì họ cũng cần đảm bảo một kịch bản nào ấy có hợp lý, cho dư luận vì sau này người cầm quyền người ta sẽ bảo họ trong sạch, có công trong một vấn đề gì đấy, đã diệt trừ được tham nhũng. Thế nên tất cả đống bùng nhùng của dư luận cho đến ngày hôm nay em nghĩ là nó nhằm mục đích dọn đường cho đấu đá, và dọn đường cho nhau trong kết quả cuối cùng sắp tới cũng được an bài sớm cho nội bộ của họ thôi.
Sự phát triển về kinh tế đời sống xã hội cũng như về mặt nguồn thông tin đã khiến cho người dân trở nên dễ dàng hơn trước việc bày tỏ chính kiến cũng như tiếp nhận những luồng thông tin nhiều chiều so vì một chiều trước đây.
Trường Sơn: Em cho rằng những thông tin như thế đến từ hai nguồn. Thứ nhất nguồn nội bộ trong đảng, ông này dìm ông kia. Bản thân em đánh giá cái này cũng có bởi vì những thông tin họ đưa ra không dân thường nào có được chi tiết hình ảnh và thống kê như vậy; chắc chắn dân thường không thể nào có được loại tin như thế. Tuy nhiên, cũng có nhiều thông tin em nghĩ rằng do những cá nhân hay hội nhóm tổ chức nào đó người ta cũng đối địch với đảng cầm quyền nên họ hình thành nên kênh truyền thông cho riêng mình. Họ cũng cố gắng hạ bệ ông này, hạ bệ ông kia với mục đích của họ là làm sao mà cứ nói xấu tất cả những người mà họ cho rằng có thể là ứng viên sắp tới. Em tin rằng những thông tin chi tiết về những nhân vật như ông Sang, Phúc, Trọng như thế thì em thiên nhiều hơn đó là nội bộ đấu đá lẫn nhau. Thế nhưng em nghĩ nó không tác dụng nhiều lắm đối với kết quả của đại hội đâu bởi vì người ta trưng ra như vậy là để cho dân biết thế. Như anh Hiển nói, em cũng rất đồng tình: người dân chúng ta đang ở trong cương vị đứng ngoài, chúng ta chỉ là khán giả thôi; chúng ta không được dự phần trong quyết định ai sẽ được giữ trọng trách này, trọng trách kia. Như vậy thì việc này chỉ là chơi bẩn, bêu xấu nhau trước mặt người dân thôi. Em tin rằng nó không ảnh hưởng lắm đến kết quả. Kết quả thật phải là kết quả dựa vào thực lực của ông này ông nọ trong nội bộ đảng chứ ngày nay, chuyện hình ảnh các ông thì em thấy ông nào cũng nát như nhau trong mắt dân thôi.
Anh Tuấn: Em cũng nghĩ là cái hình ảnh giới chóp bu chính trị hiện tại trong mắt người dân khá xấu. Tuy nhiên, mức độ xấu của mỗi ông có thể sẽ khác nhau đôi chút từ những phát biểu của mỗi người hoặc là từ những nguồn thông tin riêng của mỗi người, chẳng hạn như vậy. Nhìn chung em thấy có một tâm lý chán chường vào đảng cẩm quyền này. Tuy nhiên, một mặt khác chưa biết là làm sao để có thể đạt được điều tốt hơn cho xã hội. Đa phần em thấy có tâm trạng đó vì thế khi họ có tâm trạng chán chường thì họ hay chuyển sang là không quan tâm. Họ có thể  đọc những bài viết đánh đấm chính trị như là thứ để giải trí hơn là tìm ở đó ra những chi tiết gì mà có lợi cho đời sống cá nhân của họ hoặc cho xã hội, đất nước.
Chân Như: Với kỳ Đại hội đảng này, nhiều các trang báo chính thống hoặc lề trái đều cho rằng hơn bao giờ hết Việt Nam cần một người lãnh đạo phải có tâm có tầm có chiến lược để đưa đất nước thoát ra khỏi sự kìm kẹp hiện nay. Đặc biệt, có vẻ người dân cũng đang hy vọng sau kỳ đại hội này sẽ có nhiều thay đổi cho đất nước, còn các bạn các bạn có những kỳ vọng gì về kết quả của Đại hội Toàn quốc Đảng cộng sản lần này?
Anh Tuấn: Em nghĩ sự kỳ vọng của người dân thì kỳ đại hội nào cũng có bởi vì xã hội thì cũng nhiều bết bát. Hơn nữa, tình hình bây giờ họ thấy, thứ nhất kinh tế đi xuống và thứ hai o ép của Trung Quốc, những diễn biến ở Biển Đông ngày một căng thẳng hơn nên người nào cũng mong muốn hết. Tuy nhiên, giữa mong muốn với thực tế hiện tại, theo em thấy, còn khoảng cách rộng lắm. Do cũng quan sát tình hình chính trị Việt Nam thời gian vừa qua em thấy có hai xu hướng sau. Thứ nhất trong các câu hỏi anh hỏi về chuyện dự đoán kết quả, thì em thấy là nếu mình nói một cách thực tế thì chính trị Việt Nam thời gian vừa qua có hai thúc bách sau, thứ nhất xu hướng tản quyền về các địa phương ngày một đậm nét hơn. Nếu như trước đây thời kinh tế kết hóa tập trung, quan liêu bao cấp bởi vì nhu cầu làm kế hoạch rồi nhu cầu toàn trị trong đời sống xã hội nó đòi hỏi tất cả quyền lực dồn về cho trung ương. Và ở đây khi nói trung ương, mình nói đến các ban bệ của phía đảng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam mở cửa thì bắt đầu có những nhu cầu như là phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài, những chính sách rất cụ thể gọi là khuyến khích các địa phương cạnh tranh với nhau cả về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như phân bổ những việc thu chi ngân sách thì dần quyền lực được tản về các địa phương. Đó là lý do vì sao trong ban chấp hành trung ương đảng số lượng thành viên đến từ các địa phương rất đông đảo. Họ đại diện cho thế lực địa phương, do đó em nghĩ là đến chừng nào mà thế lực địa phương còn nắm quyền ở trung ương đảng thì phía chính phủ hiện tại đang có những đấu đá giữa một bên đại diện cho lợi ích xưa cũ là lợi ích của đảng và của văn phòng trung ương đảng... với một bên lợi ích mới nổi là lợi ích bên chính phủ.
daihoi-cn
“Sẽ có một xu hướng tản quyền về cho các địa phương và để đảm bảo được điều đó thì phải có cơ cấu lại từ phía trung ương.”
Trước đây thời kết hóa tập trung, quan liêu bao cấp bên chính phủ không mấy quyền lực mà tất cả là bên ban bệ của đảng nắm hết bởi vì hệ thống của mình là song trùng trực phục, bên đảng bên chính quyền. Khi kinh tế mở cửa thì quyền lực bây giờ chuyển dần sang bên chính phủ, và văn phòng chính phủ dần có nhiều quyền lực hơn. Do vậy bây giờ có nhiều quyền lực trong việc cấp phép tài chính cho địa phương mà các địa phương thì lại nắm nhiều quyền hành bởi vì là nơi trực tiếp thu hút FDI vốn đầu tư nước ngoài cũng như nơi trực tiếp thu chi các khoản ngân sách cho nhà nước. Em nghĩ các địa phương khống chế ban chấp hành trung ương đảng và như vậy họ sẽ có xu hướng bầu chọn phía sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho họ hơn là cho phía chỉ đơn thuần là giữ được sự lãnh đạo của đạo đảng và đi theo những hướng kinh tế nhà nước là chủ đạo hoặc là những thứ lý luận mình tạm gọi là lạc hậu và lỗi thời. Xu hướng thứ hai em thấy được trong khoảng thời gian vừa qua nhất là trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với hệ thống chính trị Việt Nam có tình cảnh “tiền hậu bất nhất”. Nó không nhất quán với nhau tức là có khi cùng một vấn đề xảy ra nhưng khi ông Thủ tướng Việt Nam ở Manila Philippine thì phát biểu một cách rất cứng rắn trong khi ông bộ trưởng bộ quốc phòng qua bên Singapore lại phát biểu một cách rất mềm dẻo. Như vậy nó dẫn tới tình trạng tê liệt hóa của bộ máy. Có lẽ tình trạng này đang đặt ra nhu cầu là phải có một nhân vật quyền lực hơn chứ còn xu thế phân quyền, về mặt hành pháp thì hiện tại đang khiến cho guồng máy quốc gia khi chạy vướng chỗ này chỗ kia bởi vì không có sự nhất quán. Do đó nhu cầu thứ hai mà em nghĩ đại hội này cũng sẽ phải đặt ra đó là nhu cầu xây dựng được một nhân vật hành pháp có được nhiều quyền lực hơn. Từ hai xu hướng đó, nếu nói dự đoán gì thì em nghĩ là chắc những người bên phe quyền lực về tiền bạc và tài chánh là bên chính phủ họ sẽ nắm lợi thế và có thể người ta sẽ có rất nhiều quyền hành kể từ sau đại hội trở đi. Khi đó mới giải quyết được hai nhu cầu do hai xu hướng chính trị đặt ra. Đó là một số nhận định của em.
Minh Hiển: Thật ra em cũng có rất nhiều kỳ vọng. Thứ nhất, em mong muốn bây giờ các vấn đề về ý thức hệ dần dần trở nên sáo rỗng sáo điều rồi thì ngay trong bản thân họ phải bỏ tất cả những cái đó đi. Đại bộ phận người dân người ta cũng không tin vào những điều sáo rỗng ấy đâu nhưng bởi vì trên cao họ vẫn dùng để kìm kẹp bó hẹp về tư tưởng. Em kỳ vọng sau kỳ họp này thì họ sẽ bỏ và tất nhiên, chỉ là kỳ vọng của mình thôi. Thứ hai, cũng như bạn Tuấn vừa nói, em thiên về tiên đoán sẽ có một xu hướng tản quyền về cho các địa phương và để đảm bảo được điều đó thì phải có cơ cấu lại từ phía trung ương. Để được tản quyền thì phải có người tập trung quyền lực thì lúc ấy mới đảm bảo được cho các địa phương có được quyền lực nhất định hơn là phụ thuộc vào khối trung ương. Tất nhiên, đấy là những kỳ vọng của mình thôi. Người dân của mình, như em nói ở trên, đó là luôn luôn đứng ngoài trong những việc này, thế  nên, dù kết quả thế nào đi chăng nữa mình cũng không nên quá ngạc nhiên hoặc cũng không quá thất vọng. Đấy là ý kiến của em.
Bây giờ trong bối cảnh hội nhập, em nghĩ xu hướng đồng tiền ngày càng lên ngôi nhiều hơn. Ông nào có thế lực về tiền bạc sẽ có thế lực về chính trị lớn hơn, chắc chắn là như vậy.  Vậy theo em xu hướng cho kỳ đại hội tới ông nào có nguồn lực tài chính cũng như là vây cánh mạnh hơn thì ông ấy sẽ thắng.
Trường Sơn: Trước hết em nói một chút về đại hội đảng này. Người dân, tất nhiên, càng ngày càng quan tâm hơn. Em nghĩ sự quan tâm của người dân tăng lên thì áp lực đối với giới lãnh đạo cũng có chứ không phải không (chứ không bao giờ có chuyện cả triệu người quan tâm mà ông tỏ ra bàng quang). Sự phát triển về kinh tế đời sống xã hội cũng như về mặt nguồn thông tin đã khiến cho người dân trở nên dễ dàng hơn trước việc bày tỏ chính kiến cũng như tiếp nhận những luồng thông tin nhiều chiều so với một chiều trước đây. Người dân càng ngày tỏ ra quan tâm hơn bởi vì chắc chắn rằng khi người ta đã thấy rõ ràng có những vụ ảnh hưởng rất lớn trước hết đến bản thân người ta, tình hình kinh tế và tiếp theo là tình hình đất nước, sự gây hấn của Trung Quốc. Vì những lý do đó người dân càng quan tâm đến chính trị hơn. Khi người dân càng tỏ ra quan tâm hơn thì giới chóp bu càng phải có những động thái khác đi so với trước kia. Còn kỳ vọng của em cho kỳ đại hội này thì “ kỳ vọng lúc nào cũng là kỳ vọng”. Em mong họ sẽ có những bước đi nhằm thay đổi đất nước theo chiều hướng tốt hơn, thế nhưng dựa vào thực tế thì vẫn còn viễn vông.  Dựa trên thực tế em thấy rằng trước đây khi đất nước chúng ta vẫn còn giáo điều trong tình trạng cấm vận thì đồng tiền không được lên ngôi mà ý thức hệ và quan điểm lên ngôi. Bây giờ trong bối cảnh hội nhập, em nghĩ xu hướng đồng tiền ngày càng lên ngôi nhiều hơn. Ông nào có thế lực về tiền bạc sẽ có thế lực về chính trị lớn hơn, chắc chắn là như vậy. Vậy theo em xu hướng cho kỳ đại hội tới ông nào có nguồn lực tài chính cũng như là vây cánh mạnh hơn thì ông ấy sẽ thắng. Còn việc sau khi thắng, ông ta sẽ làm gì thì em không có bất kỳ một dự đoán nào bởi vì chính trị Việt Nam rất là khó đoán. Tất cả mọi thứ đều có một lớp sương bao phủ, và người dân không nhìn thấy gì hết.  Trong một nền chính trị thiếu lành mạnh và kém minh bạch như thế này thì mọi sự dự đoán nó chỉ là cho vui thôi. Chỉ khi nào chúng ta được biết thông tin ít ra là được tiếp cận với những thông tin sát hơn thực tế hơn thì chúng ta mới đưa ra được dự đoán. Đó là ý kiến của em.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Anh Tuấn, Minh Hiển và Trường Sơn đã dành cho chương trình tuần này.

No comments:

Post a Comment