Monday, January 25, 2016

Đại hội đảng - Cả hai chọn lựa đều là thuốc độc

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-01-25  
000_Hkg10248004-622
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 21/1. AFP
Đảng cộng sản Việt Nam đang họp đại hội. Những lời đồn đãi, suy đoán về chuyện các phe phái đấu đá nhau trong nội bộ đảng vẫn chưa kết thúc, nhưng dường như số đông đã nghiêng về một kịch bản mà trong đó đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thất bại, và ông Tổng bí thư đương nhiệm sẽ tái đắc cử.
Một bài viết trên trang dân luận cho rằng phe của ông Nguyễn Tấn Dũng đại diện cho những nhóm lợi ích, còn phe của ông Nguyễn Phú Trọng đại diện cho những người muốn duy trì ý thức hệ. Tác giả cho rằng “Lâu nay cả 2 nhóm đều nương nhau thống trị đất nước và đều tin rằng cứ đúng chí hướng định hướng thì Việt Nam sẽ phát triển. Phát triển trong kỹ xảo lợi dụng sự hy sinh và kém hiểu biết của nhân dân. Nhưng sự tham lam vô độ của nhóm lợi ích đã phá sản chiến lược này.
Cần phải có một Tổng Bí thư có thể đáp ứng được tình hình cấp bách. Với những gì nhân dân biết được về ông Nguyễn Phú Trọng, thì con người này không đáp ứng được yêu cầu đó.
-Phạm Văn Thọ
Cũng theo tác giả này thì mặc dù Ông Dũng là một tài phiệt. Ông cũng là một nhà chính trị thứ gộc nhưng chỉ trong chính trường Việt Nam. Ông khuynh đảo được kinh tế và các nhóm lợi ích Việt Nam nhưng trong ván cờ bên trên Việt Nam ông không được lựa chọn. Ông mải mê với các nhóm lợi ích quá mà quên mất ván cờ lớn cần phải chơi.”
Ván cờ mà tác giả đề cập là quan hệ giữa các cường quốc lớn, và vì thế mà Việt Nam phải nằm trong vòng cương tỏa của Trung quốc, và ông Dũng phải thất bại.
Khi trình bày vấn đề như vậy, dường như tác giả đã ngầm cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng phù hợp với lợi ích của Trung quốc hơn trong bàn cờ lớn.
Cùng có quan điểm này là blogger Người Buôn Gió, khi cho rằng ông Trọng không bao giờ nặng lời làm phật lòng Trung quốc.
Và thế là các blogger so sánh hai ông Dũng và Trọng.

Ông Dũng hay hơn ông Trọng?

Điểm lại lịch sử của đảng cộng sản trong vài chục năm gần đây, Người Buôn gió cho rằng chính ông Dũng là người làm cho hoạt động chính trị của đảng cộng sản trở nên dân chủ hơn, từ chổ chỉ có một nhóm người trong bộ chính trị nắm quyền lực, đã đi đến chổ một bộ phận đông đúc hơn là Trung ương đảng có tiếng nói mạnh hơn, và có thể sẽ là đại hội đảng tới hơn 1500 người có quyền quyết định.
000_Hkg10248026-622.jpg
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm khai mạc 21/1 tại Hà Nội.
Người Buôn Gió, cũng chỉ trích ông Trọng rằng ông đã không từ một thủ đoạn nào để cô lập ông Dũng, thậm chí ông cũng đã mua chuộc lực lượng vũ trang để đe dọa đại hội đảng. Còn tác giả Võ Trọng Việt viết trên trang Ba Sàm rằng ông Trọng đã mưu mô tạo ra quyết định 244 để chặt hết vây cánh của ông Dũng.
Trong luồng ý kiến này, còn có những bức thư được cho là từ những đảng viên cộng sản gửi cho các trang mạng bênh vực ông Dũng. Một trong những ý kiến đó là của một tác giả ký tên là Phạm Văn Thọ. Ông Thọ nói rằng ông ghi nhận ý kiến của nhân dân và đảng viên cho rằng nước Việt Nam hiện đang đương đầu với rất nhiều khó khăn, và Việt Nam “cần phải có một Tổng Bí thư có thể đáp ứng được tình hình cấp bách nói trên. Với những gì nhân dân biết được về ông Nguyễn Phú Trọng, thì con người này không đáp ứng được yêu cầu đó.”
Ngoài ra theo blogger Người Buôn Gió thì với sự thắng thế của ông Trọng, với khẩu hiệu của đại hội đảng lần này là xây dựng đảng, giống như chuyên môn của ông Trọng, thì việc này cho thấy quyết tâm đưa ĐCSVN “về thời kỳ bao cấp, thời kỳ cải cách ruộng đất. Đó là thời kỳ mà những người cộng sản trong sạch hơn nhất so với các thời kỳ sau này.”
Và dĩ nhiên đó là thời kỳ mà nước Việt Nam rất lạc hậu và nghèo nàn.

Ông Trọng hay hơn ông Dũng?

Một nhóm ý kiến khác cho rằng ông Trọng hay hơn ông Dũng.
Blogger Nguyễn Thị Từ Huy có lẽ là blogger viết công phu nhất trong số những cây bút quan sát tình tình chính trị Việt Nam trong thời gian có sự thay đổi quyền lực của đảng cộng sản. Với một loạt bài nhiều kỳ mang tựa đề Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không, bà phân tích nhiều diễn biến liên quan đến thái độ của đảng cộng sản, của các nhân vật lãnh đạo cộng sản trong thời gian hơn 10 năm nay, để rút ra những kết luận mới, trong đó có cả những điều khác với nhận xét của chính bà trước đây.
Kết luận quan trọng nhất là khi bà so sánh hai nhân vật Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng trong mối tương quan Việt Nam Trung quốc thì bà cho rằng Nguyễn Phú Trọng là người mà Trung quốc khó chi phối hơn vì ông là người không tham nhũng. Mặc khác bà còn cho rằng ông Trọng là người thành thật hơn các vị khác, thành thật với cả niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản của ông.
000_Hkg10248042-400.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 ở Hà Nội 21/1/2016. AFP PHOTO.
Ngoài ra tuy không nói đến tên ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng bà Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng những người có trách nhiệm điều hành kinh tế đất nước từ năm 1990 đến nay là những kẻ chịu trách nhiệm cho việc Trung quốc đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc ngày càng sâu đậm về kinh tế.
Blogger Lê Anh Hùng, một trong những người tranh đấu cho dân chủ từng bị tù đày cũng lên tiếng nói rằng chính ông Dũng là nguyên nhân để cho hàng vạn công nhân Trung quốc đổ vào Việt Nam tạo nên điều mà nhiều trí thức yêu nước phản đối vì nó có thể làm nguy hại đến an ninh của quốc gia.
Cùng có ý kiến như Lê Anh Hùng là nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn, khi ông viết rằng công trình thuộc địa hóa Việt Nam của Trung quốc thành công là nhờ ở ông X, một biệt danh mà nhiều người đặt cho ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Nói về tính liêm khiết của ông Nguyễn Phú Trọng, tác giả Trần Quí Cao có bài Bàn về chữ Đức của ông Nguyễn Phú Trọng. Đầu tiên, tác giả trích lời ông Trọng:
“Ông Nguyễn Phú Trọng nói người có Đức: “Phải trung thành tuyệt đối, với dân, với chế độ, với Đảng, giữ cho được chế độ này, Đảng này, giữ cho được hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.
“Giữ cho được Đảng này”, Tôi hiểu lời phát biểu của ông Trọng là phải giữ cho được Đảng ở vị trí cầm quyền. Liên hệ với phát biểu của các nhân vật quan trọng khác của Đảng, nhất là câu nói rất thật thà của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, “Bỏ điều 4 Hiến Pháp là tự sát”, tôi hiểu rằng quan điểm chính thống của Đảng, dưới sự lãnh đạo của các ông, là “Nhất quyết không tranh cử với bất kỳ Đảng nào, khuynh hướng chính trị nào”. Các ông nhất quyết không chấp nhận bất kỳ sự nhận xét, phê bình nào của nhân dân thông qua lá phiếu của người dân!
Người có Đức, ở mức độ thường dân, là người làm những điều mang lợi ích cho những người chung quanh. Ở mức độ chính trị quốc gia, phải là người mang lại lợi ích cho dân tộc, cho tổ quốc phù hợp với xu hướng chung của nhân loại.
Chữ Đức mà ông Nguyễn Phú Trọng rao giảng đi ngược chiều tiến văn minh nhân loại. Chữ Đức đó mang tai hại cho dân tộc, cho tổ quốc, cho xã hội… Chữ Đức đó không giải quyết được những yêu cầu lớn nhất của đất nước hiện nay là thiết lập dân chủ, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và độc lập với Trung Cộng. Rốt lại, nó chỉ mang lợi ích cho chính ông và một dúm nhỏ cánh hẩu của ông.”
Bà Nguyễn Thị Từ Huy, sau khi so sánh hai ông Trọng và Dũng có nói rằng ông Trọng có thể không phải là sự chọn lựa xấu nhất, nhưng với ông ở cương vị lãnh đạo thì bà cho rằng những mong muốn về sự thay đổi có thể chỉ là những điều viễn vông.
Trong hành ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện hành, không có người nào bộc lộ một hoài bão chính trị lớn về tương lai của dân tộc và về vị thế của dân tộc. Điều này có thể kiểm chứng trên các phát ngôn, các chính sách và cách hành động của họ.
-Nguyễn Thị Từ Huy
“Sẽ chỉ viễn vông nếu hy vọng rằng sự tranh giành quyền lực trong đảng, mà ta đang chứng kiến, có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của đảng.
có thể hình dung rằng nếu ông Trọng được lựa chọn lần này thì đó chưa hẳn đã là sự lựa chọn xấu nhất. Và cuộc đấu mà dường như ông Trọng đang tiến hành chưa hẳn đã là một cuộc đấu vì quyền lực cho bản thân ông. Nếu năm 2012 ông chống tham nhũng, thì có thể lần này ông đấu tranh để chống việc Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc.
Nếu ông còn duy trì cơ chế này thì ông còn tiếp tục thua những kẻ tham nhũng, và đất nước còn tiếp tục nghèo, nhân dân còn tiếp tục phải khổ.
Trong hành ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện hành, không có người nào bộc lộ một hoài bão chính trị lớn về tương lai của dân tộc và về vị thế của dân tộc. Điều này có thể kiểm chứng trên các phát ngôn, các chính sách và cách hành động của họ. Câu trả lời mà tôi tìm thấy hiện nay là như vậy. Điều này không ngăn cản việc, trong số họ tiềm ẩn những người chưa tiện bộc lộ tư tưởng của mình, những người chờ đến khi được đứng vào vị thế quyền lực cao nhất mới hành động. Nhưng giả định này cũng có thể là rất viển vông.”
Theo bà Huy thì đất nước Việt Nam nếu muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của Trung quốc thì không còn cách nào khác là phải thay đổi về chính trị, thoát khỏi mô hình cộng sản mà Trung quốc và đồng minh hiếm hoi của họ là Bắc Triều Tiên đang theo đuổi.
Nhiều blogger cho rằng sau đại hội đảng lần thứ 12 thì mọi sự lại như cũ. Tác giả Đinh Minh Đạo viết trên trang Bauxite Việt Nam rằng:
“Sau Đại hội, người dân Việt Nam sẽ thất vọng, lại được nghe các bài ca quen thuộc của Đảng: kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, bài trừ tham nhũng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chống tự diễn biến và diễn biến của các thế lực thù địch v...v. Những góp ý của nhân dân, của các nhân sỹ, trí thức nặng lòng với đất nước Đảng bỏ ngoài tai.
Nhưng sự chịu đựng của nhân dân chỉ có hạn. Nếu Đảng không tự mình cải đổi, sẽ đến ngày nhân dân đứng lên đấu tranh buộc Đảng phải thay đổi, lúc đó Đảng có sám hối thì đã muộn.”
Còn Trần Kỳ Trung thì cho rằng đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không còn có được lòng tin của dân chúng nữa mà chỉ còn tồn tại nhờ vào sức mạnh của quân đội và công an mà đảng nắm giữ mà thôi.
Vì vậy sự lựa chọn người lãnh đạo đã và đang sôi nổi trong thời gian hiện nay trong nội bộ đảng cộng sản, theo tác giả Trần Minh Khôi là sự chọn lựa giữa hai bình thuốc độc. Chúng tôi xin mượn lời Trần Minh Khôi để kết thúc bài điểm blog này:
“Và đây là hai chén thuốc độc mà các đại biểu đại hội sẽ phải chọn: 1) một bên là thế lực tham nhũng nhưng có hứa hẹn cải cách, và 2) bên kia là thế lực bảo thủ nhưng có hứa hẹn ngăn chặn tham nhũng. Chọn bên nào thì ít tệ hại hơn? –
Để chống tham nhũng thì cần có các định chế kiểm soát quyền lực. Nhưng các định chế kiểm soát quyền lực này không tồn tại trong cơ cấu của Đảng. Chống tham nhũng sẽ chủ yếu dựa vào ý chí cá nhân. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cho chúng ta thấy, khi thiếu vắng những định chế kiểm soát quyền lực thì chống tham nhũng dễ dàng trở thành công cụ thanh trừng nội bộ. Đảng sẽ phân hóa trầm trọng thêm nữa.”

No comments:

Post a Comment