Theo NLĐO-25/01/2016 22:45
Thưởng thức pháo hoa dịp năm mới là nhu cầu có thật của người dân song thực tế đời sống xã hội của các tỉnh xin gạo cứu đói cho thấy cần phải lựa chọn cách sử dụng đồng tiền hợp lý hơn
Tỉnh Nghệ An đã được Chính phủ duyệt cấp hơn 3.600 tấn gạo cứu đói dịp Tết Bính Thân 2016 và mùa giáp hạt sau Tết. Dù vậy, Nghệ An vẫn quyết tâm bắn pháo hoa đêm giao thừa để mừng Xuân.
Cứ bắn vì tiền không phải của mình (!)
Theo địa phương này, nhận gạo cứu đói chủ yếu là các huyện nghèo, miền núi; còn bắn pháo hoa là ở ngay trung tâm hành chính tỉnh - TP Vinh. Người dân - dù nghèo - vẫn cần thưởng lãm.
Bắn pháo hoa mừng Xuân Ất Mùi 2015 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Không ít người ở đây cũng nghĩ đơn giản: No con mắt trước cái đã, còn cái bụng tính sau. Chị Vũ Thị Ngà (ngụ phường Đông Vinh, TP Vinh) bày tỏ: “Người nghèo như chúng tôi ngoài cần gạo cứu đói còn cần ngắm pháo hoa lung linh trên bầu trời dịp Tết. Quanh năm làm việc vất vả rồi, ai cũng háo hức chờ đợi đêm giao thừa để đưa gia đình đi xem pháo hoa. Nếu không có pháo hoa thì buồn lắm!”.
Cũng như vậy, ông Nguyễn Phụng Ngoạn - Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên - phấn khích: “Đã rất lâu rồi huyện Tuy An mới được bắn pháo hoa. Người dân trong huyện mừng lắm! Nhiều người ở xa, giờ đã đăng ký xe chuẩn bị đưa cả nhà đi xem. Nhiều người ở các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân cũng chuẩn bị sang Tuy An xem bắn pháo hoa”.
Ngoại trừ Đà Nẵng (không xin gạo cứu đói), các địa phương mạnh miệng nói và mạnh tay chi là bởi lý do: Kinh phí để bắn pháo hoa không phải trích từ ngân sách mà từ nguồn xã hội hóa. Nghệ An và Phú Yên dự kiến huy động hơn 500 triệu đồng. Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa chủ trương vận động các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đóng góp để có tiền bắn pháo hoa với chi phí dao động từ 400 triệu đồng đến 2 tỉ đồng.
Trước ý kiến cho rằng vì sao không dùng tiền của các DN đóng góp để hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với “đốt tiền” vào pháo hoa, một số địa phương cho biết việc chăm lo cho người nghèo đã có tiền từ ngân sách. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Trị bố trí trên 2,6 tỉ đồng để đi thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh… TP Hội An, tỉnh Quảng Nam thì nói rằng chính quyền đã chăm lo tốt cho hộ nghèo, hộ chính sách rồi nên bắn pháo hoa là để “bồi bổ” đời sống tinh thần!
O ép hay tự nguyện?
Thêm một vấn đề đặt ra là các DN có hào hứng với chủ trương vận động của chính quyền hay không? Giám đốc một công ty trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói với phóng viên Báo Người Lao Động rằng chính quyền kêu gọi hỗ trợ tiền bắn pháo hoa thì DN của ông “phải” ủng hộ chứ thực tình không muốn. “Không ai ép mình cả nhưng đã có lời như vậy rồi mà DN không nghe thì cũng ngại, sợ khó khăn cho công việc sau này” - ông thổ lộ.
Trong khi đó, đại diện chính quyền TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khẳng định “không ép DN”. Dự kiến vào đêm giao thừa Tết Bính Thân, ngoài TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa còn cho bắn pháo hoa tại 3 điểm khác là TP Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, huyện Khánh Vĩnh.
“Do TP Nha Trang chỉ nắm các DN nhỏ nên việc vận động rất khó khăn. Toàn bộ kinh phí (2 tỉ đồng) do UBND tỉnh vận động từ các DN. Phải dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không ép các DN. TP Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến của DN, nếu DN nào phản ánh với báo chí (về việc o ép - PV) thì cần phải có trách nhiệm trong phát ngôn này” - ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND TP Nha Trang, nhấn mạnh. Kinh phí bắn pháo hoa riêng tại TP Nha Trang dự kiến khoảng 700 triệu đồng.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh cũng kêu gọi DN đóng góp gần 350 triệu đồng để bắn pháo hoa. Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh, cho biết: “Sau 7 năm (từ năm 2009), huyện mới có kinh phí bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán, đa số được vận động từ các nguồn ngoài huyện vì các DN trong huyện rất ít. Chúng tôi hoàn toàn không ép buộc bất cứ DN nào, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện. Nếu ép thì năm nào cũng bắn chứ không đợi đến 7 năm mới được bắn một lần” - ông Hoa nói.
Tỉnh Đắk Lắk thì có cách làm hơi khác. Ông Bùi Hồng Quý, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, thông tin UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho UBND TP Buôn Ma Thuột tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại Quảng trường 10 Tháng 3. Riêng tại thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Pắk, UBND tỉnh chỉ đạo nếu đã vận động được kinh phí thì đem hỗ trợ gia đình chính sách và người nghèo… chứ không được tổ chức bắn pháo hoa!
Theo ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, huyện đã vận động được hơn 200 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân để bắn pháo hoa. Trước chỉ đạo nêu trên của UBND tỉnh, huyện chưa biết xử lý số tiền này như thế nào…
Miền Tây: Xin tiền để bắn
Đồng Tháp: 3 địa phương được phép bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 2016 là TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và thị xã Hồng Ngự. Nguồn kinh phí: xã hội hóa.
Kiên Giang: 4 địa phương được phép bắn pháo hoa gồm TP Rạch Giá và các huyện U Minh Thượng, Kiên Lương, Phú Quốc. Nguồn kinh phí: chưa rõ!
An Giang: 3 địa phương được phép bắn pháo hoa gồm TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu. Nguồn kinh phí: vận động các DN (khoảng 400 triệu đồng), phần còn lại do khách thập phương đóng góp thông qua Ban Quản lý lăng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.
Vĩnh Long: Dự kiến bắn pháo hoa tại Quảng trường TP Vĩnh Long. Nguồn kinh phí: xã hội hóa, song hiện vẫn chưa biết cụ thể là bao nhiêu.
Cần Thơ: Bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực nhà hàng Hoa Sứ (quận Ninh Kiều). Nguồn kinh phí: xã hội hóa.
Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút. C.Linh - T.Nốt
NHÓM PHÓNG VIÊN
No comments:
Post a Comment