Monday, January 25, 2016

Người Sài Gòn đang uống mầm bệnh mỗi ngày

Phúc trình ngày 25-1 của Trung tâm Y tế dự phòng Sài Gòn (sau đây gọi là Trung tâm), cho biết trong 10 mẫu nước nguồn được kiểm tra trong năm 2015, thì chỉ có 3 mẫu (chiếm 30%) đạt chỉ tiêu vi sinh (70% chưa đạt) và 1 mẫu (chiếm 10%) đạt chỉ tiêu hóa lý (90% chưa đạt).

Ảnh: Nước mía ở Sài Gòn (ảnh: N.Thịnh)
Theo Trung tâm, nguồn cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn chính yếu từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn qua chế biến của Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp. Tất cả các nguồn nước trên sau khi giải quyết sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân. Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nước theo giám sát của Trung tâm cho thấy nước chưa qua chế biến và cả phương cách đến tay người dân đều không đạt các tiêu chuẩn về vi sinh và hóa lý.
Tại các khu vực chưa có mạng lưới cung cấp nước sạch, người dân phải sử dụng nước giếng khoan, thì tỷ lệ đạt các tiêu chuẩn về vi sinh, hóa lý rất thấp.
Nước đã qua thanh lọc cũng chưa đạt 100% ở các trạm cấp nước. Ví dụ: chất lượng nước tại các trạm cấp nước tập trung cung cấp nước dưới 500 người cũng còn hơn 40% số mẫu kiểm tra chưa đạt các quy định về vi sinh và hơn 19% số mẫu chưa đạt tiêu chuẩn về hóa lý. Chất lượng nước tại các trạm cấp nước cung cấp nước từ 500 người trở lên, qua kiểm tra, tiêu chuẩn vi sinh mới đạt 99,63%, riêng hóa lý còn gần 4% số mẫu chưa đạt.
Theo Trung tâm, các tiêu chuẩn vi sinh không đạt bao gồm Coliform tổng số và E.coli; các tiêu chuẩn hóa lý không đạt chính là độ pH, clo dư, hàm lượng sắt tổng số,… Điều này dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về nhiễm trùng tiêu hóa cho người dân khá cao. E.coli và Coliforms là những nhóm vi khuẩn định danh, khi chúng hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật, và có thể dẫn đến việc nguồn nước có thể nhiễm những vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ thương hàn…). Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm trùng máu...
Trung tâm cũng cho biết qua kiểm tra 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá ở Sài Gòn, chỉ có 115 cơ sở là có “giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và an toàn thực phẩm”. Xét nghiệm 22 mẫu nước đá đang bày bán thì cho kết quả có tới 12 mẫu nhiễm khuẩn có thể gây bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước mía cho kết quả trong 1 ml chứa 210,000 vi khuẩn Coliforms, 490,000 vi sinh vật hiếu khí, 18,000 bào tử nấm men nấm mốc. Các chỉ số vi sinh trong mẫu kiểm này đều cao hơn từ 1,000 đến 10,000 lần so với tiêu chuẩn về Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm của Bộ Y tế.
Ảnh: Nước mía ở Sài Gòn (ảnh: N.Thịnh)
 01/25/2016 - 09:18
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment