Monday, January 25, 2016

Một vài vấn đề về giáo dục

 — 01/25/2016 - 10:44
      Sự thất bại toàn diện của nền giáo dục Việt Nam đã được nhiều người đề cập và phân tích. Có hai nhận định bao trùm, sự thất bại của nền giáo dục nằm trong sự thất bại chung về tất cả các mặt, các khía cạnh và lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại của chế độ cộng sản Việt Nam. Đồng thời, sự thất bại của nền giáo dục được soi chiếu trên mọi tiêu chí và mọi khía cạnh. Không những vậy, xét trên bất cứ một triết lý giáo dục nào, nền giáo dục của Việt Nam cũng là một thảm họa. Bài viết này được xem xét dưới một góc nhìn về giáo dục, và đưa ra một vài nguyên nhân cho tình trạng giáo dục ở Việt Nam.
     Một nền giáo dục thành công là một nền giáo dục kích hoạt được tính ham học hỏi, tinh thần ham hiểu biết của từng cá nhân và toàn xã hội. Ngược lại, sự thất bại của một nền giáo dục thể hiện ở việc triệt tiêu nhu cầu học hỏi, nhu cầu tự trau dồi kiến thức của mọi cá nhân và xã hội. Dưới góc độ này, Việt Nam là một điển hình cho việc triệt tiêu động lực, nhu cầu hiểu biết và tự trau dồi kiến thức của cá nhân.
     Để khách quan và công bằng, có lẽ chúng ta nên chia giáo dục Việt Nam ra hai thời kỳ, trước và sau năm 1985. Thời kỳ trước 1985, khi chưa tiến hành cải cách giáo dục và khi học sinh chưa phải tập trung về các trường đại học để thi tuyển vào đại học. Có thể nói, giáo dục Việt Nam thời kỳ này hoàn toàn chưa có dấu hiệu nào của sự thất bại, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn trong dòng chảy chung của giáo dục lành mạnh. Mọi chuyện bắt đầu từ cải cách giáo dục, cũng như những sửa đổi liên tục sau này đã đưa giáo dục Việt Nam vào thảm họa.
     Tại sao nền giáo dục trước năm 1985 lại tương đối thành công và cải cách giáo dục (và những sửa đổi) lại là thảm họa?
     Trước hết và trên hết, thiết kế (và cải cách) chương trình cho một nền giáo dục của một quốc gia là vấn đề vô cùng lớn, khó khăn và phức tạp. Nếu như không có đủ những người có tâm, có tầm và không gian hoạt động thì không thể thực hiện nổi. Chúng ta biết rằng, thiết kế chương trình cho nền giáo dục Việt nam trước đây là những nhân vật vừa uyên bác, vừa có tâm, lại được toàn quyền thực hiện công việc. Đó là những giáo sư nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Đặng Thái Mai, Dương Quảng Hàm, Tạ Quang Bửu...vv...và rất nhiều người tài giỏi ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và môn học khác nhau. Bản thân mỗi người nói trên đều có trình độ như những nhà bác học, rất giỏi chuyên môn và thông thạo các kiến thức liên ngành. Chính vì vậy, chương trình giáo dục trước năm 1985 được thiết kế dựa trên sự tham khảo đầy đủ các nguyên lý, kiến thức giáo dục và kiến thức chuyên môn, chuyên ngành trên thế giới đồng thời phù hợp với văn hóa và tâm lý của đại chúng Việt Nam.
     Cải cách giáo dục, xới tung ra rồi làm lại, gần như thiết kế lại một nền giáo dục, cũng đòi hỏi những con người vừa có tâm, có tầm và không gian hoạt động như vậy. Nhưng chúng ta xem, trong tất cả những nhân vật thực hiện cải cách giáo dục, có ai có kiến thức và trình độ bằng 1/10 những vị giáo sư nêu ở trên? thêm nữa, những người thực hiện cải cách giáo dục có được toàn quyền thực hiện công việc hay không?
     Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là chương trình cải cách giáo dục không đặt học sinh, với tâm sinh lý từng lứa tuổi làm trung tâm, để thiết kế nội dung. Biểu hiện rõ nhất là nội dung chương trình quá nặng, không phù hợp với các lứa tuổi. Điều này rất rõ ràng và là nguyên nhân chính của thảm họa giáo dục Việt Nam. Ngay từ các chương trình của học sinh tiểu học, cụ thể là cấp I, các nội dung chương trình đã quá nặng, học sinh không thể hấp thu hết kiến thức nên đã dẫn tới nảy sinh ra tâm lý chán học, sợ học và học đối phó. Phần lớn học sinh không theo được nội dung của chương trình giáo dục trong khi tất cả các sửa đổi, giảm tải chỉ là hình thức, không thật sự đưa được nội dung học trở lại phù hợp với từng lứa tuổi. Gốc rễ của thảm họa giáo dục chính là việc nội dung chương trình không phù hợp, quá tải đối với học sinh dẫn tới triệt tiêu động lực học, và nhu cầu ham hiểu biết của học sinh.
     Một lý do không thể không nhắc tới, đó là bệnh thành tích trong giáo dục đã làm gia tăng và trầm trọng thêm rất nhiều kết quả và chất lượng giáo dục. Việc đánh giá sai kết quả và chất lượng học sinh, cho lên lớp và tặng danh hiệu học sinh khá, giỏi cho những học sinh không đủ tiêu chuẩn càng làm giáo dục sa vào vũng lầy không thể giải quyết nổi.
     Rồi đây, khi kết thúc chế độ cộng sản ở Việt Nam, tất cả sẽ được thiết kế lại, không chỉ giáo dục. Nhưng thất bại của giáo dục ngày hôm nay đã chỉ cho chúng ta thấy, tầm quan trọng của giáo dục, cũng như việc thiết kế chương trình giáo dục khó khăn, phức tạp đến mức nào. Và một nguyên lý tuyệt đối không được xa rời, đó là phải lấy con người, lấy học sinh làm trung tâm để thực hiện việc thiết kế nội dung, chương trình của nền giáo dục./.
Hà Nội, ngày 25/01/2016
N.V.B

No comments:

Post a Comment