Sunday, January 31, 2016

Ngân hàng thương mại có bị ‘buông’ để phá sản bất thường?

Theo Người Việt- 01-31-2016 5:20:29 PM
Phạm Chí Dũng


“Bắt ngân hàng làm con tin?”

Trùng hợp với thời gian diễn ra Đại Hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, một quan chức có trách nhiệm của Ngân Hàng Nhà Nước là Phó Thống Đốc Nguyễn Phước Thanh đã công bố với báo chí: “Năm nay Ngân Hàng Nhà Nước sẽ xem xét cho phá sản công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân nếu hoạt động không hiệu quả. Sau đó, Ngân Hàng Nhà Nước có thể cho phá sản cả những ngân hàng thương mại đang hoạt động yếu kém. Đây chính là cảnh báo cho các ông chủ ngân hàng phải nghiêm túc trong hoạt động.”

Cũng trong thời gian diễn ra Đại Hội 12, mạng xã hội xuất hiện một tác giả ẩn danh mới: “Góc khuất Đại Hội 12.” Tác giả này đưa bài “Đại biểu dự Đại Hội 12 lạnh sống lưng khi biết ngân hàng sắp vỡ nợ,” trong đó khẳng định: “Trong hai năm 2014 và 2015, Ngân Hàng Nhà Nước không đóng góp bất kỳ một đồng nào cho Ngân Sách Nhà Nước. Đó là chưa kể năm 2015, Ngân Hàng Nhà Nước đang lỗ 6,090 tỷ đồng.”

Sau hàng loạt nickname như “Người cấp tiến,” “Người đưa tin,” Bùi Quang Vơm...,” “Góc khuất Đại Hội 12” là một ẩn số hoàn toàn mới.

Nhưng khác hẳn với các tác giả không lộ diện khác chuyên bình về chính trị, “Góc khuất Đại Hội 12” trình làng bằng vài bài viết tấn công vào hệ thống ngân hàng thương mại vốn tích tụ quá nhiều khuất tất tài chính ở Việt Nam.

Lôi tuột ra ánh sáng kết quả “xử lý nợ xấu” của Ngân Hàng Nhà Nước mà đã thực chất chẳng xử lý được gì, “Góc khuất Đại Hội 12” đặt vấn đề về trách nhiệm của giới lãnh đạo cơ quan siêu ngân hàng này.

Không có lửa sao có khói. Trong thời gian diễn ra Đại Hội 12, vài thông tin đe dọa đã xuất hiện trên mạng xã hội về khả năng “phe thất bại sẽ làm kiệt quệ kinh tế” và “bắt ngân hàng làm con tin.” Chỉ cần thông tin này có một phần cơ sở, đó chính là đòn trả đũa “phá kinh tế” của những người đang nắm trong tay toàn bộ hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Bất luận ra sao, những kẻ chiến thắng trong đại hội 12 cũng có thể rơi vào tình cảnh khốn đốn nếu các thủ đoạn phá kinh tế được triển khai “từ nghị quyết vào thực tiễn.”

“Tao mà rớt thì tao quậy cho nát luôn”

Câu hỏi phát ra là tại sao trong hai năm 2014 và 2015, Ngân Hàng Nhà Nước lại không cho phá sản ba ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và GP, mà lại phải “mua lại bằng tiền gửi của khách hàng” - như một nhận định của tác giả “Góc khuất Đại Hội 12?”

Trong hai năm 2014 và 2015, ba ngân hàng này đều trở thành án lớn với những vụ bắt bớ dàn lãnh đạo cao cấp nhất của họ. Nợ xấu của ba ngân hàng này lên đến 20,000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ của những ngân hàng đó là 10,000 tỷ đồng.

Câu hỏi tiếp theo là trong năm 2016, những ngân hàng thương mại nào có thể được “cho” phá sản, cùng cách thức phá sản có thể ồn ào và tạo xáo động thiên hạ đến mức nào?

Một giả thiết hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế: Đến một thời điểm nào đó và do không thể “ôm” được các ngân hàng chồng chất nợ xấu cùng nguy cơ phá sản trực tiếp, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ phải “buông” những ngân hàng này, khiến làn sóng ngân hàng phá sản dâng cao, có thể kéo theo hiệu ứng domino phá sản dây chuyền đối với những ngân hàng khác, đặc biệt trong tình thế sở hữu chéo giữa các ngân hàng là đặc biệt gắn bó và cũng đặc biệt nguy hiểm.

Hoặc một giả thiết khác sâu hiểm hơn: Nếu ai đó cố ý đẩy một số ngân hàng thương mại vào vực phá sản để người dân lao đến rút tiền hoặc biểu tình diện rộng, khi đó chân đứng chính trị của phe đang cầm quyền sẽ ra sao?

Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Trong bối cảnh chế độ đã tiến nhanh vào giai đoạn bóng đêm nhiệm kỳ và các quan chức không từ nan những thủ đoạn sâu hiểm nhất để loại trừ nhau, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Kích động nguy cơ rủi ro cao vào đám đông người gửi tiền - theo hệ tư tưởng “Tao mà rớt thì tao quậy cho nát luôn” - hiển nhiên là một trong những phương cách đắc dụng nhất.

Lại “bắt ngân hàng?”

Bên lề Đại Hội 12, vào lúc đường biểu diễn tranh đoạt quyền lực đã tiệm cận điểm bùng nổ, tác giả ẩn danh “Góc khuất Đại Hội 12” đột nhiên đưa tin trên trang Ba Sàm: “Hai thành viên hội đồng quản trị Ngân Hàng BIDV và bốn trưởng phó phòng các bộ phận MHB bị bắt.”

Từ sau Hội Nghị Trung Ương 13 và đặc biệt từ gần Hội Nghị Trung Ương 14 đến tận Đại Hội 12, trang Ba Sàm bất chợt nổi lên như một điểm hội tụ và chia sẻ các luồng quan điểm hoàn toàn trái ngược của phe đảng và phe chính phủ, bất chấp thực tế cho tới nay trang tin này vẫn bị cả hai phe coi là “địch.”

Theo “Góc khuất Đại Hội 12,” hai thành viên hội đồng quản trị - đã bị cơ quan C46 thuộc Bộ Công An bắt vào ngày 16 Tháng Giêng - gồm ông Huỳnh Nam Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng MHB, và ông Nguyễn Phước Hòa, thành viên hội đồng quản trị ngân hàng MHB.

Hai nhân vật trên cũng là thành viên hội đồng quản trị Ngân Hàng BIDV.

Vào Tháng Năm, 2015, Ngân Hàng MHB được sáp nhập vào Ngân Hàng BIDV. Từ lâu nay BIDV lại được coi là ngân hàng ruột rà với Ngân Hàng Nhà Nước.

Nếu những thông tin và bình luận của “Góc khuất Đại Hội 12” về vụ bắt ngân hàng là đúng, mà cho đến nay vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào từ các đương sự được nêu tên là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa đối với trang Ba Sàm, dường như một chiến dịch “diệt ruồi” hoặc ngăn chặn một âm mưu nào đó đã được một lực lượng chính trị, nhiều khả năng là phe đảng, tính toán lập kế hoạch và khởi động ngay trước khi đại hội 12 khai mạc.

Vụ bắt hai nhân vật của MHB và BIV như “Góc khuất Đại Hội 12” đưa tin, nếu đúng, có thể khiến dư luận liên tưởng vụ Bộ Công An bắt giam khẩn cấp ông Hà Văn Thắm, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân Hàng Đại Dương, vào Tháng Mười, 2014, chỉ ít lâu trước khi diễn ra kỳ họp quốc hội cuối năm đó.

Khi đó, ông Thắm bị đồn đoán của liên quan mật thiết đến ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch quốc hội. Người ta cũng cho rằng phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã “ra tay” vụ này.

Sau vụ bắt ông Hà Văn Thắm, đến Tháng Giêng, 2015, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho là vọt lên đầu bảng trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm trong Bộ Chính Trị.

Nhưng hiện tình, hình như ngành công an đang chuyển sang thế hành xử “đa phương hóa.” Một khi đã chính thức “nghỉ” thủ tướng còn đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng không còn cơ hội chi phối mạnh mẽ Bộ Công An như trước đây.
Dường như đến lúc này, đến lượt những người của đảng tận dụng mô hình “nhà nước cảnh sát.”

Lẽ dĩ nhiên, cuộc chiến chính trị sẽ không có phương án thỏa hiệp toàn phần cho bên thua trận. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng đã giành chiến thắng áp đảo trước ông Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12, việc bộ hạ của ông Dũng dần bị triệt tiêu trong tương lai gần cũng là thói thường tình.

Đã là một thế lực chính trị thì phải thừa hiểu ngân hàng là huyết mạch tài chính quốc gia, thành công hay phá phách rất thường nằm ở địa chỉ “còn đảng còn mình” đó.

Nhưng cho dù ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, vừa lọt vào Bộ Chính Trị và hệ thống ngân hàng vẫn nguyên vẹn là một núi lửa chưa biết tỉnh giấc vào lúc nào với gần như toàn bộ số nợ xấu chưa xử lý được.

Chân đứng chế độ cũng bởi thế vẫn chưa hết run rẩy.

No comments:

Post a Comment