Năm 2016 được đánh giá là thời điểm bản lề đối với nền kinh tế và sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, khi hàng loạt hiệp định thương mại quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn như TPP hay các FTA sẽ đi vào hoạt động. Nói cách khác, năm 2016 là điểm xuất phát của nền kinh tế Việt Nam trên một chặng đua đường trường.
Nhưng động cơ trên chiếc xe kinh tế của chúng ta dường như không ổn định cho lắm, khi một loạt những lĩnh vực từng được xem là trụ cột của nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ phải cải tổ toàn diện để tránh tụt hậu, mà nông nghiệp là một điển hình. Nếu nhìn rộng hơn trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, hiện cũng có không ít lĩnh vực cũng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng đó, kể cả những ngành được đánh giá là mũi nhọn trong tương lai của nền kinh tế.
Khá nhiều trường hợp như ngành nông nghiệp
Với hầu hết người Việt Nam, câu chuyện đang diễn ra trong nền nông nghiệp ở thời điểm hiện tại hẳn phải là một cú sốc không hề nhỏ, khi một lĩnh vực được xem là chủ đạo trong nền kinh tế, có thời điểm chiếm tới gần 1/3 GDP của cả nước, đang có mức sử dụng lao động lớn nhất cả nước (hơn 40%), trong nhiều năm qua lại đang đứng trước yêu cầu phải cải tổ mạnh mẽ nếu như không muốn rơi vào trì trệ.
Nhìn qua những con số thống kê cho thấy đó quả thực là đáng ngac nhiên, năm 2014 tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt trên 30 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là 150 tỷ USD. Năm 2015, nông nghiệp cũng xuất khẩu hơn 25 tỷ USD, trong khi cả nước chỉ xuất khẩu được 162 tỷ USD. Rõ ràng, nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Sự ngạc nhiên đó trên thực tế không quá khó hiểu. Những con số ấn tượng về giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong những năm qua, trong đó lên đến mức cao nhất là trên 30 tỷ USD vào năm 2014, cũng giống như những vòng quay nhanh cuối cùng của một chiếc xe sắp hết đát. Nó không khỏa lấp được những vấn đề ngày càng lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang mắc phải: sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu dây chuyền quy mô lớn hiện đại và hiệu quả, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng kém trong khi giá thành sản phẩm lại quá cao.
Trên thực tế, phương thức sản xuất chủ đạo trong nền nông nghiệp hiện nay vẫn không có gì khác so với cách đây gần 30 năm, khi Việt Nam thực hiện Khoán 10 trong nông nghiệp. Tức là vẫn chủ yếu sử dụng sức lao động thuần túy thay vì ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn đến việc giá trị gia tăng trong lao động rất thấp.
Câu chuyện của ngành nông nghiệp trên thực tế đang là câu chuyện chung cho khá nhiều lĩnh vực chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là vẫn tập trung thâm dụng lao động quy mô lớn nhưng ở một mức độ rất thô sơ và đơn giản, dẫn đến năng suất lao động và giá trị gia tăng rất thấp. 
Có thể kể đến những lĩnh vực như dệt may hay là nền sản xuất công nghiệp mà chúng ta đang rất tự hào về giá trị xuất khẩu. Như trường hợp ngành dệt may, được xem là lĩnh vực chủ đạo và mũi nhọn sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất sau khi TPP và các FTA đi vào hoạt động, với mức sử dụng lao động lớn lên tới khoảng 3 triệu người với khoảng 4.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Nhưng thực tế ngành dệt may ở Việt Nam cũng mắc phải những vấn đề như ngành nông nghiệp, đó là vẫn tập trung vào khai thác sức lao động đơn giản vốn là công đoạn rất ít đem lại giá trị gia tăng.
Có tới hơn 80% các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu thực hiện giai đoạn gia công đơn giản, số doanh nghiệp có thể lấy được giá trị theo chuỗi cung ứng của ngành dệt may rất ít, chỉ khoảng 3%. Hầu hết các doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dệt may cũng tập trung theo hướng gia công để tận dụng tối đa nguồn nhân lực giá rẻ, trong khi hầu hết các công đoạn quan trọng và mang lại giá trị cao nhất như thiết kế, phân phối đều vẫn ở tại các quốc gia đó.
Hay như lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một lĩnh vực tưởng như có yếu tố công nghệ và giá trị gia tăng lớn nhất. Chỉ có khoảng 5% trong số các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đầu tư vào Việt Nam là thuộc diện công nghệ cao, còn lại là công nghệ tầm trung bình khá và chủ yếu tập trung vào thâm dụng lao động ở mức độ đơn giản, tức là không khác gì nhiều so với ngành dệt may hay nông nghiệp.
Cần điều chỉnh sớm để tránh lặp lại 
Dựa vào tình hình hiện tại, có thể dự đoán được trong tương lai các lĩnh vực trên nhiều khả năng sẽ đi vào vết xe của ngành nông nghiệp ở thời điểm hiện tại, nếu như Việt Nam không có những sự điều chỉnh ngay từ bây giờ. 
Trên thực tế đã có những dấu hiệu cảnh báo, như lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam tăng lên không đáng kể, dù chúng ta đã ký kết một loạt các hiệp định FTA trong đó dệt may được xem là hưởng lợi ích lớn về xuất khẩu. Vì cách thức sản xuất và hoạt động chủ đạo của ngành dệt may vẫn không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là gia công đơn giản có giá trị thấp, trong khi các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, chi phí nhân công, vận chuyển lại không ngừng tăng lên theo thời gian. 
Đây cũng là điều đã xảy đến với ngành nông nghiệp, khi phương thức sản xuất và lợi nhuận không thay đổi nhưng lại chịu tác động lớn từ việc tăng chi phí đầu vào.
Vì thế, điều mà các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước vẫn nhận xét, rằng Việt Nam là nước hưởng nhiều lợi ích nhất trong TPP, mà dệt may là ngành có nhiều thuận lợi nhất, chỉ đúng trong trường hợp ngành dệt may nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung thay đổi để đủ sức đón nhận những lợi ích đó. Còn nếu vẫn giữ nguyên hiện trạng, chưa nói đến việc nhận thêm lợi ích, mà thậm chí còn có thể rơi vào trì trệ giống như những gì đã xảy ra với ngành nông nghiệp. 
Trường hợp của ngành nông nghiệp vì thế có thể trở thành bài học để áp dụng vào một loạt các lĩnh vực chủ đạo khác của nền kinh tế, để tránh lặp lại những gì đã xảy ra vừa qua.
Vấn đề lớn nhất đối với các ngành kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập mà các chuyên gia kinh tế đã nhận định là phải tìm cách tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, với những mức độ có giá trị gia tăng càng lớn càng tốt. Mà để làm điều đó, rõ ràng chúng ta không thể hài lòng với mức độ chỉ tập trung vào gia công vốn là mức thấp nhất trong chuỗi cung ứng hiện nay. Trong bối cảnh có tới 96% doanh nghiệp trong nước là thuộc diện có quy mô vừa và nhỏ, không đủ quy mô và tiềm lực để có thể thực hiện mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất là cần phải có sự hỗ trợ từ phía chính phủ.
Việt Nam đã có những đề án hướng tới tái cơ cấu toàn bộ ngành nông nghiệp, nhưng vẫn chưa có những đề án tương tự trong các lĩnh vực chủ đạo khác cũng đang có những vấn đề tương tự ngành nông nghiệp. Nếu như trong nông nghiệp, Việt Nam đang hướng tới sửa chữa những khiếm khuyết trong cách thức vận hành vốn đã diễn ra quá lâu, thì rõ ràng chúng ta có thể tránh được điều tương tự nếu như điều chỉnh các lỗi đó ở các lĩnh vực khác ngay từ bây giờ.
 
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Bvsc, Baotintuc)