Sunday, January 31, 2016

Một nền báo chí buồn chán

Theo dõi báo chí chung quanh sự kiện Đại hội đảng CSVN, tôi thấy nền báo chí bên nhà (hình như gọi là “báo chí cách mạng”) thật là u ám. Thuở đời nay một sự kiện tương đối quan trọng và có ảnh hưởng đến tương lai đất nước, mà báo chí không hề có một bài bình luận chung quanh sự kiện. Không hề có một bài phân tích các ứng viên. Không có tranh luận công khai. — đành rồi. Nhưng cũng chẳng có một diễn thuyết nào của bất cứ một ứng viên nào về viễn kiến và tương lai của đất nước.
Thay vào đó là những cái tít mang tính thông cáo hơn là phân tích, như “Hôm nay bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư khoá mới”, “Nhiều ủy viên Bộ Chính trị được giới thiệu tái cử”, rồi giả bộ “Trung ương giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng” hay “Trung ương giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng ở lại làm Tổng Bí thư” trong khi báo lề trái ai cũng đã tỏ tường!
Khi cuộc “bầu cử” đã xong, thì lại những cái tít buồn chán và vô thưởng như thế lại xuất hiện: “Uỷ viên Bộ chính trị trẻ nhất”, hay “Con số thú vị về Bộ Chính trị, BCH TƯ khóa 12”, “Dân mong đợi gì ở lãnh đạo khóa mới”, “Bộ Quốc phòng có nhiều ủy viên Trung ương nhất”, thậm chí có cả cái câu giả vờ nhất trong một vở kịch tồi dở nhất: “Tôi bất ngờ khi gần 100% đại biểu bầu làm Tổng bí thư”!
Kể ra, cái thước đo sự quan tâm của công chúng hay nhất là những cái tít như “Những cô gái bán nude gây “bão” mạng”, “Kinh hoàng khoảnh khắc sét đánh nát vụn cây to”, “Thanh Thảo bất ngờ tố Thúy Vinh nợ nần chồng chất”, “Người đàn ông đột tử sau khi uống hà thủ ô chữa rụng tóc”, v.v. lại cạnh tranh và có phần trội hẳn so với những cái tít mang tính thông báo trên.
Ở các nước văn minh và có nền báo chí tự do, mỗi dịp bầu cử hay hội nghị của đảng là mỗi dịp người dân có thêm thông tin về những người sẽ dẫn dắt đất nước. Đó cũng là dịp để giới trí thức công chúng (public intellectuals) có tiếng nói phản biện, và đóng góp vào sinh hoạt trí thức của đất nước. Còn ở nước ta thì những người cũng mang danh sư sĩ, nhưng không hề có một phân tích gì để đáng đọc, và chẳng có tiếng nói độc lập. Thật ra, trách như thế cũng không công bằng, vì những người có ý kiến độc lập thì làm gì có cơ hội để phát biểu. Một nền báo chí mà không có tiếng nói phản biện và những phân tích độc lập, thì phải nói là một nền báo chí buồn chán, nếu không muốn nói là một nền báo chí chết lâm sàng.
PS: Cái hình dưới đây thì lại … hay.
H1

No comments:

Post a Comment