Amanda Ruggeri
Theo BBC-16 tháng 11 2015
Vắng tanh không bóng người, những chuyến tàu ma là một trong những điều kỳ quặc nhất của ngành vận tải Anh quốc. Tại sao những chuyến tàu đó vẫn tồn tại? Amanda Ruggeri lên thử một chuyến để tìm hiểu.
Chuyến xe lửa đi qua vùng nông thôn West Yorkshire, chạy từ thành phố Leeds đến thị trấn nhỏ Snaith, chỉ khởi hành một lần mỗi ngày vào đúng 17h16 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Chiều ngược lại khởi hành hai lần, vào lúc 07h16 và 19h01.
Không bóng một hành khách
Nhìn vào lịch trình thưa thớt như thế này, có lẽ bạn nghĩ rằng các toa tàu sẽ đông nghẹt. Nhưng vào giờ cao điểm một thứ Sáu gần đây, khi mà nhà ga Leeds, nhà ga tấp nập thứ hai ở Anh chỉ sau London tràn ngập người thì không có ai ngoại trừ tôi và bạn đồng hành ngồi trên chuyến tàu để đi thêm một vài bến nữa. Rồi các toa tàu nhanh chóng trống trơn hoàn toàn một cách kỳ quặc.
Leeds-Snaith là tuyến đường mà những người hay đi tàu gọi là chuyến tàu ma. Nhà ga Snaith được xem là nhà ga ma.
Trang bán vé qua mạng Thetrainline.com cảnh báo hành khách rằng ở nhà ga này không có máy bán vé. Cũng không có phòng vé, chỗ đón taxi và cả quầy dịch vụ gọi taxi.
Đó là một trong nhiều tuyến tàu trên khắp nước Anh chạy với các toa tàu không có hành khách – lúc thì chạy một đôi chuyến mỗi ngày, thậm chí có lúc chỉ chạy một lần một tuần. Đôi khi đến cả nhân viên bán vé cũng không biết là có tuyến đường này.
Vậy thì tại sao tuyến tàu này vẫn hoạt động?
Không có định nghĩa duy nhất thế nào là một chuyến tàu ma mặc dù có sự nhất trí chung là khi một chuyến tàu trở nên quá thưa thớt khách đi thì nó thật sự trở thành vô dụng. Cách gọi ‘tàu ma’ nghe có vẻ phù hợp.
Nó mô tả một chuyến tàu âm thầm vút qua các làng mạc và thị trấn mà gần như không để lại dấu vết gì.
Có lẽ quan trọng nhất, danh từ ‘tàu ma’ ngụ ý điều gì đó mà chỉ có một số ít người đặc biệt mới biết rằng nó tồn tại.
Người phụ trách báo chí ở Viện Bảo tàng Đường sắt Quốc gia York đã cảm thấy bối rối trước yêu cầu của tôi được phỏng vấn về chuyến tàu ma. Ông ấy nghĩ rằng tôi muốn nói về những vật ‘bị ma ám’ ở bảo tàng.
Có bao nhiêu ‘tàu ma’?
Không ai biết chính xác có bao nhiêu chuyến tàu ma đang chạy ngoài kia.
Trên trang mạng The Ghost Station Hunters do những người quan tâm đến đường sắt như Tim Hall-Smith và Liz Moralee lập ra đã liệt kê 37 chuyến tàu như vậy và đó mới chỉ là những chuyến tàu mà cặp đôi gan dạ này đã tới, đi thử và viết bài về chúng.
Hall-Smith nói rằng ông đếm được 50 chuyến tàu ma khi nhìn vào lịch trình tàu chạy.
Số liệu chính thức thì khó mà theo dõi. Công ty Northern Rail, hãng điều hành tuyến đường sắt từ Leeds đến Snaith, cho biết họ có sáu chuyến tàu như vậy trong tổng số 2.500 chuyến tàu mà hãng này chạy mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi Bộ Giao thông yêu cầu có con số chung thì kết quả là không có tuyến nào cả.
“Bộ Giao thông không nắm trong tay danh sách xác định những tuyến đường thưa thớt này bởi vì chúng tôi không dùng cách gọi ‘tàu ma’ – không có định nghĩa chính thức thế nào là tàu ma cả,” Andrew Scott, một trong những nhân viên báo chí của Bộ Giao thông nói.
Sự bí ẩn bao quanh những chuyến tàu ma là một phần khiến nó có sức hút khó cưỡng đối với một cộng đồng hẹp những người ‘săn tàu ma’ đầy đam mê. Nó thôi thúc Hall-Smith và Moralee chia sẻ thông tin lên mạng thông qua các trang tương tự như trang web của họ.
Hall-Smith đã theo đuổi việc tìm hiểu các chuyến tàu ma kể từ năm 1993 và đã tới đến 41 nhà ga ma. Với Moralee, con số đó là 32. Ở mỗi nhà ga, họ đều chụp ảnh và đưa lên trang web của mình, kèm theo mô tả chi tiết về cách thức đi tới đó, nơi đó có gì và không có gì.
‘Nơi điên khùng’
Để đánh dấu sinh nhật lần thứ 50 của Hall-Smith, hai người đã đến nhà ga Berney Arms ở Norfolk.
“Đó hẳn là một trong những nơi điên khùng nhất mà cả hai chúng tôi từng đi đến,” ông nói. “Không từ ngữ nào có thể miêu tả nơi đó hẻo lánh đến mức nào.”
Con đường gần nhất cũng cách đó ba dặm đường, công trình xây dựng duy nhất gần đó là một quán rượu và một cối xay gió cũ kỹ.
Đó là một đam mê đòi hỏi sự tận tâm. Do các tuyến tàu này chỉ chạy theo lịch trình cực kỳ không thuận lợi, đôi khi không có chuyến khứ hồi, đôi khi khởi hành trước lúc bình minh, khiến cho ta phải đi bộ rất nhiều. Nếu có một ai đó cũng đi trên tàu thì nhiều khả năng đó cũng là một người đi săn tàu ma.
Các chuyến tàu ở nước Anh thường trong tình trạng đông đúc quá tải, cho nên có thật lạ lùng khi mà có những toa tàu trống trơn vẫn chạy và có những nhà ga vắng vẻ vẫn phải có người được cắt cử tới bảo vệ.
Trong khoảng thời gian từ 1995-96 đến 2011-12, tổng số dặm đường đi lại của hành khách dùng dịch vụ hỏa xa tăng vọt lên đến 91% trong khi toàn hệ thống các đoàn tàu trên nước Anh chỉ tăng có 12%.
“Các chuyến tàu ma vẫn chạy để làm cơ sở pháp lý giúp tuyến đường đó không bị đóng hẳn,” Bruce Williamson, phát ngôn nhân của tổ chức RailFuture, nói.
Hay như Colin Divall, giáo sư về đường sắt tại Đại học York, thì: “Đó là những tuyến đường vô dụng, phục vụ khách ở mức rất hạn chế. Lý do để các chuyến tàu vẫn được duy trì là nhằm đối phó với việc nhỡ có ai muốn tìm cách đóng hẳn hoạt động ở các tuyến đường này.”
Đóng hẳn được không?
Đó là lý do chính tại sao những chuyến tàu ma vẫn tồn tại. Một danh từ chính thức hơn để gọi những chuyến tàu này ‘tàu Quốc hội’ – danh từ xuất hiện vào những năm trước, do để dừng hoạt động của những chuyến tàu này thì Quốc hội cần phải ra một đạo luật.
Nhiều hãng điều hành dịch vụ đường sắt vẫn duy trì những chuyến tàu không có khách nhằm tránh tốn kém và tránh các hậu quả chính trị.
Đóng cửa một tuyến tàu thường không phải là chuyện đơn giản. Trước hết phải có bản đánh giá phân tích tác động của việc này đối với hành khách, môi trường và kinh tế.
Đề xuất sau đó sẽ được trình lên Bộ Giao thông và đến khi đó chi tiết của kế hoạch đóng tuyến tàu phải được công khai trên báo chí trong khoảng sáu tháng trước khi ngừng hoạt động.
Tiếp đến là khoảng thời gian tham vấn kéo dài 12 tuần; trong thời gian này ai cũng có quyền phản đối. Đôi khi phải tổ chức các phiên điều trần công khai, nhất là khi việc đóng cửa liên quan đến một tuyến đường nào đó gây tranh cãi.
Cuối cùng, đề xuất được trình lên Ủy ban Đường sắt và Đường bộ – nơi quyết định có đóng cửa tuyến đường đó hay không.
Chính vì vậy mà thông thường thì việc duy trì tuyến đường sắt với tần suất chạy tàu ở mức tối thiểu sẽ ít tốn kém hơn về mặt thời gian, tiền bạc (dẫu là tiền thuế dân), và phiền toái về thủ tục giấy tờ so với việc đóng hẳn.
Các nước khác cũng có những chuyến tàu thưa thớt tương tự, nhưng các chuyên gia cho rằng việc chính trị hóa trong hệ thống đường sắt Anh quốc và việc đẻ ra quá nhiều bước để tiến đến đóng cửa một chuyến tàu ở nước này khiến cho khi người ta nói về ‘tàu ma’ thì thường là họ nhắc tới các chuyến tàu ở nước Anh.
‘Bí ẩn ít người biết’
Còn có lý do lạc quan hơn về việc duy trì các chuyến tàu ma: nó thể hiện niềm hy vọng về việc tuyến đường sắt này có thể sẽ được sử dụng thường xuyên hơn trong tương lai.
Một khi bị đóng lại hoàn toàn thì cơ sở hạ tầng sẽ xuống cấp. Ngay cả khi đường ray tàu vẫn được giữ lại thì nó sẽ bị cây cỏ mọc um tùm.
Đó là chưa kể các lái tàu sau đó phải được đào tạo lại khi chạy trên đường ray này, hay là rất nhiều thủ tục giấy tờ phải đi qua trước khi mở lại chuyến tàu đó.
Nói cách khác, bắt đầu lại từ đầu thì tốn kém hơn nhiều so với việc cứ duy trì cái mà chúng ta đã có sẵn.
Trên chuyến tàu đến Snaith, Hall-Smith và Moralee kể cho tôi nghe về những rắc rối mà Moralee đã gặp phải để mua được chiếc vé.
Chuyến tàu tới Snaith có tên trên bảng khởi hành nhưng nhân viên ở quầy bán vé chưa từng nghe tới nó. “Có lẽ bà đã nhầm lẫn,” người bán vé ấy nói, “Không có chuyến tàu nào đi đến Snaith cả.”
“Đó là điều khiến chúng tôi thích những chuyến tàu ma,” Hall-Smith nói: biết về một bí ẩn mà trong thế giới hoả xa vốn được tổ chức chặt chẽ không nên có.
Một bí mật mà thậm chí ngay cả những người làm việc trong ngành đường sắt cũng không biết tới.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
No comments:
Post a Comment