Anh Vũ, thông tín viên RFA 2015-11-16
Một người chạy xe ôm ở Saigon. Gian lận xăng dầu ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. AFP photo
Người sử dụng xăng dầu ở VN rất thiệt thòi, họ không chỉ phải mua xăng dầu với giá đắt, mà còn bị gian lận về số lượng khi mua tại các trạm bán lẻ xăng dầu.
Nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã diễn ra thế nào và cần có giải pháp gì để ngăn chặn?
Trong nhiều năm trở lại đây, ở VN tình trạng gian lận tại các điểm kinh doanh xăng dầu thông qua việc ăn bớt số lượng, với các thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm móc túi người tiêu dùng là hết sức phổ biến.
Ông Tuấn Anh, một người dân ở Vũng tàu nói với chúng tôi:
“Trước ở Sài gòn khi mua xăng thì tôi cũng đã gặp mấy lần bị người ta bơm chồng số hoặc 2 người bơm, một người thì đứng nhấn số chồng còn một người thì bơm để gian lận.”
Ông Trung ở Hà nội cũng cho biết:
“Tôi nghĩ nó cũng là chuyện cảm tính, song cũng chẳng biết làm thế nào. Ở các cây xăng, họ có rất nhiều cách để móc túi của khách hàng. Ví dụ họ gắn các cái chip điện tử ở bên trong làm cho chạy số và số lít không đúng sự thật; hoặc có thể họ lợi dụng con số còn sót lại của người đổ trước rồi sau đó đổ tiếp cho người sau để nhằm tăng số tiền lên.”
Trước ở Sài gòn khi mua xăng thì tôi cũng đã gặp mấy lần bị người ta bơm chồng số hoặc 2 người bơm, một người thì đứng nhấn số chồng còn một người thì bơm để gian lận.
- Ông Tuấn Anh, Vũng Tàu
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra khá phổ biến và đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Chỉ từ tháng 4/2015 – 9/2015, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt 232 cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận. Tổng số tiền phạt lên đến gần 8,4 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã phát hiện sai số ở các cây xăng lên tới 2 -15%, trong khi theo quy định thì sai số cho 10 lít chỉ là 0,3%. Như vậy với 10 lít bán ra, doanh nghiệp đã ăn cắp của khách hàng cao nhất có thể đến 1,5 lít, nghĩa là khoảng 15% số lượng. Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các cây xăng của nhà nước và của tư nhân.
Đánh giá về tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu hiện nay trên phạm vi toàn quốc, TS. Kinh tế Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định:
“Những chuyện đó không phải là mới và chẳng có gì đáng ngạc nhiên và chuyện đong thiếu trong kinh doanh xăng dầu cũng chẳng phải là chuyện lạ lẫm. Người ta đã nói nhiều về những cái bài bản và những mẹo ăn gian. Ngoài cái việc đong nối số, họ còn điều chỉnh máy, điều chỉnh đồng hồ rồi những gian lận khác nữa, chưa kể đến việc pha trộn. Những chuyện đó đã tạo ra bức xúc, thậm chí không chỉ là thiếu hụt về số lượng mà còn ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng.”
Bên cạnh những hành vi gian lận thủ công như cố tình trả sai tiền thừa, bơm xăng nối số… thì các cây xăng còn xử dụng hàng loạt các thủ đoạn tinh vi như gắn chíp hoặc các thiết bị điện tử làm sai lệch hoặc thay đổi các chỉ số trên các trạm bơm xăng, gây thiệt hại lớn cho khách hàng…
Đáng chú ý là tình trạng này gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã diễn ra từ rất lâu, ở hầu hết các địa phương song nhà nước chưa thật sự quan tâm để có cách giải quyết hữu hiệu.
Giải pháp nào?
Theo báo VnEconomy ngày 12/11/2015 cho biết, vừa qua Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận.
Mức xử phạt hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu còn quá nhẹ, nếu so với số tiền thu lợi từ việc gian lận thì số tiền phạt vài triệu đồng chẳng có ý nghĩa gì. Đó là một lý do dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kinh doanh chấp nhận chịu phạt.
Phát biểu về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận kinh doanh xăng dầu, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định:
“Tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã thể hiện về mặt nhận thức cũng như kỷ luật kinh doanh bán lẻ của ngành kinh doanh xăng dầu có vấn đề. Cái thứ 2 là công tác kiểm tra, xử lý chưa hiệu quả và chưa kiên quyết, cái thứ 3 là người dân rất thiếu những điều kiện và các cơ chế để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu như báo chí hoặc các cơ quan có trách nhiệm không phát hiện ra, thì người dân sẽ phải chấp nhận và coi đó là thiệt thòi mà mình phải chịu.”
Tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã thể hiện về mặt nhận thức cũng như kỷ luật kinh doanh bán lẻ của ngành kinh doanh xăng dầu có vấn đề.
- TS. Nguyễn Minh Phong
Khi hỏi về vai trò quản lý và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, một cán bộ Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đề nghị giấu danh tính cho rằng, đây là vấn đề được nhà nước hết sức quan tâm, song theo ông trước hết người tiêu dùng cần phải ý thức để bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Ông nói với chúng tôi:
“Những cây xăng gian lận về đo lường thì họ thường hay có các biểu hiện bất thường, thứ nhất là trong cách bơm xăng hoặc thái độ của nhân viên. Người tiêu dùng khi bỏ tiền mua xăng ở các cây xăng thì nên để ý cái đó và yêu cầu nhân viên bán xăng đưa công tơ về số không. Hoặc bản thân mỗi người dân nhận thấy rằng, hàng ngày mình bơm bấy nhiêu thì đầy hay bơm bấy nhiêu tiền thì tương đối hôm nay thì khác. Trong những trường hợp như vậy người dân cần báo lại cho chúng tôi theo đường dây nóng.”
Khi được hỏi, cần có các giải pháp nào nhằm tiến tới xóa bỏ hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu như hiện nay?
TS. Nguyễn Minh Phong thấy rằng, các hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đã có đủ cơ sở để xử lý, song nhà nước cần phải áp dụng chế tài phạt tiền ở mức cao nhất, truy thu số tiền bất chính do gian lận; đồng thời có thể tịch thu phương tiện đo, đình chỉ kinh doanh, kiến nghị thu hồi giấy phép, thậm chí chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng đề nghị truy tố trước pháp luật. Tuy vậy theo ông chức năng quản lý nhà nước cần được sử dụng tốt hơn, ông nói:
“Trong trường hợp như thế nếu có cái cơ chế đường dây nóng theo kiểu góp ý trực tiếp hoặc gọi điện và được xử lý ngay thì chắc chắn tình trạng này sẽ giảm đi rất nhiều. Và nhất là sau khi đã xử lý thì báo lại cho người dân thì chắc chắn họ sẽ hài lòng và họ sẽ hợp tác nhiều hơn nữa. Song nếu có cơ chế như vậy thì tôi nghĩ ngành xăng dầu sẽ rất ngại, họ ngại về mặt phiền phức vì bị lộ hết lưng của mình cho người khác xem. Nếu như nhận thức của người đứng đầu hay kỷ luật của Bộ Công thương bắt buộc ngành xăng dầu phải làm như vậy thì rất có lợi cho người tiêu dùng. ”
Người tiêu dùng VN hiện vẫn phải mua xăng với giá cao do mặt hàng này phải gánh các khoản thuế hoặc chí phí bất hợp lý xấp xỉ 50% giá bán; bên cạnh đó lại thêm vấn nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Các biện pháp bảo vệ cho họ vẫn chưa thấy hiệu quả gì!
No comments:
Post a Comment